Truyện ngắn

Sau lũ

MAI BÁ ẤN 11/12/2024 13:06

(VHQN) - 1. Không! Nhất định không phải đến lúc ba thằng An qua đời, Yên mới ghét nó! Mà nói cho thật lòng, Yên đã không ưa gì nó ngay từ khi có ý định đến với người đàn ông góa vợ và nặng nợ bên mình một đứa con trai.

SAU LU truyen VHSO 10
Minh họa: HIỂN TRÍ

Chính vì thế, sau ngày mãn tang chồng, mặc dù thằng An rất ngoan, học hành giỏi giang hơn nhiều so với hai đứa con riêng của mình, Yên vẫn không thể nào ưa nó được.

Còn An? Cho dù biết mẹ ghẻ không ưa gì mình, nó vẫn chăm sóc đầy tình cảm và trách nhiệm đối với hai đứa em cùng cha khác mẹ. Nhiều lúc chỉ bài mà không học nổi, thằng em trai nổi đóa, lấy cây thước quất anh, An vẫn một mực dỗ dành, rồi buồn buồn tiếp tục bày em học. Nhưng trên đời này lại thường tồn tại một quy luật bất công rất vô hình hễ ai sống tốt lại thường hay chịu thiệt thòi!

Hình như An sinh ra để chứng minh cho quy luật ấy. Nó càng tốt bao nhiêu thì dì Yên lại càng lấy đó làm nguyên nhân để bực tức bấy nhiêu. Nhiều lúc nghe dì Yên thét lên: “Mày cứ lầm lì như mẹ mày ấy!”, nó nhói đau trong lòng không phải vì mình bị mắng, mà xót cho mẹ. Không mẹ, đời nó đã đau, giờ đây vì sự tồn tại của nó mà hồn mẹ cũng không yên. Nhiều đêm, nằm một mình, nó thường lầm rầm xin mẹ thứ tha. Và khóc...

2. Ráng chịu đựng sự nhiếc mắng của dì để đợi ngày mãn tang ba, nhưng rồi An cũng không ráng nổi. Gian khổ mấy, đắng cay bao nhiêu, An cũng chịu. Nhưng dì Yên bắt An phải nghỉ học trước ngày vào năm học cuối cấp, An phải đành từ giã hai em và lạy trước bàn thờ ba để sang ở bên nhà người dì ruột trong thị trấn cách đó không xa.

Dì Liên rất thương An, đã định đưa cháu về nuôi khi ba An quyết định đi bước nữa. Nhưng ba An một mực không cho, lại còn nặng lời nên dì đành im lặng. Sau khi ba An mất, bao lần dì Liên định đưa cháu về, nhưng ngại người chị dâu nên chưa mở lời. Bây giờ thì An nhất quyết ra đi, dù thương ba, thương hai em, nhưng cũng đành về với dì Liên để được tiếp tục học hành.

Những ngày đầu tiên ở trên phố, chiều chiều đi học về, An cứ mãi ngẩn ngơ nhìn về nhà ở hướng tây để lòng nguôi nhớ. Cái vùng đất trung du, chập chùng đồi ruộng ấy nặng nợ trong An quá nhiều điều. Những kỷ niệm tuổi thơ ngày ông bà nội chưa qua đời khiến An, dù cam tâm chịu sự rẻ rúng của dì Yên, cũng không thể nào dứt được.

An nhớ ngôi nhà nho nhỏ bốn bề vây quanh lúa, nhớ đoạn đường nhỏ vào nhà có con mương dài, mùa hạ thì cạn khô mà mùa đông thì ngập tràn nước lũ. An nhớ hai đứa em, mỗi lần đi học mùa mưa, An phải cõng hai em qua chiếc cầu bắc ngang con mương ấy. Và cũng tại con mương kỷ niệm này, tuổi thơ An đã chứng kiến cái chết của ba khi ba băng lũ trở về lúc dì Yên sinh em thứ hai...

Nhớ kỷ niệm đẹp, nhớ kỷ niệm đau thương, nhớ cả những ngày cay đắng. Đó là những đêm ngồi học bài khuya, nghe dì Yên mắng mỏ, An lặng lẽ chui ra vườn ngồi nhìn những ngôi sao đêm lẻ loi... Giờ xa thật rồi, An càng thêm nhớ.

Thỉnh thoảng vào cuối tuần, An lại ghé về thắp hương cho ba và thăm hai em. Xa An rồi, dì Yên cũng nguôi dần, nhưng mỗi lần An về thăm, dì cũng chẳng thèm hỏi han, cho dù lúc nào hai đứa con mình cũng nhắc nhớ anh An.

An lặng lẽ đến, thắp hương lên bàn thờ ba, kiểm tra bài vở, tâm sự đôi điều cùng hai em rồi lặng lẽ ra về. Trong ý nghĩ của mình, Yên luôn đoan chắc rằng, với sự ghẻ lạnh này dần dà rồi An sẽ không bao giờ về nữa...

3. Vậy mà có một chiều đầu đông... Giữa lúc nước lũ ngập tràn, cuốn phăng mấy nhịp cầu ván bắc qua con mương chảy trước vườn nhà - con mương đã từng cướp mất của Yên một người chồng - mẹ con Yên đang tuyệt vọng thét gào, An đã trở về. Chiếc bè chuối tự tạo đã đưa An lao vào ngôi nhà sắp bị lũ nuốt chửng.

An nói với dì Yên như ra lệnh: “Dì cứ ngồi yên! Hai em lại đây anh bế xuống bè. Bình tĩnh dì nhé! Con sẽ quay lại ngay thôi!”. Yên nín lặng nhìn dáng nhỏ bé của An cố chèo chiếc bè vượt qua khỏi con mương định mệnh.

Thoát rồi! Yên vui mừng nghĩ, dù mình có bị lũ cuốn giờ này cũng cảm thấy yên tâm. Đột nhiên, Yên lại òa khóc. Không phải khóc vì cơn lũ nữa mà khóc vì nỗi ân hận của chính lòng mình. Giữa lúc nguy nan này mới thấy cái tình máu mủ ruột rà của đứa con mình không rứt ruột đẻ ra sao mà cao đẹp.

Yên lại lặng khóc... nhưng nước mắt cô rơi chưa vơi hết một phần niềm ân hận thì An đã trở lại. Không phải một chiếc bè chuối mà còn có cả một chiếc xuồng cùng hai chú bộ đội đến đón Yên. Trên xuồng còn có thêm nhiều bà con nữa.

Lúc nãy, Yên chỉ mới cảm nhận ra tình thân thì giờ đây, Yên lại nhận ra cả tình người trong cơn hoạn nạn. An đưa tay dìu dì Yên xuống xuồng. Đột nhiên, Yên ôm An vào lòng và gọi: “An! Con! Mẹ đây!”. Lần đầu tiên, họ cảm nhận được hai tiếng mẹ - con thiêng liêng trong cái ấm nồng mà trước đây bao lần An muốn gọi tiếng “mẹ” kia mà chưa bao giờ dì Yên cho phép...

4. Sau những ngày mưa gió, mẹ con Yên xuống phố thăm vợ chồng dì Liên. Từ ấy, cuối tuần, An thường về nhà để thăm mẹ Yên và chăm lo cho hai em việc học. Chiếc cầu nhỏ bắc ngang con mương trước nhà bị lũ cuốn trôi cũng được bà con chung tay nối lại. Những tia nắng hiếm hoi của mùa đông rải khắp hiên nhà, An nghe lòng mình tanh tách nảy hạt mầm yêu thương…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sau lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO