"Miền đất hứa" cho khảo cổ học dưới nước
Tàu đắm vừa phát lộ bên bờ biển Cẩm An, cùng giả thiết có thêm xác tàu khác còn nằm dưới đáy biển gần bờ biển Hội An, là minh chứng sống động cho một vùng biển giàu trầm tích quá khứ - một “miền đất hứa” cho khảo cổ học dưới nước.

Phảng phất ký ức vàng son
Đã qua một năm rưỡi từ lúc con tàu đắm phát lộ bên bờ biển Cẩm An (phường Cẩm An, TP.Hội An) nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa thể tiến hành khai quật.
Những nghiên cứu điền dã bước đầu từ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho thấy, do xâm thực và biến đổi của thời gian, vị trí trước kia (khoảng trước năm 1905) của con tàu đắm có thể cách mép nước khoảng 700 - 800m.
Đồng thời kết quả phân tích bào tử phấn hoa bước đầu cho thấy thời điểm tàu bị đắm hay bỏ hoang ở Cẩm An khi ấy là nằm trong khu vực biển, không phải sông ngòi.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, những điều này không chỉ xác nhận tính chất cổ xưa của tàu đắm trên bãi biển Cẩm An mà có thể ước đoán niên đại tàu này nhiều khả năng sớm hơn năm 1905 chí ít cũng vài thế kỷ.
Cạnh đó, tàu có kích thước lớn, cấu trúc mạnh mẽ, kết hợp giữa truyền thống đóng tàu Đông Nam Á và Trung Quốc, được đóng từ loại gỗ có độ bền cao và khả năng chịu lực tốt là gỗ bằng lăng (săng lẻ), kiền kiền nguồn gốc bản địa Đông Nam Á và gỗ thông nhập khẩu từ Trung Quốc, dùng chất xảm trét ngăn chặn sự xâm nhập của nước vào tàu. Đây là những đặc điểm quan trọng cho phép tàu Cẩm An có thể thực hiện những chuyến hải trình dài ngày như hoạt động thương mại trên biển hoặc thậm chí hải chiến.

Trầm tích quá khứ đậm đặc ở vùng biển này càng khiến giả thiết nhiều khả năng cách mép nước khoảng 1km ở khu vực ven biển từ Tân Thành tới Cửa Đại còn tồn tại một tàu đắm khác được cơ quan chuyên môn tin là có cơ sở.
Theo ngư dân địa phương, tại vị trí này xuôi về phía Cửa Đại, vào khoảng năm 2017 - 2018 họ đã phát hiện một con tàu với nhiều cột bị cháy, 1 hộc chén sứ và rất nhiều chén bát sứ, nhiều chảo gang kích thước rất lớn xếp chồng lên nhau...
Tại đây, họ cũng đã trục vớt nhiều chén đĩa sứ. Nhận định sơ bộ cho thấy, di vật trong tàu đắm có thể chủ yếu là gốm sứ Chương Châu và một ít từ Đức Hóa, chảo gang có khung niên đại tập trung vào khoảng 1560 đến những năm 1630 vào cuối thời nhà Minh.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, con tàu đắm bên bờ biển Cẩm An là bằng chứng vật chất vô cùng độc đáo, sống động minh chứng cho một thời kỳ thương mại nhộn nhịp ở Biển Đông, trong đó, vùng biển Hội An nhiều thế kỷ giữ vị trí chiến lược trên tuyến đường hàng hải quốc tế kết nối Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Nam Á và phương Tây...
“Miền đất hứa” cho khảo cổ học dưới nước
Theo nhận định chung của giới chuyên môn, Cù Lao Chàm - Hội An là vùng biển lý tưởng cho các hoạt động khảo cổ học dưới nước. Đây cũng là khu vực có tiềm năng to lớn cho việc xây dựng và phát triển một bảo tàng hàng hải và một trung tâm nghiên cứu, đào tạo khảo cổ học dưới nước có tầm quốc tế.

Thực tế giai đoạn 2013 - 2018 đã ghi nhận sự nhộn nhịp của hoạt động khảo cổ học dưới nước tại vùng biển này. Có thể kể đến khóa tập huấn lặn SCUBA cơ bản cho cán bộ Viện Khảo cổ học Việt Nam với sự hướng dẫn từ chuyên gia Úc và Nhật (năm 2014); tập huấn quốc tế Vietnam Undewater Archaeological Training với sự tham gia huấn luyện của 12 chuyên gia, huấn luyện viên của Hội đồng Di sản văn hóa dưới nước quốc tế thuộc ICOMOS UNESCO (năm 2015), thử nghiệm khảo sát bằng máy tự hành dưới nước (ROV) ở khu vực Hòn Mồ - Cù Lao Chàm (năm 2016)… Các hoạt động này đã góp phần phát hiện thêm nhiều di tích và tiềm năng to lớn của các kho tàng di sản văn hóa trong lòng biển Hội An.
Tại một hội thảo liên quan đến Cù Lao Chàm, PGS-TS. Lê Thị Liên - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học nhận định, hiện không có nhiều quốc gia và cơ quan có đủ khả năng độc lập thực hiện các dự án nghiên cứu dưới nước quy mô.
Do đó, Hội An hội tụ đủ các yếu tố về điều kiện thời tiết, môi trường biển và mức độ phong phú của các di tích cần nghiên cứu để trở thành điểm đến của các hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Việc con tàu đắm phát lộ ngay bên bờ biển Cẩm An cộng thêm nhiều di vật khác liên quan đến văn hóa hàng hải thường xuyên được phát hiện ở vùng biển cận bờ một lần nữa khơi gợi nhiều bí ẩn vẫn còn ẩn chứa trong lòng biển Hội An.
Khả năng nghiên cứu mối liên hệ giữa các di chỉ và di vật khảo cổ học phát hiện trên đảo Cù Lao Chàm, trên đất liền Hội An với các di vật, di tích tàu đắm ở vùng biển Hội An cũng như lân cận sẽ đưa đến những kiến giải quan trọng về lịch sử giao thương đường biển và các mối quan hệ khác qua các thời kỳ khác nhau.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cần tiếp tục nghiên cứu, khai quật, bảo tồn con tàu đắm bên bờ biển Cẩm An từ đó làm cơ sở cho việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch ở Hội An. Đồng thời cần có kế hoạch khảo sát vùng biển Tân Thành - Cửa Đại để tìm kiếm thêm những tàu đắm trên vùng này.