(QNO) - Sáng nay 19.11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua "Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" giai đoạn 2016 - 2020. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì hội nghị; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đến dự.
Hơn 12 nghìn tỷ đồng đầu tư giảm nghèo
Theo báo cáo, từ năm 2016 - 2020, tổng kinh phí huy động để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chính sách giảm nghèo thường xuyên hơn 12.370 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí được cấp thẩm quyền giao thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 1.737 tỷ đồng, đã phân bổ cho các ngành và địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong đó Chương trình 30a, Chương trình 135 trong 5 năm qua đã đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo 531 công trình cơ sở hạ tầng các loại, thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, cơ sở trường lớp, trạm y tế, sắp xếp dân cư... với kinh phí 1.311 tỷ đồng. Chương trình đã đầu tư 1.031 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với 48.239 hộ tham gia, kinh phí từ ngân sách hỗ trợ thực hiện là 235 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết số 80/NQ-CP, toàn tỉnh đã thực hiện dạy nghề cho khoảng 16.000 người thuộc diện người có công cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế. Cả tỉnh đưa 4.126 lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, trong đó có 161 lao động ở các huyện nghèo. Có 16.282 hộ nghèo được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (dư nợ 557 tỷ đồng), 11.263 hộ cận nghèo vay vốn (dư nợ 457,4 tỷ đồng), 31.217 hộ mới thoát nghèo vay (dư nợ 1.307 tỷ đồng).
Thực hiện cấp 1.538.420 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và người dân tộc thiểu số với kinh phí 1.085 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người nghèo hơn 28,29 tỷ đồng, hỗ trợ 2.895 phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo sinh con đúng chính sách dân số (kinh phí 5,79 tỷ đồng). Phân bổ hơn 400 tỷ đồng để các địa phương thực hiện các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí cho gần 607.500 lượt học sinh, sinh viên theo quy định. Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 10.000 nhà ở cho hộ nghèo, trong đó có 2.279 hộ nghèo làm nhà phòng tránh bão lụt...
Hàng loạt chính sách đặc thù
Đối với tỉnh có các chính sách giảm nghèo đặc thù trên các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, tín dụng, dạy nghề, xuất khẩu lao động, cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục... góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình giảm nghèo.
Trong 4 năm (2017 - 2020), UBND tỉnh đã bố trí 385 tỷ đồng cho 9 huyện miền núi để thực hiện nghị quyết, trong đó có 6.917 hộ được hỗ trợ sắp xếp di dời chỗ ở (đạt 138,37% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao), 67 hộ thực hiện di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho hộ mới đến, kinh phí thực hiện 366 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 12/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đã phân bổ 41,2 tỷ đồng để các ngành và địa phương triển khai thực hiện các chính sách của nghị quyết, trong đó đã hỗ trợ đào tạo nghề đối với 5.053 người (2.482 người là đồng bào dân tộc thiểu số), đến nay có 4.316 người đã hoàn thành khóa học, đang học dở dang 468 người, bỏ học giữa chừng 269 người. Sau học nghề có 4.115 người vào làm việc tại doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 95,3% trên tổng số lao động hoàn thành khóa học.
Thực hiện Nghị quyết số 51/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã bố trí năm 2019 số tiền 8,5 tỷ đồng để thực hiện nghị quyết, có 1.525 lao động của tỉnh tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ năm 2015 - 2018, tiếp tục thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 theo quy định tại Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11.7.2014 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ gần 113 tỷ đồng cho các địa phương để giải quyết các chế độ, chính sách về y tế, giáo dục, thưởng bằng tiền mặt… đối với 7.353 hộ tự nguyện đăng ký và được UBND cấp xã ban hành quyết định công nhận thoát nghèo bền vững. Thưởng cho thôn đủ tiêu chuẩn, điều kiện và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo quy định.
Từ năm 2018 - 2020, thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã đã phân bổ từ nguồn ngân sách tỉnh 345,9 tỷ đồng cho các địa phương để giải quyết các chế độ, chính sách về y tế, giáo dục, tín dụng, thưởng bằng tiền mặt... cho 9.989 hộ nghèo, 11.294 hộ cận nghèo đăng ký và được công nhận thoát nghèo qua các năm 2017, 2018, 2019 theo quy định.
Trong 2 năm 2019 - 2020, tỉnh đã phân bổ 46,55 tỷ đồng để các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho 8.133 người thuộc hộ nghèo. Trong đó có 262 người nghèo thuộc diện chính sách người có công và 7.871 người nghèo là người cao tuổi, người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định. Qua đó đã góp phần nâng cáo mức sống cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn này, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2018 - 2020, UBND tỉnh đã phân bổ 4,231 tỷ đồng để các địa phương thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ cho 199 người được phân công theo dõi người theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo cấp xã và cộng tác viên giảm nghèo của 199 xã, thị trấn. Đội ngũ này đã trực tiếp tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, góp phần rất lớn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tác động giảm nghèo toàn diện
Từ tác động toàn diện của các chính sách, mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh, của các huyện nghèo và xã nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra của quốc gia.
Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn 6,06% (bình quân giảm 1,71%/năm). Trong đó, khu vực đồng bằng còn 8.201 hộ nghèo (tỷ lệ 2,42%, bình quân giảm 0,93%/năm); khu vực miền núi còn 17.449 hộ nghèo (tỷ lệ 20,85%, bình quân giảm 5%/năm).
Sáu huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg còn 14.289 hộ nghèo (tỷ lệ 32,37%, bình quân giảm 5,67%/năm); các xã nghèo đặc biệt khó khăn còn 15.225 hộ nghèo (tỷ lệ 23,68%, bình quân giảm 5,51%/năm); hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 14.096/34.276 hộ (tỷ lệ 41,12%, giảm 27,35%, bình quân giảm 6,84%/năm). Toàn tỉnh còn 10.922 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,58%, giảm 3,62%).
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh giảm 21 thôn nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; giảm 18 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020; giảm 11 xã nghèo đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển và hải đảo, trong đó có 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến nay, 100% xã, thị trấn của 6 huyện nghèo có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; 100% xã có trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh ban đầu và trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn các huyện nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh hơn 80%. Về tỷ lệ xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.