Hồ sơ - Tư liệu

Ký ức chiến trường của một cựu binh

LÊ VĂN VINH 18/12/2024 09:04

Trở về từ cuộc chiến chống Mỹ cứu nước với 3 lần bị thương tại chiến trường, cựu chiến binh Đỗ Xuân Hòa không quên những năm tháng hào hùng về một thời hoa lửa, trong đó có chiến dịch Ba Gia lịch sử.

z6138546001803_73f294f3c63499a93fbeb27a8eb894cc.jpg
Ông Đỗ Xuân Hòa vẫn đang tích cực với các hoạt động ở địa phương. Ảnh: V.VINH

Ký ức hào hùng

Sinh ra tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, ông Đỗ Xuân Hòa (73 tuổi), thoát ly gia đình năm 1964 vào lúc 16 tuổi. Ông gia nhập quân đội và về đầu quân tại Trung đoàn 1 - Đoàn Ba Gia, Sư đoàn 2. Với vóc dáng nhỏ nhắn, rắn chắc, linh hoạt cùng với lòng gan dạ, chàng thanh niên Đỗ Xuân Hòa sớm được chỉ huy chọn vào hàng ngũ lính đặc công trinh sát.

Lần nào cũng vậy, khi nhắc đến Trung đoàn 1, ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào bởi ông và đồng đội đã từng khoác lên mình màu áo lính Ba Gia anh hùng - Trung đoàn 3 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, chiến dịch Ba Gia đã làm nên tên tuổi của đơn vị, diễn ra từ ngày 29 đến 31/5/1965 tại địa bàn Tây Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1965, chiến trường miền Nam nói chung và chiến trường Khu 5 nói riêng rất khốc liệt. Do vị trí chiến lược quan trọng, vùng đồng bằng ven biển Quân khu 5 trở thành địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch, nơi luôn diễn ra cuộc đấu tranh dai dẳng, ác liệt giữa “bình định” và chống “bình định”.

Ông Hòa cùng đồng đội đã trải qua nhiều lần chiến đấu trực diện với quân thù, riêng ông đã 3 lần bị thương. Ông nhiều lần lăn dưới làn đạn để mở đường cho đồng đội hoàn thành trận chiến. Cuộc đời trong quân ngũ xông pha trận mạc, ông Đỗ Xuân Hòa đã có nhiều trận đối đầu với kẻ địch.

Từ trận diệt đồn Chóp Chài xã Tam Thái đến đồn Cao Lao rồi vươn đến Định Cương, huyện Nghĩa Hành cho đến Chóp Chài, Bình Sơn Quảng Ngãi. Trong các trận chiến ấy, ông và đồng đội của mình đã mưu trí, vào sinh ra tử dũng cảm dò đường trinh sát cả hàng tháng trời, sẵn sàng mở đường cho đồng đội chiến đấu lập công.

Trong một lần hành quân tại Nghĩa Hành, tổ của ông bị địch phát hiện, mai phục, nã pháo liên hồi, ông và đồng đội gan dạ cầm cự từ sáng đến chiều tối mới phá vòng vây trở về căn cứ. Trong trận chiến này ông đã mất đi một phần bàn tay phải vì trúng đạn.

Cũng vào năm đó ông vinh dự được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc này ông vừa tròn tuổi 18. Năm 1970, trong một lần đi cõng hàng về cho đơn vị, ông bị địch bắt tại xã Kỳ Long (nay thuộc xã Tam Dân, Phú Ninh) và bị đày ra nhà lao Côn đảo. Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, ông được trao trả tại Lộc Ninh.

Đến đây ông được tổ chức cho ra Bắc an dưỡng. Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ít ngày sau đó ông được điều về quản lý tù binh tại Tổng trại tù binh 2 Quân khu 5 đóng tại Tam Lãnh (Phú Ninh).

Hạnh phúc bên người vợ thương binh

Bà Nguyễn Thị Dần (72 tuổi, vợ ông Hòa) cũng là người lính, biên chế tại Huyện đội Tam Kỳ, là thương binh 3/4. Bà bén duyên cùng ông tại cuộc trao trả tù binh ở Lộc Ninh vào năm 1973 và trở thành vợ chồng vào năm 1976.

Bà Dần là một trong những tù binh có tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất với kẻ thù trong nhà lao Phú Tài - Bình Định. Với tinh thần cách mạng kiên trung, Tập thể nữ tù binh trại giam Phú Tài được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay, ông Đỗ Xuân Hòa là Chủ tịch Hội Tù yêu nước xã Tam Nghĩa. Dù làm bất cứ việc gì, người lính ấy vẫn phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, trong sáng vô tư, hòa đồng, gần gũi với nhân dân, cần mẫn trong công việc.

Ông vinh dự được trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng và nhiều giấy khen, bằng khen khác. Đã bước qua tuổi xưa nay hiếm nhưng mỗi khi nhắc lại một thời cầm súng, người lính từng vào Nam ra Bắc ấy như sống lại tuổi 20. “Chiến tranh đã lùi xa tự bao giờ nhưng trong tôi mỗi khi nằm xuống, tiếng súng, mùi khói của lửa đạn trên chiến trường xưa cứ ùa về” - ông chia sẻ.

Khi được hỏi về ước mơ, ông liếc nhìn bàn tay cong vẹo, không còn nguyên vẹn rồi chậm rãi nói: “Là người lính trực tiếp cầm súng may mắn trở về từ cuộc chiến, tôi vô cùng hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, chỉ mơ ước quê hương, làng xóm ngày càng giàu đẹp để tiếp tục sống những ngày còn lại thật yên bình trên quê nhà”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức chiến trường của một cựu binh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO