Y tế

Kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo

LÊ QUÂN 16/08/2024 14:49

(QNO) - Từ ngày 1/1/2024, chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo của Quảng Nam không còn. Người nghèo gặp ốm đau, hay người mắc bệnh hiểm nghèo gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả khám chữa bệnh (KCB).

khám chữa bệnh
Khám chữa bệnh cho người nghèo. Ảnh: L.T

Cử tri Quảng Nam tiếp tục có ý kiến về việc dừng chính sách hỗ trợ chi phí KCB cho bệnh nhân nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn, bệnh nhân nặng theo Quyết định số 2151/QĐ-UBND ngày 09/7/2014 của UBND tỉnh. Theo đó, việc dừng hỗ trợ khiến các đối tượng này gặp khó khăn do thu nhập thấp, viện phí và thuốc chữa bệnh ngày càng cao.

Dừng theo quy định

Cụ thể, chính sách hỗ trợ KCB người nghèo tại tỉnh Quảng Nam được triển khai từ ngày 09/7/2021 đến ngày 31/12/2023 theo Quyết định số 2151/QĐ-UBND ngày 9/7/2014 của UBND tỉnh. Chính sách này được thực hiện theo Quy định chế độ hỗ trợ chi phí KCB người nghèo ở Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ tại Quảng Nam.

Một chính sách khá nhân văn khi mục đích nhằm hỗ trợ KCB cho người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn và các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành; người mắc bệnh hiểm nghèo (bệnh ung thư, chạy thận, mổ tim) khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế nhà nước từ tuyến huyện trở lên.

Đại diện Sở Y tế nhận định, chính sách này đã giải quyết một phần khó khăn cho người nghèo bị ốm đau, bệnh tật, người dân mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Quảng Nam.

kcb.jpg
Người khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo gặp nhiều khó khăn khi chi phí KCB bắt đầu tăng. Ảnh: X.H

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015; Điều 111 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, thì từ ngày 1/1/2017 ngân sách Nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Do vậy, Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo là loại hình Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện, được thực hiện theo quy định của pháp luật về Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện.

Và để chấp hành đúng các quy định của pháp luật, Thường trực Tỉnh ủy có Công văn số 2210 ngày 14/12/2023; Ban cán sự đảng UBND tỉnh có Công văn số 812 ngày 15/12/2023 và UBND tỉnh có Công văn số 8785 ngày 15/12/2023 chỉ đạo dừng hoạt động Quỹ KCB người nghèo tỉnh Quảng Nam.

Xem xét ban hành chính sách mới

Từ ngày 1/1/2024, chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh chính thức không còn. Trước đó, cũng đã có nhiều tỉnh thành dừng chi hỗ trợ từ Quỹ KCB cho người nghèo từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 60/2021 ngày 21/6/2021 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cũng như Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

hinh-4.jpg
Cần tạo điều kiện để người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo được chăm sóc y tế tốt hơn. Ảnh: B.H

Không còn hỗ trợ, nhiều gia đình khó khăn hơn khi có người thân mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình bà Nguyễn Thị B. (xã Bình An, Thăng Bình) cho biết, bà phát hiện mắc ung thư vào cuối năm 2022. Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà được nhận hỗ trợ một phần chi phí điều trị từ chính sách hỗ trợ của tỉnh. Tuy nhiên, từ đầu năm này, gia đình rất khó khăn để xoay xở chi phí điều trị, trong khi hiện nay, giá thanh toán KCB đã bắt đầu tăng.

Không chỉ người dân gặp khó, các cơ sở y tế cũng bị hụt thu khi số lượng người dân đến KCB giảm hẳn vì họ không còn được hỗ trợ như trước, đặc biệt tại các địa phương miền núi.

Do vậy, cử tri đề nghị UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách mới thay thế chính sách trên để đảm bảo hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khó khăn.

Tại buổi làm việc cùng Sở Y tế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu đơn vị này theo dõi hướng dẫn của Bộ Y tế, thu thập thông tin để tham mưu xây dựng đề án chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiến nghị xây dựng chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO