Trên vùng trung du nhấp nhô gò đồi Tiên Phước, làm vườn đã trở thành nghề truyền thống, với tiêu, quế, chè và các loại cây ăn quả khác.
Sự khéo tay của người dân quê không những tạo nên những vườn xanh sum sê cây trái mà còn tạo nên những bờ đá xanh rêu tuyệt đẹp, trông không khác gì những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt bày giữa cảnh quan thiên nhiên.
Hỏi chuyện các bậc cao niên ở làng Lâm Bình, tôi mới hay rằng, miền quê Tiên Phước được tạo hóa ban tặng kết cấu địa tầng khác biệt với cơ man đá cục đá hòn nằm lổn nhổn bên dưới lớp đất sạn.
Người dân quê Tiên Phước khai phá gò đồi, lập vườn, xây dựng nhà ở. Họ phân tầng đất, lấy đá chất bờ vườn ngay hàng thẳng lối, cao đến thắt lưng, vừa ngăn mưa lũ xói trôi đất, vừa tạo mặt bằng để trồng cây. Vườn nhà này tiếp nối với vườn nhà kia và được phân chia ranh giới bởi bờ đá chung. Sự liên kết ấy tạo nên làng quê, vườn đồi với những bờ đá xanh rêu trải ra vô tận dưới tán cây trồng.
Các bậc cao niên ở làng Lâm Bình khẳng định, chính người Hời (người Champa xưa) là tác giả những công trình đá còn lưu lại đến nay tại hố Bà Hạnh. Trong quá trình chung sống thuận hòa với nhau ở miền quê Tiên Phước, người Việt đã học hỏi kinh nghiệm của người Hời về kỹ thuật phân tầng đất, chất bờ đá vườn, xây dựng nhà cửa ở ven sườn đồi, gò nổng…
Nghề chất bờ đá vườn ấy khởi nguồn hơn năm trăm năm trước, bây giờ được người dân quê tôi “nâng cấp” thành nghệ thuật sắp đặt hài hòa với cảnh quan thiên nhiên để làm du lịch sinh thái.
Ông Bảy Hòe quê làng Tân Thượng - thợ chất bờ đá chuyên nghiệp cho hay, ở vùng Sơn Cẩm Hà, Lãnh Ngọc Hiệp và các xã Tiên Phong, Tiên Thọ, Tiên Lập, Tiên An… do đá núi có kích cỡ không đồng đều, lại được xây chất bởi những thợ “tay ngang”, vì thế tính thẩm mỹ không cao.
Chỉ những vườn nhà của các hộ dân ở các xã Tiên Mỹ, Tiên Châu, Tiên Cảnh và thị trấn Tiên Kỳ mới có những bờ đá vườn đẹp mê ly bởi những người thợ chuyên nghiệp với đôi tay khéo léo tạo nên. Sang xuân, đi dạo trong những khu vườn ấy, vừa ngắm nhìn những bờ đá xanh rêu, vừa lắng nghe tiếng chim hót líu lo đâu đó trong vòm cây, thử hỏi còn gì vui thú hơn…
“Nếu bầu chọn nơi nào ở miền quê Tiên Phước có những bờ đá xanh rêu đẹp nhất, cảnh quê thơ mộng nhất thì làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh luôn được xếp ở vị trí số 1” - ông Bảy Hòe bảo với tôi. Đúng vậy. Đá núi dùng để chất bờ đá vườn ở làng cổ Lộc Yên là loại đá tầng vỉa đã bị phong hóa theo thời gian nên có hình dáng khá đặc biệt. Đó là những phiến mỏng, có kích cỡ như nhau, chất bờ đá vườn vừa đẹp vừa chắc.
Nhìn những người dân quê lành nghề chất bờ đá vườn, tôi mới hay họ làm việc một cách tỉ mẩn, công phu. Họ căng dây để chất bờ đá ngay hàng thẳng lối, không lồi lõm trồi ra hõm vào.
Với chiếc búa con và chiếc xẻng con, họ chọn lựa những phiến đá phù hợp xếp chồng lên nhau, dùng xẻng khỏa đất lèn chặt. Cứ xếp ba bốn lớp đá, họ lại chọn những viên đá chày đặt rải rác lên bờ đá. Đó là những viên đá cọc gắn sâu vào đất, giữ cho bờ đá không bị sạt lở.
Ở những nơi quá cao, họ phân tầng bờ đá thành hai ba lớp, mỗi lớp cách nhau chừng hơn thước mộc, tạo nên bức tường đá khá độc đáo của những bờ đá vườn ở làng cổ Lộc Yên.
Sang xuân, những bờ đá chất thẳng tắp, cao ngang thắt lưng người lớn, mọc đầy rêu tạo nên những tấm thảm nhung xanh mịn. Hình ảnh được du khách đặc biệt thích thú là những cô cậu lên chín lên mười men theo những tấm thảm nhung xanh mịn, tìm kiếm những hoa rêu bé tí ti, bụ bẫm mập mạp, có cuống hoa uốn cong như chiếc lưỡi câu để bứt nhổ chơi đá gà. Thắng thua không quan trọng, chủ yếu là vui, vì thế tất cả đều cười vang...