Câu chuyện lãng phí tiềm năng du lịch Cù Lao Chàm đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tín hiệu cải thiện.
“Cưỡi ngựa xem hoa”
Cập cảng Cù Lao Chàm khi nắng sớm đã bắt đầu gay gắt, dạo một vòng qua vài điểm đến nổi bật trên đảo rồi sau đó ăn trưa và trở về đất liền là lịch trình quen thuộc của nhiều du khách khi đến Cù Lao Chàm, thậm chí đôi khi còn phải vội vàng rời đảo sớm để tránh thời tiết cực đoan. Với số ít khách lưu trú lại, lịch trình chủ yếu cũng là tắm biển và lặn ngắm san hô.
Thống kê trong nửa đầu năm 2023, Cù Lao Chàm chỉ đóng góp hơn 4% tổng lượng khách mua vé tham quan toàn địa bàn TP.Hội An. Điều này chứng tỏ sức hút, năng lực cạnh tranh của Cù Lao Chàm đang gặp vấn đề khi chưa có nhiều động thái nâng cấp, làm mới điểm đến.
Lãnh đạo UBND TP.Hội An chia sẻ, nhiều khu vực núi Cù Lao Chàm có cảnh quan sinh thái trữ tình rất phù hợp khai thác du lịch sinh thái, du lịch khám phá mạo hiểm nhưng hiện vướng nhiều vấn đề nên chưa thể làm được.
Việc áp dụng giới hạn lượng khách lên Cù Lao Chàm (không quá 3 nghìn lượt khách/ngày) là chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương để đảm bảo sức tải. Dù vậy, các bên liên quan cần phải sớm thúc đẩy xây dựng chuỗi sản phẩm có chiều sâu gắn với tài nguyên bản địa để nâng cao giá trị điểm đến, phát triển du lịch cao cấp như kỳ vọng.
Theo ông Lê Ngọc Thảo - Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, với Cù Lao Chàm, chương trình hành động cụ thể như thế nào, bộ tiêu chí đánh giá khu du lịch sinh thái ra sao thì chưa làm được. Qua phân tích, thời lượng trải nghiệm thực sự của du khách trên Cù Lao Chàm rất ít dẫn đến bộ thông tin tiếp nhận của du khách khi rời đảo không có gì đặc sắc.
Tại hội thảo phát triển du lịch biển Quảng Nam mới đây, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, du lịch biển, nhất là Cù Lao Chàm rất cần những cú hích mạnh mẽ hơn.
Thời gian qua, thành phố đã tổ chức đối thoại với 36 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Cù Lao Chàm để thúc đẩy vấn đề này nhưng vẫn loay hoay, 5 - 6 năm qua các bên liên quan đã đề cập nhiều về câu chuyện liên kết du lịch Tiên Sa (Đà Nẵng) - Cù Lao Chàm - Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhưng chưa đến đâu. Phải chăng đã đến lúc cần có sự cạnh tranh sòng phẳng thì mới có sự thức tỉnh từ cộng đồng doanh nghiệp địa phương trong việc phát triển sản phẩm du lịch Cù Lao Chàm?
Bỏ ngỏ du lịch sinh thái
Có giá trị sinh học đa dạng đã được bảo chứng bằng danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới từ năm 2009, du lịch sinh thái được nhiều chuyên gia nhận định là hướng đi tất yếu của Cù Lao Chàm để phát triển điểm đến này một cách bền vững. Nhưng qua thời gian dài, có thể nhận thấy sản phẩm, tour tuyến về du lịch sinh thái ở đây khá sơ sài, chưa hướng đến vấn đề trải nghiệm.
“Chúng ta nói rất nhiều về du lịch sinh thái nhưng trên thực tế có bao nhiêu mô hình đi đúng bản chất và tiêu chí của du lịch sinh thái. Chúng ta có thể nhìn thấy hàng loạt công ty đơn vị du lịch - dịch vụ người ta dùng những cụm từ rất sinh thái nhưng cách vận hành, sản phẩm của họ đã thực sự xanh chưa mới là vấn đề” - ông Lê Ngọc Thảo nhận định.
Mới đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã tổ chức thí điểm tour du lịch xanh tại xã Tân Hiệp. Thời gian qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng có mong muốn tổ chức tour khám phá đời sống sinh thái cua đá Cù Lao Chàm nhưng chưa được phép vì một số vướng mắc. Trong khi đó, việc đưa điểm nghề truyền thống đan võng, làm bánh ít, hầu hết các điểm di tích văn hóa - lịch sử vào chương trình tour cũng khá hời hợt do chỉ đi về trong ngày.
Ông Lê Ngọc Thảo nhận định, chính quyền và doanh nghiệp cần quan tâm tổ chức tour và phân luồng khách để giảm sức ép cho điểm đến thay vì đến và đi cùng một lúc như hiện nay vào nửa buổi sáng thì “đông như tổ ong” còn chiều thì vắng tanh.
Vấn đề ở đây là tổ chức tour, nếu chỉ đi trong ngày thì gần như khó có thể trải nghiệm du lịch sinh thái ở Cù Lao Chàm, điều này dẫn đến người dân - chủ thể đứng ra bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị của khu sinh quyển cũng khó hưởng lợi nhiều từ hoạt động du lịch.
Ngay cả điểm đến và hành trình tour cũng do doanh nghiệp quyết định còn cư dân địa phương rất thụ động chứ chưa tham gia vào việc xây dựng tour một cách bền vững, điều này cần thay đổi.