Nhiều làng nghề truyền thống ở TP.Hội An đang tiếp cận tự động hóa, số hóa vào sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông anh Lê Văn Nhật (chủ cơ sở sản xuất gốm truyền thống ở khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà) cho hay, khi chưa ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, ông phải canh thời tiết để phơi các sản phẩm sau khi tạo hình và đem nung bằng than củi. Công đoạn làm ra sản phẩm mất khá nhiều thời gian, sản phẩm dễ bị hư vỡ.
Khoảng 5 năm trở lại đây, ông Nhật đã mạnh dạn ứng dụng tự động hóa vào sản xuất như dùng lò nung, lò sấy, máy hút bằng điện với chi phí khoảng 300 triệu đồng. Từ khi ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, ông đã cho ra nhiều sản phẩm ưng ý. Cạnh đó, khi nung bằng điện, hạn chế được ô nhiễm môi trường từ khói than củi.
Ông Nhật cho biết thêm, song song với ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, ông còn tiếp cận số hóa để kinh doanh và đưa sản phẩm ra thị trường. Ông đã lập website, mạng xã hội như Zalo, Facebook để chào bán sản phẩm.
Cũng nhờ ứng dụng số hóa, sản phẩm của ông làm ra được khách hàng biết đến nhiều hơn và doanh thu cũng tăng lên đáng kể. Ông Nhật nhẩm tính, trước đây làm thủ công thu nhập từ bán sản phẩm khoảng 7 triệu đồng, hiện nay thu nhập đã tăng lên 15 triệu đồng/tháng.
“Khi được các ngành chức năng của thành phố định hướng và đưa sản phẩm vào OCOP, tôi được các cơ quan hỗ trợ rất nhiều từ hồ sơ pháp lý, hỗ trợ vốn, cách tiếp cận công nghệ số, mã vạch, tem để truy nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Tương lai, tôi sẽ đưa nhiều sản phẩm lên thị trường điện tử vì qua đây sản phẩm được quảng bá một cách trực quan và nhận được nhiều tương tác từ khách hàng” - ông Nhật chia sẻ.
Ông Võ Đức Thi – chủ cơ sở mộc truyền thống ở Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) cho hay, cơ sở của ông sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ các loại như dó bầu, mít, sến để tạo ra các sản phẩm như tượng, tranh, bài vị để bán cho khách du lịch.
Những sản phẩm làm từ thủ công có giá thành cao hơn vì tỉ mỉ trong từng công đoạn. Mỗi tháng cơ sở của ông làm được khoảng 10 sản phẩm, tùy vào kích thước của từng loại sản phẩm khác nhau.
Những năm gần đây, ông ứng dụng tự động hóa bằng máy CNC vào sản xuất, cho ra những sản phẩm không chỉ đẹp về mẫu mã mà đạt chất lượng. Thời gian làm ra sản phẩm nhanh hơn thủ công, giá cả bán ra thị trường cũng giảm đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Xuân Vui – Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An thông tin, đơn vị thường xuyên tư vấn, hướng dẫn các cơ sở ngành nghề nông thôn nói chung và các cơ sở nghề, làng nghề truyền thống nói riêng trong việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm (bao bì mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu, tiêu chuẩn cơ sở…).
Năm 2024, có 2 cơ sở sản xuất gốm truyền thống Thanh Hà và 1 cơ sở nghề chiếu cói Kim Bồng tham gia và được chứng nhận OCOP 3 sao từ chương trình OCOP. “Từ chương trình khuyến công, hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và marketing điện tử trong quảng bá tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.