Tại xã Phước Lộc (Phước Sơn), người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận với mô hình liên kết trồng đẳng sâm, một hướng đi mới thay đổi tư duy của hộ nghèo trong sản xuất.
Thay đổi nếp nghĩ của hộ nghèo
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Chỉ thị số 27 ngày 9/2/2023 của Huyện ủy Phước Sơn, xã Phước Lộc đã mạnh dạn thực hiện mô hình liên kết nhóm hộ nghèo trong việc trồng cây đẳng sâm.
Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, xã Phước Lộc có tiềm năng phát triển các loại dược liệu quý như sa nhân, ba kích và đặc biệt là đảng sâm, một loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Mô hình này với sự tham gia của 20 hộ dân, trong đó đến 19 hộ nghèo. Ban đầu, các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đảng sâm; tham quan các mô hình trồng cây tương tự tại huyện Nam Trà My; ngoài ra còn có sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện.
Tham gia mô hình, ông Hồ Văn Đoàn đã trồng hơn 5.000 cây đẳng sâm trên đất rẫy. Ông Đoàn chia sẻ, ban đầu tiếp cận ông cũng lo, sợ khó làm, khó bán. Sau khi đi học hỏi tại Nam Trà My, thấy người dân ở đây phát triển mô hình hiệu quả nên mạnh dạn trồng.
“Thời gian đầu, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ địa phương cũng như ngành liên quan. Lo nhất là mùa khô thiếu nước ảnh hưởng đến sự phát triển của đảng sâm; vì vậy chúng tôi rất mong được hỗ trợ máy bơm nước, làm nước tưới tiết kiệm” - ông Đoàn nói.
Còn bà Hồ Thị Hiền cho hay, được tuyên truyền, vận động, gia đình bà cũng ý thức cần phải làm ăn để thoát nghèo bền vững, chính sách Nhà nước không “nuôi” hộ nghèo mãi được.
Nhưng muốn thoát nghèo, người nghèo ở vùng khó khăn như bà cần sự hỗ trợ nhiều mặt. Bà cũng tham gia mô hình liên kết trồng đẳng sâm, với hy vọng có sinh kế ổn định, thoát nghèo, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.
Tạo sinh kế cho người dân
Theo UBND xã Phước Lộc, qua hơn một năm triển khai, diện tích trồng đảng sâm tại địa phương đạt gần 9ha, tương đương 99.000 gốc, cây sinh trưởng tốt và dự kiến thu hoạch trong cuối năm 2025.
Theo tính toán, sau 2 năm trồng, các hộ dân có thể thu về khoảng 10.000kg đẳng sâm tươi. Với giá bán hiện tại 80-150 nghìn đồng/kg, cây đảng sâm hứa hẹn trở thành nguồn thu chính giúp người dân thoát nghèo bền vững, có sinh kế ổn định. Định hướng đến năm 2030, xã Phước Lộc sẽ phát triển thành vùng dược liệu trọng điểm của huyện Phước Sơn, trong đó cây đẳng sâm là sản phẩm chủ lực.
Ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, thời gian qua, xã Phước Lộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển và sử dụng dược liệu gắn với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số của xã vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sự hưởng ứng tích cực của người dân được xem là thành công ban đầu của mô hình.
“Trong quá trình triển khai thực tế, mô hình nêu trên gặp nhiều khó khăn như đất khô cằn, thiếu nước tưới, thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Xã đã kết hợp tuyên truyền người dân giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, xây dựng bể chứa nước tại các vị trí phù hợp và hỗ trợ các hộ dân áp dụng kỹ thuật tiết kiệm nước.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn người dân trồng thêm cây sắn, bắp để tạo bóng mát cho cây đảng sâm phát triển, nhất là trong mùa nắng nóng. Cây sắn, bắp khi thu hoạch cũng cho nguồn thu nhập trước mắt trong thời gian chờ đẳng sâm đến kỳ thu hoạch. UBND xã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, tích cực huy động các nguồn hỗ trợ để mở rộng và duy trì mô hình” - ông Thoại nói.