Chính quyền - đoàn thể

Hiện thực hóa khát vọng đổi thay

THÀNH CÔNG 22/08/2024 07:30

Có những đổi thay âm thầm, nhưng sức lan tỏa và sự bền bỉ đã khẳng định cho nỗ lực của đội ngũ cán bộ cơ sở và lòng nhiệt thành hưởng ứng, chung tay từ cộng đồng. Nghĩ khác, làm khác, quê hương xứ Quảng ngày càng đổi thay tích cực...

Các địa phương đã rất nỗ lực trong sắp xếp dân cư, đa dạng sinh kế ở vùng miền núi. Ảnh: T.C
Tây Giang là địa phương thực hiện tốt công tác tái định cư, ổn định nhà ở cho nhân dân. Ảnh: T.C

Vùng biên vượt khó

Những mái nhà bám lấy sườn dốc, rải rác, tạm bợ, thiếu nhiều điều kiện cơ bản về hạ tầng. Thấp thỏm nỗi lo sạt lở, khó có thể tự làm lấy một mảnh vườn hoặc chăn nuôi cải thiện đời sống, nhiều hộ dân thôn Zrượt (xã A Tiêng, Tây Giang) đã sống một đoạn dài chưa an trú, kể từ năm 2015 trở về trước.

Những bất cập được nhìn thấy ngay, nhưng câu chuyện di dân về mặt bằng mới ở Zrượt lại vấp phải nhiều rào cản. Nhiều người bày tỏ lo ngại về việc dỡ nhà cửa để về nơi mới. Một số khác luyến tiếc mảnh vườn, chưa đồng thuận để Nhà nước san ủi mặt bằng. Những lời “bàn ra” khiến chủ trương lớn bị giậm chân...

Đó là thực tế đã trải ra trước mắt Alăng Thị Alớp - Trưởng ban công tác mặt trận (CTMT) thôn Zrượt. Nhưng cô gái trẻ đã nghĩ khác. Nhìn sang những làng bên cạnh, đi đến các thôn đã tái định cư thành công để nghe, để hỏi và biết, Alớp dùng chính thực tế ở quê hương Tây Giang mình đang sống kể lại cho từng hộ, từng nhà.

Cô phân tích cặn kẽ cái được, cái tốt của chủ trương tái định cư, chỉ ra những lợi ích cho tương lai của cả cộng đồng, để họ hiểu và tiên phong ủng hộ việc di dời nhà cửa để san ủi mặt bằng.

441a9425.jpg
Alăng Thị Alớp, nữ Trưởng ban công tác mặt trận thôn Zrượt, xã A Tiêng, Tây Giang. Ảnh: T.C

Ban đầu mươi hộ, sau đó “thấm” sang những hộ khác, cả làng Zrượt với 59 hộ, hơn 200 nhân khẩu lần lượt dời đi về nơi ở mới từ năm 2020. Chỉ vài tháng sau đó, cũng nhờ cuộc di dân “lịch sử” ấy, dân làng thoát khỏi cơn lũ quét kinh hoàng đổ qua sau cơn bão số 9. Người dân tin Alăng Thị Alớp từ đó.

Sau này, mọi chủ trương đưa xuống được cô chuyển đến người dân dễ dàng và luôn đạt được sự đồng thuận cao. Họ tin và làm theo, từ chuyện cải tạo vườn nhà, cảnh quan trong làng, góp công, góp sức để làm gươl chung, giúp nhau khôi phục các ruộng lúa đã bị bồi lấp do lũ. Ấm no dần đến...

Khó khăn chưa dứt ở xã Ch’Ơm của Tây Giang, nhưng ở tận cùng biên ải, sự chung tay của các hội, đoàn thể, chính quyền và lực lượng biên phòng đã từng bước giúp vùng cao đổi khác. Ông Bhling Đắt - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ch’Ơm nói, là một trong 8 xã trọng điểm về quốc phòng, Ch’Ơm có tổng số hơn 480 hộ, hơn 64% trong số đó là hộ nghèo.

Miền núi vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Ảnh: T.C
Các cấp, ngành và lực lượng vũ trang giúp dân di dời nhà cửa phòng tránh sạt lở. Ảnh minh họa.

“Chúng tôi chú trọng nhất là việc vận động xây dựng nhà ở kiên cố, gắn với động viên người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Thiên tai, hỏa hoạn khiến nhiều gia đình lâm vào khó khăn.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã kịp thời phối hợp với HĐND, UBND các ngành và nhân dân trong xã giúp sức, huy động mọi lực lượng, phương tiện, nguồn lực, kịp thời giúp đỡ.

Từ các nguồn hỗ trợ và công sức của cả cộng đồng, 73 ngôi nhà đã được xây dựng kiên cố, an toàn trước thiên tai, 11 ngôi nhà đại đoàn kết được dựng.

Ngoài ra, 4 gia đình bị hỏa hoạn cũng đã được hỗ trợ số tiền 160 triệu đồng để cùng với các đoàn thể, nhà hảo tâm xây dựng lại nhà mới. An cư, bà con bắt đầu tính chuyện phát triển kinh tế, từng bước tìm cách thoát khỏi cái nghèo” - ông Đắt chia sẻ.

Xây dựng đời sống mới

Trên đà phát triển chung, việc xây dựng đời sống mới không chỉ dừng lại ở nâng cao đời sống vật chất mà còn chú trọng phát triển văn hóa, tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân.

Bà Trần Thị Minh Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên chia sẻ, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” được Hội LHPN huyện phát động là hoạt động thiết thực để hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Gia đình không đói nghèo”, “Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”... Các tiêu chí đều nhằm tạo sự chuyển biến, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

z5748062194258_6c891504cc2f2513d14109bb142a5baf.jpg
Hội Phụ nữ Duy Xuyên ra mắt mô hình "Đường tàu - Đường hoa". Ảnh: P.T

“Các cấp hội từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền chuyển đổi nhận thức, tư duy mới cho phụ nữ về 8 tiêu chí của cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới bằng việc đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền.

Để tập trung vận động nguồn lực giúp đỡ những hộ chưa đạt 8 tiêu chí, mỗi cơ sở hội sẽ lựa chọn tiêu chí phù hợp để hỗ trợ giúp đỡ. Mỗi hộ được giúp theo từng cách riêng gắn với tiêu chí còn thiếu và chưa đạt, căn cứ vào nguyện vọng và nhu cầu thực tế của hộ gia đình.

Trong đó, nổi bật là giúp đỡ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều thông qua hỗ trợ phương tiện sinh kế, hỗ trợ vay vốn và tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh...” - bà Yến thông tin.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nói, đã có rất nhiều nỗ lực trong công cuộc xây dựng đời sống mới, nổi bật là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tuy nhiên, đặc thù của mỗi vùng, mỗi địa phương rất khác biệt, các tiêu chí ngày càng được nâng cao, hướng tới thực chất, đòi hỏi mỗi vùng, mỗi địa phương phải nỗ lực hơn nữa, hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho từng cộng đồng làng, từng thôn xóm.

z5748062214993_bfcaa670cdf0dde3e6dfca25fff0404f(1).jpg
Những cuộc vận động từ các cấp hội, đoàn thể giúp lan tỏa các mô hình hay, lối sống văn minh ở từng thôn, xóm... Ảnh: P.T

“Xây dựng đời sống mới, quan trọng phải hiện thực hóa ở từng thôn, từng xóm, từng tổ đoàn kết vì gắn trực tiếp với không gian sống, sinh hoạt và làm việc của người dân.

MTTQ Việt Nam các cấp sẽ nỗ lực hơn nữa để gắn kết, huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và cộng đồng, nhất là ở khu vực phía tây của tỉnh, nơi còn nhiều khó khăn để đời sống vật chất, tinh thần của người dân thực sự đổi mới, thực sự ấm no, văn minh, hạnh phúc” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ.

Gắn biển công trình “Vườn xanh - nhà đẹp - ngõ đẹp” tại thôn Linh Cang

Công trình “Vườn xanh - nhà đẹp - ngõ đẹp” tại thôn Linh Cang (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình) vừa được gắn biển là công trình thi đua chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) vào ngày 19/8 vừa qua.

Mô hình “Vườn xanh - nhà đẹp - ngõ đẹp” được triển khai tại thôn Linh Cang từ tháng 11/2023, nhằm góp phần thực hiện khu dân cư kiểu mẫu nổi trội về tiêu chí cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thông qua công trình này, Ủy ban MTTQ các cấp và người dân đã thực hiện nhiều phần việc nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường, cảnh quan nông thôn...

Đặc biệt, các hộ gia đình đã thực hiện việc chỉnh trang, cải tạo vườn gắn với nhà ở hợp lý; không gian sống phù hợp với truyền thống văn hóa địa phương, sản phẩm từ vườn đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay, 100% hộ dân ở thôn Linh Cang có nhà ở đảm bảo kiên cố theo bộ tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Đoàn đại biểu cũng đã đến thăm, viếng hương địa điểm căn cứ Huyện ủy Thăng Bình - di tích lịch sử cấp tỉnh; thăm một số hộ gia đình và gắn biển công trình “Vườn xanh - nhà đẹp - ngõ đẹp”. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cũng đã tặng biểu trưng hỗ trợ 2 giếng khoan và 55 cây bằng lăng cho nhân dân thôn Linh Cang.(P.Giang)

Xây dựng và nhân rộng hơn 1.600 mô hình nông thôn mới, đô thị văn minh

Trong 5 năm (2019 - 2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì, hiệp thương, thống nhất với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua đó, toàn tỉnh đã xây dựng, nhân rộng 1.691 mô hình mới, cách làm phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Trong nhiệm kỳ, MTTQ Việt Nam các cấp tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể, huy động nội lực đóng góp hơn 121 tỷ đồng, hiến tặng hơn 1,6 triệu mét vuông đất và tham gia hơn 220 nghìn ngày công để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, tích cực hưởng ứng và tự nguyện tham gia các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự ở cơ sở; xây dựng gia đình văn hóa, tộc văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực...(T.CÔNG)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiện thực hóa khát vọng đổi thay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO