Tòa soạn & bạn đọc

Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)

D.L 03/07/2024 17:00

(QNO) - Tôi là giáo viên, dự kiến sinh con ngày 12/8/2024, nhưng xin nghỉ từ ngày 18/4/2024. Xin hỏi, tôi nghỉ trước thời điểm sinh con thì có được hưởng chế độ thai sản không, có cần giấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện không?

Trả lời: Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Tại Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định: Người lao động đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Tại Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH năm 2014 quy định: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Về hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật BHXH năm 2014, như sau:

- Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con;

- Bản sao Giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao Giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;

- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;

- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc Giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp Giấy chứng sinh;

- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai đối với trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai.

Do bà cung cấp chưa đầy đủ thông tin về thời gian đã tham gia BHXH và chưa xác định được đến khi bà nghỉ việc trước thời điểm sinh con thì bà đã có thời gian đóng BHXH là bao nhiêu tháng nên BHXH Việt Nam chưa có căn cứ để trả lời cụ thể.

BHXH Việt Nam cung cấp thông tin quy định của pháp luật về chế độ thai sản nêu trên để bà tham khảo và đối chiếu với trường hợp của bản thân. Trong trường hợp cần hướng dẫn chi tiết, đề nghị bà cung cấp hồ sơ và liên hệ với cơ quan BHXH nơi đơn vị bà đang tham gia BHXH để được tư vấn chính xác về quyền lợi hưởng chế độ BHXH của bà.

ANH KCB
Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Ảnh: D.L

Hỏi: Tôi đã hết thời gian hưởng chế độ thai sản nhưng sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ được nghỉ 5 ngày dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, vậy 5 ngày nghỉ này được nghỉ liên tục hay ngắt quãng?

Trả lời: Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, Khoản 1 hoặc Khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH năm 2014, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hàng tuần. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật BHXH năm 2014 do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.

Theo quy định trên, trường hợp của bà nghỉ chế độ dưỡng sức sau thai sản 5 ngày, bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, bà có thể nghỉ liên tục hoặc ngắt quãng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi - đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO