Một đời vì nghĩa lớn

PHÙNG TẤN ĐÔNG 08/10/2023 08:45

Vào năm 1863, tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, Thăng Bình), Tiểu La Nguyễn Thành chào đời.

Chân dung Tiểu La Nguyễn Thành. Ảnh: T.L
Chân dung Tiểu La Nguyễn Thành. Ảnh: T.L

Tiểu La Nguyễn Thành, tên gọi khác là Nguyễn Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Nam Thịnh, sau đổi thành Tiểu La xuất thân trong một gia đình Nho học. Cha ông là ông Nguyễn Trường (trước có tên là Nguyễn Thiện Chánh) đỗ cử nhân khoa Mậu Ngọ năm Tự Đức thứ 11 (1858) tại trường thi Hương Thừa Thiên.

Sau khi đỗ đạt, cụ Nguyễn Trường ra làm quan, giữ chức Bố chánh tỉnh Bình Định, sau sung chức Kinh lược sứ An Khê, hàm Tham tri. Nguyễn Thành là con thứ (con bà thứ thất) nhưng lại là trưởng nam và cũng là con trai duy nhất của cụ Nguyễn Trường vì anh của Nguyễn Thành là Viên Triêm (con bà chánh thất) đã mất lúc còn nhỏ.

Một thiếu niên tư chất khác người

Thuở nhỏ, Nguyễn Thành tư chất thông minh, phong thái đĩnh ngộ. Năm lên 8 tuổi mất mẹ ruột, Nguyễn Thành được bà mẹ cả hết lòng yêu thương chăm sóc. Năm 15 tuổi ông theo cha và bà mẹ cả vào Bình Định - nơi cha ông giữ chức Bố chánh.

Năm sau cha ông mất vì bệnh, trong khi mẹ cả có việc phải về quê trước đó. Tiểu La mới 16 tuổi, tự mình lo thu xếp mọi việc, đưa quan tài cha về làng Thạnh Mỹ để an táng - trong mắt dân làng quả là một sự lạ lùng.

Năm Hàm Nghi nguyên niên (1885) trong khi ra Huế chờ thi Hương, ông chứng kiến cuộc khởi nghĩa của vua Hàm Nghi do Tôn Thất Thuyết chủ xướng dẫn đến cuộc đàn áp “Kinh đô thất thủ”. Nhà vua được hộ giá ra Tân Sở ban dụ Cần Vương.

Tiểu La năm đó 22 tuổi. Hưởng ứng Dụ Cần Vương, ông trở về quê tập hợp trai làng lập Hội dân binh, chia thành cơ đội và được cử làm Hội chủ. Ông được Trần Văn Dư - thủ lĩnh Nghĩa hội Quảng Nam lúc đó mời cùng phối hợp đánh chiếm thành tỉnh Quảng Nam. Nghĩa hội đã có trận đầu chiến thắng.

Sách “Truyện cụ Tiểu La” do Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán, cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch ra Quốc ngữ có nói về phẩm chất đạo đức Tiểu La: “Khi lần đầu nghĩa quân lấy thành tỉnh Quảng Nam, các tướng sĩ đua nhau vào thành khuân tiền bạc, của cải.

Riêng Tiểu La Nguyễn Thành vào kho thuốc đạn, thâu thập các đồ binh khí đem về, nhân thế khi nghĩa quân bị thua liên tục mà ông vẫn giữ được đồn mình, có quân chống lại quân Pháp đến suốt mấy tháng trời”. Lúc ấy ông đề xuất  Nghĩa hội lui về vùng núi lập căn cứ nhưng bất thành, ông cho quân về Ô Gia thuộc Đại Lộc lập căn cứ.

Tiểu La thể hiện tính chất của một kẻ sĩ yêu nước, thương dân với tài năng trác tuyệt. 

Tài dụng binh trong Nghĩa Hội Quảng Nam

Sau khi Trần Văn Dư bị bắt và bị sát hại tháng 12/1885, Tiểu La nhận lời mời của Hội chủ Nguyễn Duy Hiệu tham gia Nghĩa hội Nam - Ngãi - Bình (Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định), giữ chức Tán tương Quân vụ kiêm Tham biện Tỉnh vụ. Nhân dân gọi ông là Tán Hàm. Để có tiền chi cho việc quân lương của Nghĩa hội, theo người thân, ông đã xin phép mẹ cả bán gần 30 mẫu ruộng của gia đình. 

Tên tuổi Tiểu La và Nghĩa hội Quảng Nam gắn với các trận đánh thắng quân Pháp và Nam Triều như trận Ái Nghĩa, Thu Bồn (1886). Đặc biệt Tiểu La được cử đem quân vào Quảng Ngãi rồi sau đó vào Bình Định tiếp cứu, đánh cho quân địch tổn thất nặng nề.

Dù là địch thủ nhưng Nguyễn Thân rất nể tài quân sự Tiểu La, nên đã từng lệnh cho binh sĩ chỉ được bắt sống Tiểu La chứ không giết và tuyên bố “Nam Ngãi dụng binh duy Hàm nhất nhơn” (Nam - Ngãi dùng binh chỉ duy nhất Tán Hàm tức Tiểu La).

Nghĩa hội tan rã ông về quê lập Nam Thịnh sơn trang mượn việc nông tang để nuôi chí cứu nước lâu dài. Ông kết bạn với bộ ba Duy tân Quảng Nam: Phan Châu Trinh - Trần Quý Cáp - Huỳnh Thúc Kháng…

Ông tiếp tục sự nghiệp Cần Vương với việc cùng Phan Bội Châu, Cường Để thành lập Duy Tân hội trong năm 1903. Nhà ông cũng là nơi diễn ra cuộc họp thành lập hội. Tiểu La cũng là một trong những lãnh tụ của phong trào Đông du - đưa du học sinh sang Nhật trong những năm 1904 - 1908.

Chết để mà sống mãi…

Năm 1908, phong trào cự sưu - kháng thuế của nhân dân Quảng Nam nổ ra và sau đó lan ra khắp Trung Kỳ. Thực dân Pháp đàn áp dã man. Người Pháp tìm thấy một lá thư trong đó có hai chữ Tiểu La nên cho rằng ông nằm trong danh sách những người tổ chức việc cự sưu.

Ngày 16/2 năm Mậu Thân (tức 16/3/1908) ông bị lính Pháp bắt tại nhà, bị giam ở nhà lao Hội An cùng với Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển, Lê Bá Trinh và sau mấy ngày có Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Phan Thúc Duyện. Tại  tòa, ông và các bạn đều bị xử “100 trượng, đày ba ngàn dặm, phát giao biệt xứ phối dịch”.

Cuối tháng 5 năm Mậu Thân (6/1908) ông bị chuyển tới nhà lao Thanh Chiêm. Ngày 10/9/1908 ông và 8 đồng chí bị đưa lên xe lửa chở ra Đà Nẵng để xuống tàu đi đày Côn Đảo. Tiểu La và các bạn tù đã trải qua bao nhiêu khổ cực đắng cay, ăn uống kham khổ, lao dịch nặng nề… nên nhiều người lâm trọng bệnh và bỏ mình nơi lao lý.

Tiểu La thuộc tạng người ốm yếu nên sức khỏe ngày càng suy kiệt. Cụ Huỳnh Thúc Kháng kể lại: “Tiểu La tiên sinh sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu thường ốm đau luôn. Nhưng tâm não lúc nào cũng suy tính việc nước, không nghe tiên sinh thở ra lời nói gì về lo nghĩ gia đình vợ con mà chỉ toàn phán đoán thời cuộc xa gần, dự nghĩ về tình thế, vận trù, sắp đặt kinh dinh cuộc cứu nước khi ra tù…”.

Trước lúc lâm trọng bệnh, ông đã sáng tác bài thơ gửi lại đồng chí, đồng bào, sau này cụ Huỳnh Thúc Kháng ghi chép trong tác phẩm “Thi tù tùng thoại”:

Nhứt sự vô thành mính dĩ ban
Thử sanh hà diện kiến giang san
Bổ thiên vô lực đàm thiên dị
Tế thế phi tài, tỵ thế nan
Thế cuộc bất kinh vân biến ảo
Nhân tình chỉ khủng thủy ba lan
Vô cùng thiên địa khai song nhãn
Tái thập niên lai thị nhất quan

Bồ Nam dịch thơ:

Một việc chưa xong tóc bạc rồi
Mắt nào nhìn thấy núi sông ôi
Vá trời kém sức bàn nghe dễ
Cứu nước không tài tránh khó nơi
Cuộc thế ngại gì mây biến chuyển
Tình đời e nỗi sóng đầy vơi
Mở toang hai mắt xem trời đất
Chậm lắm mười năm phải đổi đời

Tháng 6/1911 Tiểu La nhận được tin người vợ hiền ở quê nhà mất vào ngày mùng 4 Tết Tân Hợi 1911, rồi lại nhận tiếp tin người con gái đầu lòng ra đi sau một con bạo bệnh vào tháng 4 năm Tân Hợi (1911). Kế đó một tin buồn nữa là chính phủ Nhật bắt tay với thực dân Pháp trục xuất du học sinh ra khỏi nước. Duy Tân hội có nguy cơ tan rã, phong trào Đông du chấm dứt. Như vậy kế hoạch mà ông sắp đặt hơn 10 năm qua đổ vỡ. Do quá phẫn uất, sức khỏe ông cạn dần, sốt và thổ huyết liên tục, đến tháng 10 bệnh nặng thêm. Tiểu La nhắm mắt qua đời lúc 12h ngày 11/11/1911 lúc mới 48 tuổi.

Một đời ông tận hiến cho non sông đất nước Việt Nam được tự do, độc lập, đồng bào thoát khỏi phận đời nô lệ lầm than…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một đời vì nghĩa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO