Dưới cánh rừng Trường Sơn Đông, phía sau màu xanh bạt ngàn ấy, có những đóng góp thầm lặng của các thành viên Mặt trận cơ sở.
Ý thức từ cộng đồng
Sau thời gian miệt mài vận động, tuyên truyền, hiên nay nhận thức trong nhiệm vụ giữ rừng của cộng đồng Cơ Tu ở Tây Giang ngày càng rõ nét. Điều đó giúp những người làm công tác mặt trận cơ sở giảm dần áp lực, từng bước xây dựng kế hoạch phát triển sinh kế dưới tán rừng.
Ông Alăng Reo - Trưởng ban công tác mặt trận thông Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) cho biết, với đặc thù được giao quản lý hơn 2.000ha rừng tự nhiên, vài năm trở lại đây, công tác phối hợp giữa các ban ngành của thôn luôn được triển khai chặt chẽ.
Bên cạnh phát huy vai trò gắn kết trong nhiệm vụ bảo vệ rừng đầu nguồn, mỗi cán bộ thôn đều gắn trách nhiệm của bản thân với tinh thần nêu gương trong cộng đồng, nhất là việc tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng theo kế hoạch hằng tháng, hằng quý.
“Chúng tôi xác định nhiệm vụ bảo vệ rừng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Vì thế, tại các buổi họp thôn, chúng tôi đều lồng ghép công tác tuyên truyền, đặc biệt là thời điểm nắng nóng, mùa phát rẫy, trồng keo mới… nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tình trạng cháy rừng...
Sau nhiều năm tuyên truyền, điều đáng mừng là nhận thức của người dân đã có nhiều chuyển biến, giúp công tác giữ rừng được nâng cao” - ông Reo chia sẻ.
Ông Bhling Phát - Trưởng thôn Pơr’ning cho hay, thời gian qua, công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát rừng giữa chính quyền, các ban ngành của thôn với lực lượng kiểm lâm và tổ bảo vệ rừng cộng đồng được triển khai nhịp nhàng, đồng bộ.
Rất nhiều chủ trương được lồng ghép, tạo điều kiện giúp người dân vừa giữ rừng hiệu quả, vừa có thêm sinh kế mới ngay dưới cánh rừng mà họ nhận quản lý, bảo vệ.
“Khi nhận thức của người dân được nâng lên, những tác động đến rừng giảm dần. Ngoài nỗ lực của cộng đồng, có thêm vai trò của cán bộ mặt trận cơ sở luôn được phát huy tối đa, kịp thời” - ông Phát nói.
Giữ màu xanh núi rừng
Ông A Vô Quốc Tổng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho biết, công tác quản lý và bảo vệ rừng được triển khai thời gian qua, luôn có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của cán bộ cơ sở và các cấp mặt trận tại địa phương.
Sự chủ động ấy đến từ vai trò gắn kết giữa Mặt trận với các tổ chức thành viên, nhất là tạo sự đồng thuận, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng.
Nhờ vậy, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tại Tây Giang, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện không có tình trạng lấn chiếm rừng già, rừng đầu nguồn, xâm hại, khai thác rừng trái phép.
“Chúng tôi phát huy vai trò xung kích, khuyến khích cán bộ mặt trận tham gia thành viên các tổ tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng của thôn và ban quản lý rừng của huyện.
Bằng việc làm cụ thể, nhiều cán bộ mặt trận cơ sở thường xuyên tuần tra, hướng dẫn người dân phát, đốt rừng làm rẫy theo đúng quy định, làm đường băng phòng cháy lan; báo cáo chính quyền thôn, xã biết trước khi đốt rẫy để kịp thời hỗ trợ nếu cháy lan vào rừng” - ông Tổng cho biết.
Ngoài ra, với trách nhiệm chung của ngành, Mặt trận các cấp của huyện Tây Giang luôn chủ trì, lồng ghép các cuộc họp bàn để tuyên truyền nhân dân không đặt bẫy, đặt chông săn bắt động vật hoang dã, động vật quý hiếm, kịp thời tháo gỡ bẫy khi tuần tra phát hiện.
Nhiều trường hợp người vi phạm bị kiểm điểm trước tập thể dân làng. Tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, nội dung “không săn bắt thú rừng”, “không đốt rẫy gây cháy rừng” được Mặt trận các khu dân cư đưa vào cam kết theo từng hộ dân, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong cộng đồng.