Góc suy ngẫm

Lời của di sản

NGUYỄN ĐIỆN NAM 08/12/2024 08:15

Lời vọng của tiền nhân, lời của bao bước chân tìm về di sản, để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và sáng tạo trên nền đô thị cổ Hội An cùng đền tháp Mỹ Sơn, là hơn cả lời thời gian trôi qua quãng đường 25 năm…

Nhớ dịp 4/12/1999, một tổ phóng viên được Ban Biên tập Báo Quảng Nam cử đi tuyên truyền sự kiện vinh danh Hội An và Mỹ Sơn là Di sản văn hóa nhân loại.

Năm đó mưa dầm dề, mà phải chạy đi chạy về hai nơi tổ chức lễ, lại chưa quen phản ánh một sự kiện quốc tế nên ai cũng âu lo. Nhiều cái lo. Đi bằng Honda cà tàng sợ trục trặc đứng đàng không kịp đến dự.

Chạy nối Hội An và Mỹ Sơn là cả cung đường mưa mù mịt, nhiều ổ gà, lên tới ngã ba Duy Phú (Duy Xuyên) sân tổ chức lễ vừa ủi đất ra còn nhão nhoẹt. Lại lo máy ảnh cơ chụp nhưng không xem được ảnh, phải đợi khi về tiệm sang ảnh mới biết được như ý hay không.

Diễn văn, thông tin báo chí thì chẳng như bây giờ có sẵn văn bản chỉ nhấp chuột chuyển qua là xong mà phải trực bên hông ông ban tổ chức xin chép lại hoặc photo. Bài phát biểu của đại diện UNESCO thì phải canh xin người phiên dịch, hoặc tốc ký khi nghe. Nhưng rồi “vượt qua nỗi sợ hãi”, chuyến đó báo Quảng Nam lên bài kịp với những cảm xúc mênh mang vẻ đẹp miền di sản.

Sau này dần dà thu thập bóc tách thêm nhiều tư liệu và qua các đợt lễ hội “Hành trình di sản”, thông tin về Mỹ Sơn và Hội An đã đầy lên trên thư viện báo chí. Những gì cho một tình yêu di sản theo thời gian mà đắp bồi thêm.

Sẽ lại bồi hồi nhớ kiến trúc sư Kazik, người có công đầu trong phát hiện, bảo tồn hai di sản này theo chương trình hợp tác với Ba Lan.
Sẽ nhớ chú Nguyễn Đình An, người khởi sự cho nhiều hội thảo về bảo tồn Hội An và Mỹ Sơn, làm việc với nhiều KTS như Kazik, Hoàng Đạo Kính, cùng các văn nhân, nghệ sĩ để góp phần đưa di sản cất lời, lên tiếng từ trong nước ra quốc tế.

Sẽ nhớ thế hệ lãnh đạo những ngày đầu tái lập tỉnh Quảng Nam, là các chị Hồ Thị Thanh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; anh Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, đã tận tâm tận lực hoàn thiện hồ sơ đệ trình để vinh danh Hội An, Mỹ Sơn.

Và bao nhiêu người nữa đã góp sức đặt nền móng cho việc bảo tồn di sản, như ở Mỹ Sơn gắn bó từ ngày đầu là anh Nguyễn Công Hường; họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ ăn dầm nằm dề cả Hội An, Mỹ Sơn để đo vẽ di tích; nhà thơ Phùng Tấn Đông góp công cho nhiều kịch bản làm sống dậy hồn di sản qua những làn điệu dân ca.

Rồi những năm gần đây thêm nhiều chuyên gia Ý, Nhật, Ấn Độ… giúp việc bảo tồn. Tất cả họ không kể lời nào về công lao nhưng đâu thể nào không ghi lại, nhắc lại. Để thấy rằng lời của trái tim nhiều khi lặng lẽ, không lời trong dòng đời trôi qua một phần tư thế kỷ.

Rất mừng là sau 25 năm, từ hoang tàn đổ nát, cả Hội An và Mỹ Sơn đã “hồi sinh”, tình trạng khẩn cấp của công trình cổ đã được khắc chế để trụ lại với thời gian mưa nắng. Hai di sản cũng được nhiều tổ chức quốc tế lo lắng quan tâm hỗ trợ tu bổ.

Chính quyền sở tại và cơ quan chức năng cũng đã đầu tư nhiều vào việc phát huy giá trị di sản trong dòng sống đương đại, ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc trùng tu, quản lý, đồng thời đưa du lịch vào khám phá, quảng bá di sản ngày càng lan tỏa ra toàn cầu. Và nhờ vậy UNESCO đánh giá Hội An và Mỹ Sơn là hình mẫu tiêu biểu trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Một phần tư thế kỷ so với hàng mấy trăm năm của Hội An và mười thế kỷ của Mỹ Sơn, chỉ là cái chớp mắt.

Thời gian vẫn trôi đi.

Nhưng những gì còn lại cho mai sau, là di sản không chỉ được tôn vinh bằng lời nói suông mà sẽ luôn cần có hành động thường xuyên bảo tồn, phát huy giá trị. Sáng tạo điều gì để giữ gìn di sản vẹn toàn và di sản sống cùng con người là câu chuyện trao truyền sứ mệnh qua nhiều đời, mãi mãi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lời của di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO