(Đặc san 21/6) - Sóng biển ầm ào đập mạnh vào mạn chiếc xuồng trung chuyển. Chúng tôi chao đảo cùng sóng, ngay dưới chân nhà giàn DK1.
Đã quá quen với sóng gió, các chiến sĩ hải quân vừa đón sợi dây từ trên cao thả xuống, ghì chặt một đầu để cố định, vừa hướng dẫn từng thành viên đoàn công tác cách thức đu dây lên không trung an toàn.
“Bay” giữa không trung
Đó là khoảnh khắc đầu tiên chúng tôi được trải nghiệm trước khi đặt chân lên nhà giàn. Lúc này, biển động mạnh nên mỗi chuyến xuồng trung chuyển từ vị trí tàu neo chỉ có thể chở theo 5 - 6 người. Dập dềnh theo từng đợt sóng, chúng tôi lòng vòng qua nhiều pha “cắt sóng”.
Sau mỗi lần kéo lên, sợi dây từ chiếc cần cẩu tiếp tục được thả xuống, lần lượt đưa đoàn công tác gồm các nhà báo lên thăm nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ hải quân ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển trời.
Ngày thứ 4 lênh đênh trên biển, điều kiện thời tiết bất lợi nên chỉ có số ít thành viên đoàn công tác được chọn trực tiếp thăm Nhà giàn DK1/9, cụm Ba Kè. Toàn bộ phương tiện tác nghiệp được cất vào những chiếc bao chuyên dụng, đề phòng nước biển xâm nhập có thể gây hư hỏng.
Đại úy Trần Minh Huấn - Phó thuyền trưởng tàu Trường Sa 16 (thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), cùng 3 cán bộ chiến sĩ khác của tàu trực tiếp làm nhiệm vụ đưa đoàn công tác lên nhà giàn theo kế hoạch.
Sức gió càng về sau càng mạnh, những con sóng cao hơn 3m, tạt mạnh vào mạn xuồng. Kinh nghiệm hơn 5 năm làm nhiệm vụ, Đại úy Trần Minh Huấn giữ chắc tay lái, tìm cách rẽ sóng và cắt những đợt sóng nhiễu.
Chừng hơn mười phút, chiếc xuồng trung chuyển tiếp cận được chân nhà giàn. Một sợi dây dù được thả xuống từ đầu trục máy cần cẩu, đoạn giữa nối thêm hai sợi dây nhỏ, một sợi thả dài xuống sát mặt biển để thuận tiện cho chiến sĩ bắt lấy, một dây giăng ngang giúp cản sức gió, cũng như đảm bảo việc kéo người lên đúng hướng.
Ở cuối đoạn dây, một thanh gỗ hình chữ nhật được buộc chặt, làm điểm tựa cố định vừa đủ chỗ cho một người ngồi, cùng hành trình trải nghiệm “bay” giữa không trung.
Sóng to, gió lớn, quá trình hỗ trợ đoàn công tác đu dây lên nhà giàn hết sức khó khăn. Từ mặt biển nhìn lên, sợi dây mỏng như tơ trời, dập dềnh theo sóng nước.
Các chiến sĩ tranh thủ thời điểm đứng gió để nắm lấy dụng cụ hỗ trợ, rồi nhanh tay đặt vị trí ngồi an toàn để cần cẩu trung chuyển lên nhà giàn. Chúng tôi được khuyến cáo nắm chặt sợi dây chính, kẹp chân lại với nhau tạo hình vòng kiềng, không thả tay trong lúc... “bay”.
Những lo lắng ban đầu tan biến khi chúng tôi lần lượt đặt chân lên nhà giàn. Gió biển ràn rạt thổi mạnh, từ trên cao nhìn xuống, những bọt biển trắng xóa vây quanh chiếc xuồng, nhấp nhô giữa đại dương.
Chuyến trải nghiệm thú vị
Nhà báo Phan Trường Sơn - phóng viên Đài Truyền hình Vĩnh Long là một trong số những người đầu tiên của đoàn công tác đặt chân lên nhà giàn bằng cách đu dây giữa biển. Trở về boong tàu, ngay lập tức anh “bị” vây quanh bởi các nhà báo chưa tới lượt lên nhà giàn.
Anh Sơn nói, nếu không đu dây lên không trung ngay giữa biển trời Tổ quốc, có lẽ khó có thể hình dung cảm giác của những người con từ đất liền lần đầu tiên đặt chân đến nhà giàn.
Nhà giàn, mặc dù ngay trước mặt nhưng để đến được, không hề dễ dàng. Hành trình giữa biển khơi còn mang niềm thiêng liêng, tình yêu, sự cảm phục mà những nhà báo như anh Sơn dành cho cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở “cột mốc chủ quyền” trên biển.
Lênh đênh theo chuyến hải trình, phải đến ngày thứ 8, nhóm chúng tôi mới nhận được lệnh thăm nhà giàn. Sáng hôm đó, biển động dữ dội, phương án trung chuyển tiếp tục được triển khai đưa đoàn công tác thăm cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/21, cụm Ba Kè.
Phải mất 2 nhịp bắt hụt sợi dây, các chiến sĩ mới cố định được vị trí để tôi theo chiếc cẩu di chuyển lên nhà giàn với sự hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/21. Những cái bắt tay ngay giữa không gian này, khiến mọi thứ chẳng mấy chốc trở nên thân thuộc, gần gũi.
Những cặp nhà giàn nơi chúng tôi đi qua, để lên các tầng cao, phải đi bộ theo đường dích dắc với độ cao đến chóng mặt. Càng lên cao, sức gió càng mạnh, chúng tôi phải bám chặt thành bậc thang và đi từng bước một. Tất cả được khuyến cáo “chỉ nhìn lên trên, không nhìn xuống dưới”, nhằm đảm bảo an toàn.
Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn ở nhà giàn nhưng cán bộ chiến sĩ vẫn luôn lạc quan. Những vườn rau, bể nước dự trữ, phòng tập luyện thể thao, cho đến khu chăn nuôi chuồng trại được bố trí giúp họ yên tâm hơn trong khi làm nhiệm vụ “canh biển”.
Cuối trưa, trước lúc chúng tôi chuẩn bị rời đi, bỗng từ đâu tiếng gà gáy vang. Giữa mênh mông sóng biển, chuyến hải trình tác nghiệp, rất lạ, lại mang cảm giác bình yên.