Người Quảng Nam

Phẩm hạnh những “ông thầy xứ Quảng”

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 08/08/2024 07:42

(VHQN) - Quảng Nam là “đất học”, đã “sinh thành” những thầy giáo, những nhà giáo dục danh tiếng, từ cả xưa lẫn nay.

image_50454017.jpg
Bước chân đến trường. Ảnh: XUÂN PHÚ

“Đức hạnh thuần khiết và lão luyện”

Trong số 293 tiến sĩ của 39 kỳ thi Hội và thi Đình (do triều Nguyễn tổ chức từ năm 1822 đến năm 1919) được khắc tên trên bia dựng ở Văn Miếu Huế, có 15 tiến sĩ là người Quảng Nam.

Những tiến sĩ này cùng 24 phó bảng người Quảng Nam khác, đều được triều Nguyễn bổ nhiệm làm quan, cả ở kinh lẫn ở tỉnh.
Không ít người trong số đó giữ các chức vụ liên quan đến giáo dục như: từ giáo thụ, giám hiệu, đốc học, huấn đạo… cho đến Tế tửu Quốc tử giám, đứng đầu “ngôi trường dạy làm quan” của chế độ quân chủ.

Nhiều người Quảng Nam khác, tuy chỉ đỗ cử nhân nhưng do có học vấn uyên bác, phẩm hạnh đoan chính, tài năng ưu thắng… nên đã được triều đình giao trọng trách làm thầy dạy các giám sinh, ấm sinh… theo học ở Quốc Tử Giám, thầy dạy các hoàng tử, những người sẽ kế vị ngai vàng của nhà Nguyễn.

Có thể kể ra những vị thầy như Nguyễn Dục, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Thành Ý, Trần Văn Dư... đã từng dạy các hoàng tử Ưng Chân và Ưng Đường (sau này là vua Đồng Khánh), Ưng Lịch (sau này là vua Hàm Nghi)...

Ghi chép về những “ông thầy xứ Quảng” trong các nguồn sử liệu thời Nguyễn cho thấy họ là những nhà giáo dục có kiến văn quảng bác, cương trực và đức hạnh. Họ không chỉ trui rèn lớp hậu sinh về trí, đức, mà am hiểu nền giáo dục đương thời, đau đáu với việc cải cách lối học từ chương, quan tâm đến thực học, gắn giáo dục với canh tân đất nước.

Vì lẽ đó mà vua quan triều Nguyễn đều đánh giá cao những “ông thầy xứ Quảng” như Nguyễn Dục, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật… Vua Tự Đức (1848-1883) từng nhận xét về Nguyễn Dục: “...đức hạnh thuần khiết và lão luyện, xử việc thận trọng, lại hay xem xét mọi lẽ nghiêm chỉnh nên hoàng tử biết kính sợ” (Đại Nam chính biên liệt truyện). Đó cũng là phẩm hạnh của các “ông thầy xứ Quảng” khác như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư… thuở trước.

Những người thầy “quyết liệt”

Thời nay, Quảng Nam có rất nhiều người làm nghề giáo, ở cả trong và ngoài nước. Nhiều người trong số họ vẫn giữ được phẩm hạnh của những “ông thầy xứ Quảng” xưa, là tấm gương sáng cho hậu bối kính ngưỡng.

Tôi hân hạnh được quen biết với những “ông thầy xứ Quảng” như vậy, trong đó, có hai người ngoài những phẩm hạnh trên, còn có chung một tính cách: quyết liệt. Đó là GS.Hoàng Tụy và nhà văn Nguyên Ngọc, những người tôi từng được tiếp chuyện, đọc bài và làm việc cùng họ.

GS. Hoàng Tụy. Ảnh: Tuổi Trẻ

GS.Hoàng Tụy (1927-2019) là một nhà toán học tiêu biểu của Việt Nam. Ông được coi là người khai sinh lý thuyết “Tối ưu hóa toàn cục” (Global Optimization) trong Toán học ứng dụng. Cùng với GS.Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người tiên phong xây dựng ngành Toán học của Việt Nam, là “cây đa, cây đề” trong cả nghiên cứu và giảng dạy Toán học.

Ông có hơn 100 công trình công bố trên các tạp chí có uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của Toán học như: Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý minimax, Lý thuyết các bài toán cực trị, Quy hoạch lõm, ...

Hoàng Tụy không chỉ là một nhà toán học, mà còn là một người có nhiều đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam. Trong hơn 10 năm cuối đời, ông đã công bố hơn 20 bài viết, bài phản biện về giáo dục; gửi nhiều kiến nghị đến lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo Bộ GD&ĐT phân tích thực trạng giáo dục Việt Nam cùng kế sách chấn hưng, cải cách nền giáo dục nước nhà.

Với sự quyết liệt chưa từng có, GS.Hoàng Tụy chỉ ra: “Nhà trường không thể chỉ dạy chữ, dạy kiến thức, mà còn dạy làm người. Thực tế xưa nay nhà trường nào cũng làm như thế cả, dù gián tiếp hay trực tiếp, dù có ý thức hay vô ý thức.

Cái khác nhau chỉ là ở nội dung và cách dạy người. Dạy cho thanh thiếu niên thành người như thế nào, đó là chỗ khác nhau cơ bản giữa nhà trường lạc hậu và nhà trường hiện đại, tiên tiến”. Từ đó, ông cũng “quyết liệt hiến kế” để chấn hưng, đổi mới giáo dục.

Trong khi đó, nhà văn Nguyên Ngọc lại là người tâm huyết với nền giáo dục khai phóng và phi lợi nhuận. Là người đồng sáng lập, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường của Đại học Phan Châu Trinh (khai khóa vào năm 2018 tại Hội An), Nguyên Ngọc đã lựa chọn mô hình giáo dục khai phóng (liberal education) làm định hướng phát triển cho ngôi trường này.

Nguyên Ngọc mong muốn Đại học Phan Châu Trinh trở thành một trường “đại học hoa tiêu” ở Việt Nam, bắt kịp xu thế hiện đại, tiên tiến trong giáo dục đại học ở trên thế giới.

Ông quyết liệt loại bỏ các môn học nặng tính từ chương, phi thực tế ra khỏi chương trình đào tạo của các ngành học tại Đại học Phan Châu Trinh; đề cao các môn học khai phóng (liberal arts), coi sự thông thái là mục đích của giáo dục khai phóng, và sinh viên tốt nghiệp Đại học Phan Châu Trinh phải là những người “thông thái”, có cả trí tuệ và đạo đức.

Tiếc rằng, những lời tâm huyết và sự quyết liệt trong đòi hỏi chấn hưng, đổi mới giáo dục của hai “ông thầy xứ Quảng” Hoàng Tụy và Nguyên Ngọc chưa được tiếp thu đầy đủ để hiện thực hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phẩm hạnh những “ông thầy xứ Quảng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO