(QNO) - Sau hơn một năm ra mắt thị trường, bún gạo lứt khô Lợi Phát của anh Nguyễn Quang Trạng (thôn Phước Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình) nhanh chóng được khách hàng ưa chuộng và đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.
Dưới mái nhà lộp độp mưa rơi, vợ chồng anh Trạng vội vã đóng gói những bó bún gạo lứt vừa sấy khô. Cuối năm, khi được công nhận sản phẩm OCOP, những đơn hàng bún gạo lứt khô Lợi Phát càng tăng lên…
Chia sẻ về ý tưởng tạo ra loại bún gạo lứt tím đỏ đẹp mắt này, anh Trạng cho biết: “Vợ chồng tôi lập xưởng làm bún, phở gạo trắng khô từ năm 2014. Nhưng làm thời gian, giá gạo trắng tăng, điện nước tăng mà giá bún không đổi. Mãi đến năm 2023, chúng tôi mới quyết định đi tìm công thức làm bún gạo lứt với dự định đã ấp ủ từ lâu. Bún gạo lứt có tiềm năng, giá cả ổn định và được thị trường rất ưa chuộng”.
Gạo lứt đỏ qua quá trình xay xát còn lại lớp vỏ lụa có nhiều tinh bột, vitamin, chất xơ, khoáng chất, a xít béo không bão hòa, protein. Giàu dưỡng chất, bún gạo lứt giúp giảm cân, hạn chế các bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch...
Cách chế biến bún như một loại bún tươi thường ngày, chỉ cần nấu bằng nước sôi đơn giản. Hoặc từ bún khô này có thể rửa qua sơ bộ rồi dùng để xào hoặc trộn với một số nguyên liệu khác như rau, hải sản, thịt bò… đều cho ra món ăn hợp khẩu vị, thích hợp với nhiều người.
Lúc đầu, anh Trạng loay hoay với công thức làm bún gạo lứt khô như không biết thời gian ngâm gạo bao lâu, máy bột khô hay ướt, làm gạo dẻo quánh, nên hư hỏng nhiều lần. Tuy nhiên, hơn 5 tháng nghiên cứu, đầu tư 150 triệu đồng mua thêm máy vắt bột, máy sấy, máy đóng gói, anh mới sản xuất bún gạo lứt Lợi Phát hiệu quả.
Ngoài ra, cơ sở của anh Trạng còn đối mặt với khó khăn khi xưởng bún chỉ có một đầu máy vừa thay phiên làm bún gạo trắng, vừa tạo bún gạo lứt. Nhưng quá trình sản xuất bảo đảm vệ sinh, tuyệt đối an toàn thực phẩm từ mọi công đoạn, quy trình đã giúp anh tự tin quảng bá sản phẩm ra thị trường.
[VIDEO] - Anh Nguyễn Quang Trạng chủ cơ sở bún gạo lứt khô Lợi Phát:
Với quy trình đầu tiên là vo, ngâm gạo, xay bột nước, vắt bột khô, xong rồi làm bún, ủ bún, giũ bún đem phơi, cuối cùng đóng gói, mỗi ngày anh Trạng có thể làm 2-3 tạ gạo lứt (mỗi tạ gạo tạo ra 90kg bún khô). Đến nay, mỗi tuần trung bình anh Trạng sản xuất trên 500kg bún gạo lứt khô (tùy vào nhu cầu của khách hàng).
Sau hơn một năm ra mắt sản phẩm, giới thiệu bún gạo lứt khô của mình tại các hội chợ, chương trình khởi nghiệp và nhất là được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản phẩm của anh Trạng được nhiều người tin dùng. Có nhiều thời điểm, bún gạo lứt khô Lợi Phát cháy hàng, bán chạy tại các khu vực miền núi, TP.Tam Kỳ, Đà Nẵng…
Tuy làm bún gạo lứt tốn gấp hai thời gian thành phẩm bún gạo trắng, nhưng giá cả hai loại này chênh lệch gấp đôi. “Làm mấy chục ký gạo lứt thì bằng thời gian làm 1 tạ gạo trắng. Nhưng bún gạo trắng bán sỉ 22.000 đồng/kg, còn bún gạo lứt bán sỉ tới 40.000 đồng/kg. Hằng tháng bên cạnh bún, phở gạo trắng khô, tôi còn có nguồn thu từ bún gạo lứt khô, đời sống cũng khấm khá hơn nhiều” - anh chia sẻ.
Theo anh Trạng, thời gian tới cơ sở sẽ đầu tư mạnh chuỗi liên kết vùng nguyên liệu với người dân địa phương để đảm bảo nguồn cung. Và khi ổn định dây chuyền sản xuất, bún gạo lứt khô Lợi Phát sẽ tham gia trên các sàn thương mại điện tử.