Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất ở huyện Duy Xuyên đã phát triển nhiều sản phẩm chất lượng, tạo sức bật trong bức tranh kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Xác định việc thực hiện Chương trình OCOP tạo động lực quan trọng để người dân thi đua phát triển sản xuất, thời gian qua huyện Duy Xuyên tạo mọi điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tiếp cận với những cơ chế ưu đãi của Nhà nước.
Đồng thời tăng cường tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể gắn với tư vấn phương thức kinh doanh, cải thiện mẫu mã, bao bì. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ, doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt sao tăng lên đáng kể.
Ngoài ra, các ngành liên quan tiến hành khảo sát, chọn địa điểm xây dựng một số gian hàng trưng bày, mua bán sản phẩm OCOP tại 3 khu đông - trung - tây của huyện.
Theo ông Đoàn Công Minh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên, phát huy điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và khí hậu, địa phương từng bước đa dạng sản phẩm đặc trưng tham gia vào chương trình OCOP.
Ngoài các sản phẩm đã phát triển và từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng như nước mắm Duy Trinh, dầu mè xứ Quảng, quạt gỗ trang trí, khăn lụa Mã Châu, bánh dẻo Lợi Phổ, tượng vũ nữ Apsara, chổi đót Nhất Tuấn, bánh tráng Hải An thì năm 2021 Duy Xuyên phát triển thêm 4 sản phẩm và đã được xếp hạng 3 sao cấp huyện, gồm: gạo tím than Lò Gạch Cũ, mắm ruốc Duy Trinh, bột ngũ cốc Duy Anh, trứng gà ác Hảo Nhân.
“Với những tiềm năng, thế mạnh vốn có, thời gian qua huyện Duy Xuyên tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia đăng ký ý tưởng, phát triển và hoàn thiện sản phẩm để nâng cao giá trị.
Đồng thời duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận, nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, hướng đến chất lượng cao và tiêu thụ ổn định, bền vững.
Thông qua thực hiện Chương trình OCOP, các chủ thể góp phần phát huy sức mạnh, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương” - ông Minh nói.
Với 3 sản phẩm tham gia chương trình OCOP là chổi đót Nhất Tuấn, bánh tráng Hải An và trứng gà ác Hảo Nhân, xã Duy Trinh là một trong số ít địa phương của huyện Duy Xuyên tạo dấu ấn lớn.
Bà Trương Thị Hạnh - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Trinh cho hay: “Chương trình này đã tạo bước chuyển biến trong bức tranh kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương vẫn còn sản xuất theo quy mô hộ gia đình, tiềm lực tài chính khiêm tốn.
Năng lực quản trị của các tổ chức kinh tế tham gia còn yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...”.
Nhìn tổng thể, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Duy Xuyên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu tính bền vững.
Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, OCOP là một chương trình mới nên các địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm, cán bộ chuyên trách chưa có, đa số là kiêm nhiệm. Vì vậy, trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều địa phương còn lúng túng, mô hình sản xuất chưa thật sự nổi trội để nhân rộng.
Để nâng tầm chất lượng sản phẩm OCOP, thời gian đến Duy Xuyên sẽ tăng cường nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; đề xuất cơ chế, chính sách với ngành cấp trên nhằm kịp thời hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể tham gia chương trình. Tập trung quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.