Giảm nghèo - An sinh

Ngành bảo hiểm xã hội Quảng Nam nỗ lực về đích

DIỄM LỆ 31/10/2024 08:00

Trong 3 tháng cuối năm 2024, ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh đặt quyết tâm cao thực hiện đạt các chỉ tiêu được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ an sinh xã hội.

as.jpg
Ngành BHXH ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong giao dịch. Ảnh: D.L

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Với ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), cải cách hành chính và chuyển đổi số góp phần quan trọng trong thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong giao dịch. BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ nhằm đơn giản hóa tối đa về thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến.

Theo đó, các DVC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam đều đủ điều kiện cung cấp ở mức độ DVC trực tuyến toàn trình. Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa.

Các thủ tục hành chính đều được cung cấp trên Cổng DVC của ngành và trên Cổng DVC quốc gia theo hình thức trực tuyến. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã ban hành Danh mục DVC trực tuyến toàn trình với 70 DVC. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến của BHXH Việt Nam đạt hơn 80% trong tổng số hồ sơ giao dịch (mỗi năm có hơn 80 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến trong tổng số khoảng 100 triệu hồ sơ).

Ngành BHXH đã triển khai 2 nhóm DVC liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi trên Cổng DVC quốc gia”; “Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên Cổng DVC quốc gia” trên cơ sở phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu chứng sinh, báo tử điện tử giữa cơ sở khám chữa bệnh với Phần mềm DVC liên thông trong thời gian Bộ Y tế chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành y tế.

Đến hết ngày 30/9, toàn tỉnh có 220.042 người tham gia BHXH (đạt 88,86% so với kế hoạch được giao), trong đó BHXH bắt buộc là 199.792 người (đạt tỷ lệ 92,68%), BHXH tự nguyện 20.250 người (đạt tỷ lệ 63,15%); bảo hiểm thất nghiệp 186.314 người (đạt 92,58%), BHYT 1.476.319 người (đạt tỷ lệ 99,11%).

BHXH tỉnh Quảng Nam đã giải quyết 947 trường hợp hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; 15.327 người hưởng chế độ một lần; 122.938 người hưởng chế độ ốm đau; 18.195 người hưởng chế độ thai sản; 5.094 người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 2,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết ngày 30/9, cả 304 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân.

BHXH tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố.

Ngành BHXH đã tăng cường công tác tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền; phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp…

Đến nay, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM có 22.324/36.571 người (đạt 61% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH).

Tập trung giải pháp trọng tâm

Theo ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh, kết quả đạt được trong năm 2024 sẽ là thành quả chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt Nam.

z5878245982109_50e2da427a34e65299e7c03761bf2cf6.jpg
Nhân viên đại lý thu tích cực bám cơ sở phát triển người tham gia chế độ BHXH, BHYT. Ảnh: D.L

Vì thế, ngành BHXH Quảng Nam sẽ bám sát phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới, phát triển, lập thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập BHXH Việt Nam”.

Đồng thời tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Ông Danh cho biết: “Ngành BHXH sẽ chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Ngành cũng sẽ đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư.

Trong tuyền thông cần chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, từ đó thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho mọi người dân”.

BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH cấp huyện thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia; đẩy mạnh chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị. Để phòng ngừa gian lận, trục lợi quỹ, thì các biện pháp kiểm tra trên hệ thống, cơ sở dữ liệu sẽ được BHXH tỉnh khai thác tối đa.

Khảo sát sự hài lòng về dịch vụ ngành bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Quảng Nam cho biết, trong tháng 10&11/2024 ngành triển khai khảo sát sự hài lòng về dịch vụ BHXH trong phạm vi toàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Đợt khảo sát nhằm đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp tham gia, thụ hưởng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với sự phục vụ của BHXH Quảng Nam và các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Qua đó nắm bắt kịp thời những yêu cầu, khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN.

Người được khảo sát cũng có thể đề xuất những giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ của ngành BHXH, từng bước nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp...

LÊ DIỄM

TP.Tam Kỳ đối thoại với doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội cho người lao động

UBND TP.Tam Kỳ vừa tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động.

Tính đến 30/9, TP.Tam Kỳ có 37.944 người tham gia BHXH bắt buộc, 1.847 người tham gia BHXH tự nguyện, 144.567 người tham gia BHYT. Tuy nhiên, vẫn có 183 đơn vị với 1.228 người lao động chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ các chính sách này.

Tại hội nghị đối thoại, các cơ quan chức năng đã phổ biến quy định về lao động, tiền lương, hợp đồng lao động, trách nhiệm giao kết hợp đồng; các khoản đóng BHXH, BHYT được khấu trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân; các quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm phải xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự...

Các đơn vị, doanh nghiệp cũng nêu những vướng mắc, khó khăn cụ thể khi chưa tham gia chế độ cho người lao động hoặc tham gia chưa đầy đủ.

Qua đó, UBND TP.Tam Kỳ đề nghị các đơn vị sử dụng lao động tuân thủ quy định của pháp luật về lao động, tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đầy đủ. Nếu đơn vị nào vi phạm kéo dài, TP.Tam Kỳ sẽ thanh, kiểm tra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

H.LINH

Toàn tỉnh có 1.241 đơn vị chậm đóng các loại bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội Quảng Nam đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về tình hình chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp đến hết tháng 9/2024.

Tổng số tiền chậm đóng các loại bảo hiểm trên trong toàn tỉnh là hơn 282,3 tỷ đồng (giảm 80,7 tỷ đồng so với tháng 8/2024), trong đó khối doanh nghiệp hơn 245,3 tỷ đồng.

Có 1.241 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên (tăng 81 đơn vị so với tháng 8/2024), với số tiền chậm đóng hơn 157,5 tỷ đồng, trong đó có những đơn vị khó thu (các đơn vị giải thể, phá sản, mất tích, ngừng hoạt động…) với số tiền chậm đóng hơn 38,5 tỷ đồng.

NHẬT LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành bảo hiểm xã hội Quảng Nam nỗ lực về đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO