Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được TP.Tam Kỳ chú trọng thực hiện trong những năm qua.
Do không đủ điều kiện về sức khỏe, năm 2023, chị Nguyễn Thị Nhạn (25 tuổi, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) quyết định trở về quê sau hơn 6 năm làm công nhân may tại TP.Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tìm kiếm việc làm phù hợp, chị Nhạn đã đăng ký theo học lớp học nghề pha chế đồ uống do Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ phối hợp với Trường dạy nghề Làng Hoa Sen Hàn Quốc tổ chức.
Sau 3 tháng học tập các kỹ năng về pha chế và được cấp chứng chỉ đào tạo, chị Nhạn quyết định mở quán kinh doanh cà phê, nước giải khát tại nhà.
Chị chia sẻ: “Khi biết được thông tin địa phương có lớp dạy nghề miễn phí tôi đã đăng ký học và quyết định kinh doanh đồ uống tại nhà. Với kiến thức được học cùng với tham khảo trên mạng về kỹ thuật pha chế đồ uống nên số lượng khách hàng ngày tăng. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi thêm ổn định”.
Xác định công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, TP.Tam Kỳ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp, nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Hàng năm, UBND thành phố tổ chức rà soát về số lượng lao động, tìm hiểu nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với tình hình phát triển của địa phương.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, UBND thành phố đã mở 23 lớp đào tạo nghề trình độ dưới 3 tháng cho 692 lao động với kinh phí 962,5 triệu đồng; phối hợp tổ chức hơn 20 phiên giao dịch việc làm; truyền thông giáo dục nghề nghiệp cho gần 5.000 học sinh của 10 trường THCS trên địa bàn.
Ông Trương Ngọc Hải - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ cho biết: “Trong giai đoạn tới thành phố tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đào tạo nghề gắn với giảm nghèo trên địa bàn.
Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền, lồng ghép nguồn lực để hỗ trợ người dân học nghề, vay vốn đầu tư sau học nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo những ngành nghề mới như du lịch cộng đồng, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái, cây công nghiệp lâu năm...”.