Những năm qua, việc tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm OCOP khi gắn với du lịch đã đạt được kết quả khả quan. Tuy nhiên, hướng đi này đang gặp nhiều khó khăn vì hoạt động du lịch “đóng băng” suốt thời gian dài do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và chất lượng nhiều sản phẩm chưa được nâng cao để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tiêu thụ giảm sút
Khách du lịch cũng là khách hàng tiêu thụ đáng kể các sản phẩm OCOP ở TP.Hội An cũng như các khu vực lân cận. Vì vậy, lượng sản phẩm tiêu thụ khu vực này giảm mạnh từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, đã có hơn 220 nghìn sản phẩm OCOP được tiêu thụ, nhưng có đến hơn 80% được tiêu thụ trong hai năm 2018 và 2019.
Theo bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố đều hướng đến thị trường tiềm năng là khách du lịch quốc tế nên doanh thu, sản lượng giảm mạnh trong thời gian qua là điều tất yếu.
Nhìn chung, nhóm sản phẩm OCOP du lịch - dịch vụ nông thôn và lưu niệm - nội thất - trang trí bị tác động nặng nề nhất, bởi phần lớn dựa vào khách du lịch. Có thể kể đến một số sản phẩm được đánh giá cao nhưng tiêu thụ chật vật trong thời gian gần đây như đèn lồng Dé Lantana, đĩa Chùa Cầu, dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp bền vững Thanh Đông…
Ông Phan Xuân Nguyên - chủ cơ sở sản xuất sản phẩm đĩa Chùa Cầu cho hay, từ năm 2020 việc sản xuất chỉ cầm chừng bởi sản phẩm này rất khó tiêu thụ với người dân địa phương cũng như khách nội địa.
Còn ông Lê Nhương - thành viên Hợp tác xã Rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) cho biết, ngoài nguồn thu từ sản phẩm nông nghiệp thì hoạt động du lịch học tập cũng giúp hợp tác xã có thêm nguồn thu đáng kể từ khoảng năm 2017. Tuy nhiên, dịch Covid-19 liên tục bùng phát khiến nhiều tháng qua đơn vị không đón được khách.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng làm cho chợ phiên Hội An, chợ phiên làng chài Tân Thành thường xuyên bị hoãn hoặc hủy khiến các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh mất đi cơ hội quảng bá, tiêu thụ.
Cần nâng tầm sản phẩm
Nếu muốn tiếp cận thị trường du lịch một cách bền vững, mỗi sản phẩm OCOP cần mang trong mình một câu chuyện độc đáo để thuyết phục du khách. Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hầu hết sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu nhiều tiêu chuẩn để trở thành một sản phẩm du lịch tốt, nên cần phải có giải pháp cải thiện. Một trong những yếu tố cốt lõi để có sản phẩm OCOP tốt, hướng đến du khách là phải phát triển tổng thể làng hoặc chủ thể sở hữu sản phẩm đó.
Sản phẩm OCOP đặc trưng phục vụ cho du lịch ở đây không đơn thuần ở các sản phẩm hữu hình để du khách sử dụng hoặc mua làm quà lưu niệm mà cần phải xây dựng được chuỗi giá trị trải nghiệm để tạo ra giá trị tăng thêm cho chủ thể OCOP.
Đơn cử, ở làng nước mắm Cửa Khe - sản phẩm OCOP 3 sao (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình), những thanh niên trẻ ở làng đang miệt mài tạo dựng hành trình trải nghiệm về câu chuyện của nước mắm, của làng qua hàng trăm năm và kỳ vọng sẽ trình làng đến du khách một khi đại dịch Covid-19 đi qua.
Vòng lẩn quẩn hiện nay là các cá nhân có khát khao phát triển thì gặp trở lực về tài chính; trong khi đó, các chủ thể như hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp phát triển sản phẩm thì tính cộng đồng, dấu ấn bản địa còn rất mờ nhạt.
Để đồng hành, tiếp sức cho các chủ thể OCOP tạo ra giá trị tăng thêm từ hoạt động du lịch, từ năm 2020 Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở VH-TT&DL xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thí điểm làng văn hóa du lịch Lộc Yên (Tiên Phước) và làng Bhờ Hồng (Đông Giang). Đáng tiếc, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đến nay kế hoạch triển khai vẫn đang bị bỏ ngỏ.