Nông nghiệp - Nông thôn

[eMagazine] - Tiềm năng dược liệu Tây Giang

PHAN VINH - HỒ QUÂN 25/05/2025 16:59

(QNO) – Vùng cao đang đứng trước vận hội mới cho mục tiêu phát triển tài nguyên bản địa sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia. Tây Giang được xem là một trong những “mỏ vàng” cây thuốc quý của tỉnh cần được bảo tồn, khai thác, sản xuất, chế biến sâu và tiếp cận được thị trường.

DUOC LIEU TAY GIANG

(QNO) – Vùng cao đang đứng trước vận hội mới cho mục tiêu phát triển tài nguyên bản địa sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia. Tây Giang được xem là một trong những “mỏ vàng” cây thuốc quý của tỉnh cần được bảo tồn, khai thác, sản xuất, chế biến sâu và tiếp cận được thị trường.

Hình thành vùng chuyên canh dược liệu

Từ vài năm nay, nhiều hộ dân vùng cao Tây Giang đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ trồng cây dược liệu. Trên những quả đồi trước kia chỉ thâm canh keo lá tràm thì nay trải rộng những vườn ba kích, đẳng sâm xanh tốt.

ANH SAO 1
Mô hình trồng ba kích tím của anh Nguyễn Văn Sao - ở thôn Agrồng, xã A Tiêng. Ảnh: HỒ QUÂN

Anh Nguyễn Văn Sao - ở thôn Agrồng, xã A Tiêng là một trong những người tiên phong chuyển đổi đất trồng keo sang trồng ba kích tím. Sau khi vay 150 triệu đồng vốn ngân hàng, anh Sao đầu tư trồng hơn 10.000 cây ba kích trên 1ha đất rừng.

"Ba kích tím dễ trồng, hợp khí hậu địa phương, trong khi thương lái đến tận vườn mua với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng/kg sau 5-6 năm trồng. So với cây keo thì trồng cây thuốc quý hiệu quả hơn nhiều, vì vậy tôi dự định mở rộng diện tích và trồng thêm râu hùm, sâm thất diệp nhất chi mai" - anh Sao nói.

[VIDEO] - Anh Nguyễn Văn Sao - ở thôn Agrồng, xã A Tiêng chia sẻ về hiệu quả mô hình trồng ba kích tím:

Các mô hình kinh tế dược liệu cũng khuyến khích lớp trẻ bản địa khởi nghiệp, làm giàu trên quê hương. Anh Cơlâu Thái Ngọc (SN 1992, thôn Pơ’ning, xã Lăng) là tấm gương tiêu biểu với mô hình trồng ba kích tím kết hợp chăn nuôi. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Ngọc quyết định về quê ươm trồng ba kích.

Khởi đầu với nhiều khó khăn khi đồng vốn ít ỏi, kinh nghiệm trồng dược liệu gần như bằng không khiến vườn ươm thất bại nhiều lần. Không nản chí, anh Ngọc đi học hỏi các hộ trồng ba kích hiệu quả trong vùng, nghiên cứu tài liệu khoa học để cải tiến kỹ thuật.

Sau 2 năm, việc ươm trồng của tôi mới bắt đầu hiệu quả. Năm 2018, tôi mở rộng vườn ba kích lên 3ha, mỗi năm xuất bán 150-200kg củ ba kích, thu về 75-100 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn đầu tư máy móc lập cơ sở nấu rượu ba kích mang thương hiệu Ánh Dương

Anh Cơlâu Thái Ngọc - thôn Pơ’ning, xã Lăng (Tây Giang)

[VIDEO] - Anh Cơlâu Thái Ngọc - thôn Pơ’ning, xã Lăng (Tây Giang) chia sẻ về mô hình khởi nghiệp với dược liệu của mình:

Theo Phòng Nông nghiệp - Môi trường huyện Tây Giang, các loại dược liệu như đẳng sâm, ba kích hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng và tập quán canh tác của đồng bào Cơ Tu. Sau hơn 5 năm kiên trì vận động, hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho nông dân, đến nay toàn huyện Tây Giang đã trồng được hơn 1.000ha cây dược liệu, chủ yếu là đẳng sâm và ba kích.

DUOC LIEU 1
Vườn trồng đảng sâm ở xã biên giới Axan. Ảnh: PHAN VINH

Đáng nói, Tây Giang đang chuyển dần từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang vùng nguyên liệu tập trung, quy mô diện tích lớn. Hiện huyện có khoảng 1.100ha đẳng sâm và ba kích cùng một số diện tích cây dược liệu khác. Nhiều sản phẩm địa phương đã được chế biến và gắn sao OCOP với 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-4 sao.

Toàn huyện có 10 hợp tác xã (HTX) và 50 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực dược liệu, liên kết với hơn 1.000 hộ dân, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Các HTX Nông dược Trường Sơn Xanh (xã Ga Ry), Lộc Trời (xã Tr’Hy)… đã giúp tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho hàng chục hộ dân, hình thành chuỗi liên kết ổn định.

Chính sách đi vào cuộc sống

Xác định phát triển dược liệu là trụ cột của kinh tế rừng, thời gian qua Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích trồng và chế biến cây dược liệu. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh về khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, huyện Tây Giang đã khẩn trương phổ biến cơ chế đến các xã, hướng dẫn người dân đăng ký tham gia.

Kết quả cho thấy, năm 2023, Tây Giang có 16 hộ thuộc 5 xã (Ga Ry, Axan, Tr’Hy, Lăng, A Tiêng) được hỗ trợ trồng mới 18ha dược liệu, trong đó chủ yếu là đẳng sâm, ba kích theo Nghị quyết 09. Đến năm 2024, nguồn kinh phí hỗ trợ theo cơ chế này tăng lên hơn 900 triệu đồng, huyện đã phê duyệt thêm 28 hộ tại 4 xã (A Tiêng, Tr’Hy, Ga Ry, Ch’Ơm) đủ điều kiện trồng mới khoảng 20ha dược liệu. Con số hộ dân và diện tích tham gia chương trình hỗ trợ đã tăng nhanh gấp nhiều lần chỉ sau một năm.

duoc lieu tg 2
Đồng bào Cơ Tu trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Cơlâu Rinh - Chủ tịch UBND xã Tr’Hy cho biết, nếu như năm 2023, xã chỉ có 2 hộ đăng ký trồng dược liệu dưới tán rừng với 2,5ha, thì năm 2024 đã có 10 hộ tham gia, trồng được 10ha ba kích dưới tán rừng.

"Ngoài khí hậu, đất đai thuận lợi thì người dân với khát vọng thoát nghèo là yếu tố quan trọng để phát triển hiệu quả các mô hình trồng dược liệu. Hiện, đã có thêm 10 hộ đăng ký trồng dược liệu trong năm 2025 và chính quyền đang tích cực tập huấn kỹ thuật để bà con nâng cao tay nghề chăm sóc cây dược liệu" - ông Rinh nói.

QUE TAY GIANG
Cây quế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Tây Giang. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tây Giang cho biết, bên cạnh nguồn lực từ Nghị quyết 09 của tỉnh, Tây Giang còn chủ động ban hành chính sách riêng. Năm 2021, HĐND huyện Tây Giang ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Huyện xác định 2 cây dược liệu chủ lực là ba kích và đẳng sâm, đồng thời ưu tiên phát triển một số cây khác như sâm thất diệp nhất chi hoa, quế Trà My, sả hương, sa nhân tím…

Tây Giang cũng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số… để huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ người dân trồng dược liệu theo chuỗi giá trị.

Tây Giang đã xây dựng được 4 vườn dược liệu mẫu, mỗi vườn quy mô rộng 5ha, tại 4 xã Lăng, Tr’Hy, Ga Ry, Ch’Ơm trong giai đoạn 2022 - 2023, với kinh phí hỗ trợ hơn 400 triệu đồng từ ngân sách huyện và gần 500 triệu đồng vốn đối ứng người dân.

Cùng với đó, huyện đầu tư 2 vườn ươm giống dược liệu quy mô lớn tại xã A Tiêng và Axan, đã bắt đầu gieo ươm cây giống ba kích, đẳng sâm bản địa để cung cấp cho người dân trong huyện cũng như các địa phương khác

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tây Giang

[VIDEO] - Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tây Giang chia sẻ về việc quy hoạch, phát triển dược liệu của Tây Giang trong thời gian qua:

Nhận diện rào cản

Việc phát triển dược liệu ở Tây Giang thực tế gặp không ít thách thức. Trước hết là liên kết thị trường tiêu thụ. Hiện phần lớn các hộ trồng dược liệu mới dừng ở cung cấp sản phẩm thô (củ ba kích, rễ đẳng sâm…) cho doanh nghiệp hoặc thương lái, giá trị kinh tế chưa cao và dễ bị ép giá.

DUOC LIEU 3
Tình trạng thương lái ép giá dược liệu của người dân vẫn còn diễn ra. Ảnh: PHAN VINH

Chị Bh’ling Thị Đôi (thôn Cha Lăng, xã Ch’Ơm) - một hộ trồng 3ha đẳng sâm xen gừng dưới tán rừng cho biết, nếu bán cho HTX trong huyện thì được thu mua tận nơi với giá ổn định. Nhưng khi bán cho thương lái từ nơi khác đến thì thường xuyên bị ép giá.

"Họ viện cớ chi phí vận chuyển cao, tiền chở mấy tấn gừng từ núi xuống đồng bằng tốn vài triệu đồng, rồi trừ vào tiền hàng thì cuối cùng tôi không lời được bao nhiêu. Công trồng, chăm sóc, đi hái từ núi về nhà tập kết cộng lại không bằng tiền xe" - chị Đôi phân trần.

Việc thiếu liên kết giữa vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến và thị trường ở Tây Giang còn khiến đầu ra chưa thật sự ổn định. Nhiều nơi trồng dược liệu một cách tự phát, manh mún, chưa gắn với quy hoạch vùng và chưa có hợp đồng bao tiêu dài hạn. Điều này tiềm ẩn rủi ro "được mùa mất giá" và nguy cơ đổ vỡ nếu doanh nghiệp ngừng thu mua.

anh-12-2.jpg
Dược liệu ở Tây Giang vẫn còn manh mún, trồng tự phát tiềm ẩn nguy cơ "được mùa mất giá". Ảnh: PHAN VINH

Cạnh đó, bài toán chế biến sâu tại chỗ cũng là một điểm nghẽn, bởi Tây Giang chưa có nhà máy chế biến dược liệu quy mô, các HTX dù đã có một số máy sấy, máy nghiền nhưng năng lực còn hạn chế. Một số cơ sở khởi nghiệp đã mạnh dạn đầu tư máy móc để nâng cao giá trị nông sản miền núi, nhưng lại gặp trở ngại về hạ tầng điện.

Điện lưới hiện tại ở vùng biên giới chỉ có 1 pha, trong khi các loại máy móc tôi sử dụng cần nguồn điện 3 pha, nên tôi phải thuê xưởng sản xuất ở nơi khác rất xa vùng trồng. Có những khu vực điện chưa tới, chúng tôi còn phải dùng máy nổ để phát điện. Chi phí sản xuất vì vậy đội lên rất nhiều. Sản phẩm khi đưa ra thị trường rất khó cạnh tranh

Bà Koor Thị Nghệ - Giám đốc HTX Sinh thái Rừng Xanh (xã Ga Ry)

Một rào cản nữa là đường giao thông cách trở cũng làm tăng chi phí vận chuyển, cản trở hoạt động kinh doanh dược liệu. Ông Ríah Cường - Giám đốc sản xuất HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh (xã A Tiêng) cho biết, khó khăn vẫn là nguồn nhân lực và vốn đầu tư. Hầu hết hộ trồng dược liệu ở Tây Giang là đồng bào dân tộc thiểu số, quy mô nhỏ lẻ, năng lực tài chính hạn chế. Nông dân dè dặt vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất vì sợ rủi ro. Một số hộ khởi nghiệp có khát khao vươn xa hơn cũng vướng bài toán nhân lực chất lượng cao.

Nếu muốn xây dựng nhà máy chế biến hay trung tâm nghiên cứu dược liệu tại địa phương, việc thu hút nhân tài về vùng cao chắc chắn sẽ là một thách thức

Ông Ríah Cường - Giám đốc sản xuất HTX Nông - dược Trường Sơn Xanh

“Mắt xích” của trung tâm dược liệu quốc gia

Quảng Nam được xác định là trung tâm phát triển dược liệu khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng mô hình chuỗi giá trị khép kín từ trồng - bảo tồn - chế biến - thương mại hóa các sản phẩm dược liệu.

z6635523107691_81951192acb4dcec50536868c62016f5.jpg
Tây Giang có nhiều tiềm năng phát triển dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Theo Đề án xây dựng Quảng Nam trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia vừa được Thủ tướng phê duyệt, thì đề xuất hình thành các trung tâm nghiên cứu, ươm tạo, chế biến dược liệu quốc gia tại Quảng Nam, gắn với những vùng trồng trọng điểm như Tây Giang, Nam Trà My, Đông Giang. Điều này đồng nghĩa Tây Giang sẽ là một trong những “mắt xích” quan trọng của trung tâm dược liệu quốc gia trong tương lai.

Cụ thể địa phương sẽ được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn đầu tư lớn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, từ các chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số, cũng như từ nguồn ODA, NGO cho lĩnh vực bảo tồn và y học cổ truyền. Đây là cơ hội để Tây Giang thu hút nguồn lực, hiện thực hóa các dự án chế biến, hạ tầng và nhân lực phục vụ ngành dược liệu.

[VIDEO] - Tiềm năng dược liệu Tây Giang:

Ông Trần Văn Ta cho biết, để "đón đầu" đề án này, Tây Giang đã ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển vùng dược liệu theo hướng tập trung, chuyên canh tại các khu vực giãn dân biên giới. Song song với đó là tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn doanh nghiệp... để mở rộng sản xuất theo chuỗi giá trị, từ cung cấp cây giống, kỹ thuật đến chế biến, bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp và HTX đẩy mạnh các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được mời gọi đầu tư vào miền núi, xây dựng nhà máy chế biến dược liệu hiện đại gắn với vùng nguyên liệu Tây Giang.

Khi các trung tâm chế biến dược liệu quốc gia được hình thành ở Quảng Nam, Tây Giang cần chuẩn bị đầy đủ cả về vùng nguyên liệu lẫn nhân lực, cơ sở hạ tầng để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị lớn. Phát triển dược liệu của địa phương là con đường "giữ rừng để sinh kế, sinh kế để giữ rừng" đầy nhân văn và hứa hẹn trong kỷ nguyên kinh tế xanh hiện nay.

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Tiềm năng dược liệu Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO