Để an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, cùng với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình đổi mới tuyên truyền, phổ biến các chính sách về pháp luật lao động, chế độ đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội.
Các hội nghị tập huấn được tổ chức tại cơ sở và việc tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh đã giúp các tầng lớp nhân dân nắm bắt, thực hiện và giám sát triển khai chính sách, hạn chế tối đa tiêu cực.
Bà Võ Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình cho biết, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả triển khai công tác an sinh xã hội.
Đến nay đơn vị đã đưa 26/26 thủ tục hành chính của ngành giải quyết tại bộ phận một cửa của huyện, thực hiện liên thông giải quyết thủ tục hành chính cho người có công đến 22/22 xã, thị trấn.
Ngành chức năng đã tuân thủ nguyên tắc đúng giờ, đúng kế hoạch, đúng chức trách, nhiệm vụ và đúng chủ trương, chính sách, pháp luật; sát đối tượng, sát việc, sát cơ sở, đặc biệt là phải minh bạch, tận tình, chính xác và đúng hẹn.
Nhờ thực hiện tốt cải cách hành chính gắn với dân vận chính quyền, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về an sinh xã hội. Đến nay đã giải quyết các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng đầy đủ, kịp thời, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mức sống của người có công.
Riêng việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn huyện Thăng Bình, trong hơn 7 năm qua toàn huyện có 5.129 hộ người có công với cách mạng được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 135 tỷ đồng. Công tác lao động việc làm luôn được quan tâm.
Bình quân hằng năm toàn huyện có hơn 2.600 lao động được giải quyết việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 62,21% (năm 2021) lên 73,51% (năm 2023), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 38,02%.
Trong năm 2023, toàn huyện đã có 268 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đứng đầu toàn tỉnh và chiếm gần 1/4 tổng số người đi làm việc ở nước ngoài của toàn tỉnh.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh. Trong năm 2022 và những tháng năm 2023, toàn huyện mở được 29 lớp đào tạo nghề cho 913 lao động nông thôn với tổng nguồn kinh phí đào tạo hơn 1,3 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, công tác giảm nghèo và các chương trình, dự án về giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến cuối năm 2022, toàn huyện giảm còn 1.397 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm 105 hộ so với năm 2021, đạt 140% chỉ tiêu đề ra và đạt 250% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao).
Toàn huyện có hơn 17.000 lượt người bảo trợ xã hội đang được trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng. Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng chống tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện tốt. “An sinh xã hội được thực hiện tốt sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân” - ông Hùng nói.