Những kinh nghiệm thực tiễn

HÀN GIANG - VINH ANH 28/05/2023 08:06

Việc tổ chức sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được khởi động ở giai đoạn 2019 - 2021. Tại Quảng Nam, đã thực hiện sắp xếp giảm 3 đơn vị hành chính cấp xã, còn 241 xã và rút ra được những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc sắp xếp giai đoạn kế tiếp.

>>Canh cánh Nông Sơn
>>Tâm tư khi người dân thiệt thòi
>>Không để lãng phí nguồn lực

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 tại huyện Nông Sơn. Ảnh: N.Đ
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 tại huyện Nông Sơn. Ảnh: N.Đ

Quyết tâm sẽ làm được

Thực hiện Nghị quyết số 653, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện sáp nhập xã Quế Cường và xã Phú Thọ để thành lập xã Quế Mỹ (huyện Quế Sơn); xã Quế Phước và xã Quế Ninh thành xã Ninh Phước (huyện Nông Sơn); thị trấn Tân An và xã Quế Bình thành thị trấn Tân Bình (huyện Hiệp Đức).

Trong năm 2020, sau khi sắp xếp, sáp nhập giảm 3 xã, ngân sách nhà nước giảm chi tiền lương và phụ cấp hơn 3,673 tỷ đồng, giảm chi hoạt động hơn 3,79 tỷ đồng.

Theo đánh giá, việc giảm các xã có quy mô quá nhỏ (không đạt 50% tiêu chí về dân số và diện tích) bước đầu tạo ra sự thay đổi tích cực như nguồn lực đầu tư, đất đai, dân số, không gian quy hoạch được mở rộng để các địa phương phát triển.

Đồng thời bộ máy quản lý hành chính cấp xã được tinh gọn, giảm biên chế, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và ngân sách nhà nước.

Trong những buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các địa phương đề nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách đặc thù đối với ĐVHC mới thành lập sau sắp xếp, như: cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư nhưng chưa bố trí, sắp xếp được; có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm hành chính của các ĐVHC mới sắp xếp, nhằm đảm bảo điều kiện để sớm ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Giai đoạn 2022 - 2030, đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng thí điểm bỏ chế định người hoạt động không chuyên trách cấp xã và chuyển sang công chức ở các xã, phường, thị trấn mới sắp xếp để có cơ sở đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương cấp xã. Đồng thời xem xét cơ chế xét đặc cách liên thông cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm về công tác ở các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, nhằm giải quyết nhanh đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Giám sát việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự đồng tình của người dân, cán bộ, đảng viên tại các địa phương.

Từ thực tiễn sắp xếp ĐVHC cấp xã và qua giám sát cho thấy, để thực hiện tốt ở giai đoạn tiếp theo, cùng với công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận và thống nhất trong tổ chức thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã; cấp ủy, chính quyền các cấp phải có quyết tâm chính trị cao.

Đặc biệt, xây dựng kế hoạch với lộ trình thời gian cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trong từng công việc. Xem đây là vấn đề hệ trọng, phức tạp, nên cần tiến hành thận trọng, chặt chẽ, khoa học; cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư trong quá trình sắp xếp cũng như đặt tên ĐVHC mới.

Theo ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, trong quá trình thực hiện sắp xếp, cấp ủy, chính quyền cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nghị quyết, quy định của Trung ương vào tình hình thực tế địa phương.

Trên cơ sở đó ban hành các văn bản hướng dẫn sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách phù hợp, gắn với việc ban hành các chế độ, chính sách của tỉnh (ngoài chính sách chung của Trung ương) hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, số cán bộ có nguyện vọng nghỉ trước tuổi.

Sau sáp nhập, tiếp tục bám sát địa phương và cơ sở để giải quyết kịp thời những phát sinh trong sắp xếp cán bộ, công chức; giải quyết chế độ, chính sách, thủ tục hành chính và công việc cho người dân, doanh nghiệp sau những ngày đầu chính quyền cấp huyện, xã đi vào hoạt động.

Tiếp tục sắp xếp 2 huyện, 15 xã

Trở thành xu thế tất yếu, việc tổ chức sắp xếp lại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tiếp tục được ưu tiên trong giai đoạn 2023 - 2030 theo Kết luận 48, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam vừa qua.

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương rà soát, đề xuất phương án sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, xã không đủ tiêu chuẩn quy định.

Dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, Quảng Nam có 2 huyện Nông Sơn, Hiệp Đức và 15 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, trong đó có 2 xã nằm trên địa bàn có di sản văn hóa thế giới.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ ban hành Kế hoạch thời gian cụ thể, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp theo quy định.

Vừa qua, báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà làm trưởng đoàn, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, giai đoạn 2023 - 2025 khi Quảng Nam thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, số lượng cán bộ, công chức dôi dư sẽ nhiều, trong khi lộ trình sắp xếp cán bộ ngắn, do đó việc bố trí cán bộ, công chức sau sắp xếp sẽ gặp nhiều khó khăn. Bà Hoa kiến nghị Bộ Nội vụ có tham mưu về chế độ, chính sách, lộ trình và thời gian sắp xếp ĐVHC phù hợp.

Giải đáp các kiến nghị liên quan vấn đề sắp xếp ĐVHC của Quảng Nam, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt thống nhất tinh thần chung về thực hiện chủ trương này.

Quảng Nam dự lường được các khó khăn để từ đó có sự nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung là điều cần thiết. Đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, cả thử thách, nên cần có đề án, phương án cụ thể để triển khai thực hiện đáp ứng được yêu cầu.

Dự kiến tháng 6/2023 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua đề án và tháng 7 tổ chức hội nghị triển khai; thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2023 và năm 2024; yêu cầu mọi việc phải xong để năm 2025 bắt đầu Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở.

“Để đồng bộ các nội dung cần phải thực hiện, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan đang tập trung chuẩn bị kỹ lưỡng, cả dự lường những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Tuy nhiên, những vấn đề khó khăn, vướng mắc do sắp xếp ĐVHC không thể tránh khỏi, chúng ta phải tháo gỡ từng bước, chứ không cầu toàn hết được” - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những kinh nghiệm thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO