Tài chính - Thị trường

Người tiêu dùng Quảng Nam cẩn trọng với quảng cáo thực phẩm chức năng

LÊ QUÂN 25/04/2025 10:30

Cơ quan chức năng trên cả nước đang siết chặt kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng. Người dân cần tỉnh táo, phân định rõ đúng sai đối với những hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông khác nhau.

z5424171136498_c93e51d57319b6fdd71e6e08182495b2.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh về quy định an toàn thực phẩm năm 2024. Ảnh: LÊ QUÂN

“Thần dược” - ai kiểm chứng?

Chị P.T.H. (quê thị trấn Trung Phước, Quế Sơn) kể, lợi dụng những người cao tuổi ở quê không có điều kiện tiếp cận thông tin, nhiều nhãn hàng kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng liên tục mang các sản phẩm đến chợ, thậm chí tổ chức các hội thảo và dùng chiêu giảm giá - tặng kèm để kích thích người tiêu dùng lớn tuổi.

Mẹ chị mua liên tục mấy lon sữa được quảng cáo đặc trị dành cho người bị tiểu đường, tuy nhiên đã sử dụng lâu dài mà chỉ số đường huyết vẫn không giảm. Đây không phải là câu chuyện hiếm.

Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin, lại mang tâm lý “có bệnh vái tứ phương”, nên dễ sập bẫy quảng cáo tinh vi. Đáng nói, các sản phẩm này chỉ là thực phẩm hỗ trợ, không được cấp phép như thuốc chữa bệnh, nhưng cách truyền thông lại khiến người dân hiểu sai lệch hoàn toàn.

Câu chuyện kẹo Kera mới đây cũng đã cho thấy thực trạng khó kiểm soát của việc quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN). Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, TPCN là sản phẩm hỗ trợ chức năng sinh lý cơ thể, không có tác dụng điều trị bệnh.

Tuy nhiên, với chiêu trò “lách luật” khi quảng cáo - sử dụng từ ngữ mập mờ, như “giúp hỗ trợ điều trị”, “tăng cường chức năng”, “hiệu quả bất ngờ”..., nhiều đơn vị đã vượt rào để đưa sản phẩm ra thị trường với danh xưng mập mờ.

Không chỉ dừng ở đó, nhiều video “review” sản phẩm xuất hiện với hình ảnh bác sĩ mặc blouse trắng tư vấn, nhưng thực chất là diễn viên “đóng vai”.

Kiểm soát nội dung quảng cáo

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp ngộ độc, ảnh hưởng gan, thận do lạm dụng TPCN không rõ nguồn gốc.

dscf1001.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh thực hiện kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ảnh: LÊ QUÂN

Mới đây nhất, ngày 2/4, thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị này đã ra thông báo về việc đề nghị tạm dừng lưu thông hàng hóa, đối với một số phụ gia thực phẩm do vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, chủ yếu là các phụ gia liên quan đến mặt hàng mì chính.

Trước đó, tháng 11/2024, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm Tigi Max Plus - viên uống giảm cân nhanh giúp đào thải mỡ thừa cấp tốc. Theo đó, đây là sản phẩm có chứa chất cấm lưu hành Sibutramine. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.

“Có loại TPCN chứa thành phần kích thích thần kinh nhẹ, người uống thấy khỏe nhưng thực chất là bị kích thích nhất thời. Về lâu dài, ảnh hưởng gan, huyết áp, thậm chí gây rối loạn chuyển hóa” - một bác sĩ công tác tại Khoa nội Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam chia sẻ.

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, mọi quảng cáo TPCN phải đăng ký nội dung với cơ quan có thẩm quyền, đồng thời không được dùng hình ảnh nhân viên y tế hay nội dung gây nhầm lẫn với thuốc. Tuy nhiên, như Bộ Y tế phản ánh, tình trạng vi phạm vẫn phổ biến do việc hậu kiểm còn yếu, lực lượng kiểm tra mỏng, chế tài chưa đủ sức răn đe.

Các vi phạm về kinh doanh TPCN cũng xuất hiện dưới nhiều hình thức tinh vi như tổ chức hội thảo “trá hình” để bán sản phẩm, sử dụng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử để qua mặt cơ quan chức năng. Một số nhà thuốc tư nhân cũng tiếp tay bằng cách trưng bày TPCN như “thần dược”, tư vấn vượt quyền cho bệnh nhân cao tuổi, phụ nữ sau sinh...

Trước thực trạng đó, Sở Y tế Quảng Nam đã triển khai hàng loạt giải pháp, từ việc phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xử lý các website, mạng xã hội vi phạm; đến tăng cường kiểm tra hoạt động hội thảo, giám sát nhà thuốc, đồng thời tuyên truyền kiến thức về TPCN cho người dân - đặc biệt tại các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương công khai danh sách sản phẩm, cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường. Đặc biệt, nghiêm cấm cán bộ y tế tham gia quảng cáo TPCN sai sự thật; các ngành chức năng tổ chức kiểm nghiệm ngẫu nhiên chất lượng TPCN đang lưu hành.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo: Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì, mã QR truy xuất nguồn gốc; không tin vào những video bác sĩ “online” không rõ danh tính, và tuyệt đối không thay thế thuốc chữa bệnh bằng TPCN. Khi có nhu cầu sử dụng, cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ tại các cơ sở y tế được cấp phép.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người tiêu dùng Quảng Nam cẩn trọng với quảng cáo thực phẩm chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO