Kết hợp từ nguồn lực các chính sách của nhà nước và xã hội hóa cùng nhiều mô hình tình nguyện, công tác xóa nhà tạm ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã được triển khai khá hiệu quả, nhiều cách vận động hợp tình hợp lý và sự tình nguyện của nhiều tổ chức và cá nhân để cả cộng đồng cùng chung tay “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
(QNO) - Kết hợp từ nguồn lực các chính sách của nhà nước và xã hội hóa cùng nhiều mô hình tình nguyện, công tác xóa nhà tạm ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã được triển khai khá hiệu quả, nhiều cách vận động hợp tình hợp lý và sự tình nguyện của nhiều tổ chức và cá nhân để cả cộng đồng cùng chung tay “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
(QNO) - Kết hợp từ nguồn lực các chính sách của nhà nước và xã hội hóa cùng nhiều mô hình tình nguyện, công tác xóa nhà tạm ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã được triển khai khá hiệu quả, nhiều cách vận động hợp tình hợp lý và sự tình nguyện của nhiều tổ chức và cá nhân để cả cộng đồng cùng chung tay “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm 2019, chàng thanh niên Hiên Cuôn (thôn 49A, xã Đắc Pring, Nam Giang) cùng một số anh em trong thôn lập đội thợ xây dựng nhà cửa. Từ những gì học được trường nghề, Cuôn tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề xây dựng cho anh em đoàn viên trong thôn. Chỉ sau một thời gian ngắn, 30 bạn trẻ đã thạo việc và lập ra nhiều tổ xây dựng để nhận các công trình lớn, nhỏ trên địa bàn vùng biên giới.
Từ đó, đội thợ xây của Hiên Cuôn đã đi khắp nơi ở xã biên giới, sẵn sàng giúp các gia đình nghèo, hộ chính sách để họ hiện thực ước mơ được an cư trong những căn nhà xây kiên cố.
Căn nhà thuộc chương trình “Mái ấm biên cương” ở cụm dân cư Pêtapót (xã Đắc Pring) là một kỳ tích mang đậm dấu ấn của đội thợ xây Hiên Cuôn. Ít ai tin rằng chỉ bằng sức người, đội thợ xây của Hiên Cuôn và các thanh niên tình nguyện đã cõng vác gần 7.000 viên gạch, 2 tấn xi măng, 40 tấn tôn, 1 tấn thép vào Pêtapót khi khoảng cách từ điểm tập kết vật liệu đến nơi xây nhà cách nhau hơn 16km đường rừng núi.
“Ròng rã hơn 2 tháng, anh em đội thợ và các bạn thanh niên miệt mài vừa vận chuyển vừa xây dựng. Khi căn nhà “mái ấm biên cương” hoàn thành thì chúng tôi gần như đuối sức song thấy mọi người vỗ tay reo mừng thì bao mệt mỏi tan biến hết. Đó là động lực để chúng tôi xây nhà miễn phí cho nhân dân vùng biên, góp họ an cư lạc nghiệp. Thời gian đến để hỗ trợ tốt hơn cho người dân thì tôi sẽ tìm cách giảm giá thành vật liệu xây dựng để ai cũng có nhà kiên cố” - Hiên Cuôn nói.
Là Bí thư chi đoàn thôn, Hiên Cuôn còn lập trang mạng xã hội Chi đoàn thôn 49A, đội thợ xây để truyền tải những thông điệp lan tỏa năng lượng tích cực thông qua những bài viết, mô hình, cách làm hay đến các đoàn viên. Đồng thời, những buổi sinh hoạt Đoàn, Hiên Cuôn đưa những câu chuyện làm ăn, chăm chỉ lao động thành công trên những trang báo để tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên hăng say lao động.
Với những thành tích cống hiến cho cộng đồng, Hiên Cuôn đã trở thành một trong 20 gương điển hình nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam ở hạng mục tình nguyện vì cộng đồng.
Giai đoạn 2023-2025, xã Trà Cang (Nam Trà My) đặt mục tiêu xóa nhà tạm cho hơn 280 hộ từ Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Con số này là áp lực của chính quyền địa phương trong công tác điều hành, giải ngân, giám sát chất lượng. May mắn, người dân luôn chủ động, cán bộ, đảng viên tích cực tham gia trong quá trình triển khai xóa nhà tạm.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, địa phương thành lập nhiều tổ giám sát thuộc Ban công tác xóa nhà tạm, với lực lượng nòng cốt là cán bộ xã, thôn và đảng viên. Điều này phát huy vai trò cán bộ, đảng viên nơi cư trú trong việc điều hành, giám sát công tác xoá nhà tạm.
Đối với hộ chính sách, neo đơn, cán bộ, đảng viên phụ trách việc huy động mặt trận, đoàn thể, bà con lối xóm đóng góp ngày công. Nhờ đó, thông tin liên quan đến công tác xoá nhà tạm như tiến độ triển khai, chất lượng công trình… ở các thôn được cập nhật liên tục mỗi ngày. Đồng thời giúp chính quyền các địa phương kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc các hộ dân gặp phải, đơn vị thi công cũng luôn ý thức nghiêm túc trong quá trình thi công.
[VIDEO] - Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang chia sẻ về nỗ lực xóa nhà tạm:
Đáng chú ý, Trà Cang khuyến khích đảng viên các thôn có năng lực về xây dựng đảm nhận thi công nhà cho người dân. Điều này vừa phát huy tinh thần trách nhiệm, vừa tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đến nay, toàn xã đã có hơn 10 đội thợ tham gia xóa nhà tạm.
Đội thợ thôn 2 (xã Trà Cang) gồm 6 thành viên, nòng cốt là thanh niên địa phương. Từ đầu năm đến nay, đội thợ này đã làm 6 nhà cho bà con trong thôn. Thi công vất vả do thời tiết miền núi mưa nắng thất thường nên lợi nhuận không nhiều, chủ yếu hỗ trợ bà con dựng được căn nhà kiên cố khang trang hơn. Anh Hồ Văn Lực - thành viên đội thợ thôn 2 cho biết, mới đây, khi hoàn thành một căn nhà ở thôn 5, người dân thấy đội thi công chắc chắn, đảm bảo tiến độ nên đã tin tưởng thuê để xây thêm 3 căn nhà nữa. Dù trời mưa lạnh, song đội vẫn đang nỗ lực thi công để người dân kịp có nhà trước tết nguyên đán.
Năm 2024, tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV, ban tổ chức đã đưa ra đấu giá sâm để ủng hộ quỹ xóa nhà tạm. Ngay khi phát động, 11 cá nhân, đơn vị tặng củ sâm từ 5 - 15 tuổi để đấu giá gây quỹ. Trước đó, những củ sâm này đã thắng giải tại hội thi sâm, được đánh giá cao về thẩm mỹ lẫn dược chất, do đó giá trị được đẩy lên khá cao. Kết thúc buổi đấu giá, ban tổ chức đã thu về hơn 361 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển về Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nam Trà My để đóng góp cho công tác xóa nhà tạm.
[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Huỳnh tích cực tham gia đóng góp xoá nhà tạm:
Bà Nguyễn Thị Huỳnh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm là một trong những cá nhân tích cực quyên góp. Chị đóng góp 1 củ sâm và tham gia đấu giá 1 củ sâm để ủng hộ số tiền chênh lệch thu được sau đấu giá. Mới đây, bà tiếp tục hỗ trợ 120 triệu đồng để xoá nhà tạm cho hộ bà Lê Thị Nga (thôn 1, xã Trà Mai).
“Hoạt động trên địa bàn Nam Trà My, tôi đồng cảm trước khó khăn của người dân địa phương, nhất là thiệt hại do thiên tai hằng năm. Chung tay xoá nhà tạm là việc làm thiết thực, doanh nghiệp phải tiên phong để tạo sự lan toả trong cộng đồng. Đồng thời có thể giúp bà con vùng cao có nhà cửa kiên cố, an tâm sinh sống, vươn lên thoát nghèo” - bà Huỳnh chia sẻ.
Mới đây, trong một phiên đấu giá sâm Ngọc Linh tại Hà Nội, Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam đã thu về 30 triệu đồng để đóng góp vào quỹ xóa nhà tạm của huyện Nam Trà My. Qua đó, nâng tổng số tiền vận động quyên góp ủng hộ công tác xoá nhà tạm trên địa bàn huyện lên 667 triệu đồng.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh uỷ, các cá nhân, tổ chức, đơn vị trên địa bàn đã tích cực tham gia. Trong đó, các doanh nghiệp trồng sâm đã chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, buôn bán, đấu giá để ủng hộ quỹ xoá nhà tạm. Ngân sách nhà nước cùng với nguồn lực xã hội hoá đã giúp Nam Trà My xoá 652 nhà tạm trong năm 2024.
[VIDEO] - Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ về công tác xoá nhà tạm trên địa bàn huyện:
Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 6.187/10.945 căn nhà, trong đó, xây mới 4.055 nhà và sửa chữa 2.132 nhà với tổng kinh phí gần 113,5 tỷ đồng. Năm 2025, Quảng Nam còn khoảng 4.758 căn nhà cần phải hoàn thiện, kinh phí dự kiến hơn 128,7 tỷ đồng…
Đến cuối năm 2024, Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát cấp tỉnh và cấp huyện thu về gần 62 tỷ đồng, trong đó có 272 cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ hơn 49 tỷ đồng vào tài khoản Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam.