(QNO) - Hỏi: Tôi là giáo viên mầm non, công tác và bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ ngày 1/7/2018. Ngày 1/9/2019, tôi trúng tuyển vào trường mầm non công lập. Trong thời gian công tác, tôi nghỉ chế độ thai sản 2 lần (lần 1 từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022, lần 2 từ ngày 1/12/2023 đến 31/5/2024). Tôi muốn hỏi thời gian nghỉ thai sản theo quy định có được tính vào thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo không? Trường hợp của tôi thì thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo từ thời gian nào?
Trả lời:
Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2020/NĐ-CP ngày 1/8/2020 của Chính phủ. Theo đó, đối tượng áp dụng là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập. Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này quy định thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo bao gồm thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.
Bà trúng tuyển viên chức vào trường mầm non công lập từ ngày 1/9/2019 nhưng tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc từ ngày 1/7/2018; do đó, tính từ ngày tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc đến khi đủ 5 năm (60 tháng), không bao gồm thời gian tập sự, bà thuộc đối tượng tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Hỏi: Tôi có thời gian đóng BHXH chưa được hưởng chế độ BHXH một lần là 12 năm, tuy nhiên thời gian đóng BHXH tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí tuyển dụng và có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí tuyển dụng chỉ có 6 năm. Vậy thì theo Thông tư số 05/2024/TT-BNV, thời gian căn cứ xếp lương đối với tôi là tính tổng thời gian đóng BHXH hay phải căn cứ vào thời gian đóng BHXH có vị trí việc làm và trình độ chuyên môn tương ứng?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ, trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP) mà trước đó đã có thời gian công tác theo đúng quy định của pháp luật, có đóng BHXH bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) thì thời gian đó được tính làm căn cứ để xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
Do đó, trường hợp thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc trước đó của bà đáp ứng các điều kiện nêu trên thì thời gian được tính làm căn cứ xếp lương khi được tuyển dụng, tiếp nhận. Việc xếp lương thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 05/2024/TT-BNV.