Thủy sản

Nuôi cá chình theo công nghệ RAS

VÂN TRÌNH 19/12/2024 09:30

Mô hình nuôi cá chình theo công nghệ RAS bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp đảm bảo sinh kế ổn định cho người dân.

697-202412091239491(1).jpg
Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đại Lộc tổng kết mô hình nuôi cá chình theo công nghệ RAS năm 2024. Ảnh VÂN TRÌNH

Thử nghiệm thành công

RAS (Recirculation aquaculture system) là công nghệ xử lý nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản, giúp tiết kiệm nước và giảm thiểu tác động môi trường. Hệ thống RAS bao gồm bể nuôi, bể lọc cơ học, bể lọc sinh học, bể lắng, hệ thống điều khiển tự động… Công nghệ RAS đã được áp dụng rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Ở nước ta, công nghệ này đang được các nhà sản xuất thủy sản áp dụng trong quá trình nuôi một số loài thủy sản có giá trị thương mại cao như sản xuất tôm giống, nuôi cá chình, cá mú, chạch lấu…
Năm 2018, đề tài khoa học “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá chình (Anguilla marmorata) trong bể xi măng bằng phương pháp lọc nước tuần hoàn” do kỹ sư Nguyễn Văn Quang làm chủ nhiệm, được thực hiện ở phạm vi bể nuôi 20m2 tại xã Đại Hiệp, Đại Lộc.

Trước đó, việc nuôi cá nước ngọt tại địa phương gặp nhiều trở ngại do chủ yếu nuôi trong ao đất, nguồn nước nuôi cá kết hợp từ nguồn nước cung cấp cho sản xuất lúa nên gặp khó trong việc cấp nước cho ao nuôi.

Sau 2 năm thực nghiệm, kết quả cho thấy, nuôi cá chình theo công nghệ RAS cho kết quả khả quan. Với 325 con giống thả nuôi, sau 24 tháng nuôi, tỷ lệ sống của cá chình đạt 98,5%, kích cỡ thu hoạch 2kg/con. Hệ thống RAS giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, chất lượng nước, tạo điều kiện tối ưu cho cá sinh trưởng và phát triển nhanh.

Cá nuôi trong hệ thống tuần hoàn có chất lượng thịt cao hơn, ít bệnh hơn so với nuôi truyền thống. RAS còn giúp tái sử dụng nước, giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường, việc vệ sinh bể lọc cũng đơn giản...

697-202412091239492(1).jpg
Cơ sở nuôi cá chình theo công nghệ RAS của ông Nguyễn Hết (thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang). Ảnh: VÂN TRÌNH

Chuyển giao công nghệ RAS

Thành công của đề tài khoa học trên đã mở ra hướng đi mới cho phát triển nghề nuôi thủy sản ở Đại Lộc theo công nghệ RAS.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho hay, năm 2024, đơn vị đã thực hiện chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới về nuôi cá chình trong hệ thống lọc nước tuần hoàn - RAS.

Tham gia mô hình gồm các hộ Nguyễn Hết (thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang), Huỳnh Văn Lưu (khu An Đông, thị trấn Ái Nghĩa), Huỳnh Thị Nhung (thôn Xuân Tây, xã Đại Tân) với 8 bể nuôi, 2.500 con giống.

Cán bộ kỹ thuật của trung tâm trực tiếp hướng dẫn các hộ thực hiện việc lắp đặt các bể nuôi và hệ thống lọc tuần hoàn; kiểm tra tất cả chỉ số môi trường nước trước khi thả cá giống.

Trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí mua con giống và thức ăn công nghiệp (đảm bảo hơn 42% độ đạm). Quy trình kỹ thuật nuôi cũng được tổ chức tập huấn chu đáo. Sau 6 tháng thả nuôi, cá chình đạt trọng lượng trung bình 300g/con, tỷ lệ sống 98%, trong quá trình nuôi ít dịch bệnh xảy ra do quản lý tốt được môi trường nước. Khả năng sau 24 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình trên 1,7kg/con.

697-202412091239493(1).jpg
Thu hoạch cá chình. Ảnh VÂN TRÌNH

Cũng theo ông Quang, nuôi cá chình theo công nghệ RAS có lợi thế là chỉ cần diện tích tương đối nhỏ, khoảng 50 - 100m2 là có thể nuôi được 2 - 5 bể cá (mỗi bể có thể tích 7 - 12m3 nước), đảm bảo cho nông dân có thể tự nuôi trong gia đình, kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

Mỗi bể nuôi bình quân sau 2 năm thu hoạch được khoảng 300kg cá, giá bán cá chình thương phẩm dao động từ 450 - 520 nghìn đồng/kg, lãi thu được từ 1 bể nuôi hơn 80 triệu đồng. Khó khăn là mức chi phí đầu tư ban đầu lớn cho thiết bị, công nghệ (chi phí lắp đặt 1 bể nuôi 7 - 10m3 tầm 30 - 35 triệu đồng); hơn nữa việc quản lý và vận hành hệ thống đòi hỏi người nuôi có kiến thức chuyên môn và kỹ thuật cao. Song, đây là nghề có triển vọng vì cá chình được thị trường trong và ngoài tỉnh rất chuộng, giá bán lại cao.

“Đến nay, Đại Lộc đã có 11 hộ nuôi cá chình theo công nghệ RAS, nhiều nhất ở các xã Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại Thắng. Định hướng sắp tới sẽ nhân rộng ra toàn huyện với 100 - 150 hộ, nuôi khoảng 100.000 con giống. Khi đó, sản lượng cá chình nuôi sẽ đạt khoảng 50 - 70 tấn/năm, doanh thu hàng năm từ 25 - 30 tỷ đồng. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện dự định áp dụng công nghệ RAS vào nuôi các loài thủy sản khác như chạch lấu, lươn…” - ông Quang nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi cá chình theo công nghệ RAS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO