Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ III - năm 2019, Đông Giang đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đây là điểm tựa để địa phương phát huy hơn nữa thành quả, đưa huyện vùng cao đạt những mục tiêu mới.
Nhiều thành quả
Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ an ninh chính trị, an ninh nông thôn và đảm bảo trật tự xã hội luôn được huyện Đông Giang chú tâm thực hiện.
Công an huyện cho hay, trên địa bàn có 79 người có uy tín do địa phương xét chọn và được UBND tỉnh phê duyệt. Bao gồm cán bộ đã nghỉ hưu, trưởng thôn, bí thư chi bộ là người dân tộc Cơ Tu đạt nhiều thành tích trong công tác, am hiểu địa bàn, biết rõ phong tục tục quán; kinh tế bản thân và gia đình ổn định.
Đặc biệt, họ có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng thôn, xã. Cùng với công an và chính quyền địa phương, người có uy tín vận động bà con giao nộp hàng trăm súng tự chế, súng quân dụng, đạn, lựu đạn, kíp nổ…, cung cấp thông tin để lực lượng chức năng xử lý vụ việc vi phạm pháp luật; tham gia giáo dục cảm hóa người lầm lỡ.
Người có uy tín ở Đông Giang trở thành lực lượng nòng cốt trong vận động chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; là chỗ dựa quan trọng trong nhiều phong trào do các cấp phát động, tổ chức.
Nhờ sự đóng góp của người có uy tín, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Các dân tộc thiểu số huyện Đông Giang lần thứ III - năm 2019, bà con các dân tộc sinh sống tại Đông Giang luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông A Vô Tô Phương chia sẻ, minh chứng là trên địa bàn không có điểm nóng về an ninh trật tự. Bà con đoàn kết giúp đỡ nhau trong đời sống, lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện đến cuối năm 2024 ước đạt 3.000 tỷ đồng.
Đáng ghi nhận, người dân đã giảm dần diện tích lúa nương rẫy; thay vào đó trồng rừng gỗ lớn tăng lên, ước thực hiện đến cuối năm 2024 trồng được 1.290,64ha.
Thay đổi diện tích keo sang thực hiện chuỗi liên kết trồng cây quế (có 284ha/158 lượt hộ tham gia); tham gia các mô hình trồng ba kích, nuôi heo đen, nuôi hươu sao lấy nhung.
Toàn bộ 40 thôn có điện lưới quốc gia; 11/11 xã thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Nhiều công trình trọng điểm được hình thành phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh. Công trình trường học, văn hóa, y tế được đầu tư bài bản; hình thành thêm hai khu tái định cư tập trung để bố trí dân cư.
Ông A Vô Tô Phương nói, trên nền tảng đó, huyện đặt chỉ tiêu hàng năm giảm hơn 5% hộ nghèo; dự báo đến cuối năm 2024 giảm còn 30,79% hộ nghèo (tức giảm 7%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra). Thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt 42 triệu đồng.
Mục tiêu mới
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đông Giang lần thứ IV - năm 2024 đã thông qua Quyết tâm thư, đặt ra mục tiêu cụ thể. Phát huy thành quả trên chặng đường 5 năm qua, giai đoạn 2024 - 2029 Đông Giang phấn đấu hỗ trợ đất ở, nhà ở, xóa nhà tạm cho 484 hộ nghèo, cận nghèo; cơ bản hoàn thành mục tiêu giao thông kết nối vùng, liên vùng, liên xã thông suốt.
Trồng rừng gỗ lớn đạt 800ha/năm; ưu tiên chuyển đổi diện tích trồng keo sang cây quế, sao đen và các loại cây bản địa khác. Đến năm 2029, toàn bộ 40 thôn đạt chuẩn văn hóa; xây dựng hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận “Lễ kết nghĩa” (Prơnggooch) vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.
Đông Giang sẽ thí điểm xây dựng 7-9 mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Bình quân mỗi năm, địa phương phấn đấu đưa 100 người đi lao động ở nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2029, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng; 100% trường đạt chuẩn quốc gia các mức…
Ông A Vô Tô Phương cho hay, để đạt mục tiêu đề ra, huyện Đông Giang xác định, trước hết tập trung phát triển kinh tế theo hướng nông - lâm nghiệp; ưu tiên nguồn lực cho kinh tế vườn, trang trại, kinh tế rừng, dưới tán rừng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của huyện.
Phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế theo quy hoạch vùng huyện, hình thành các đô thị mới làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới...