Văn hóa

Thăng Bình phát huy các giá trị di tích

VIỆT NGUYỄN 17/09/2024 08:30

Huyện Thăng Bình chú trọng quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn.

pv3.jpg
Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình chụp ảnh tại di tích cấp quốc gia "Cuộc đấu tranh Hà lam - Chợ Được". Ảnh: Q.VIỆT

Dấu ấn các di tích

Huyện Thăng Bình có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di tích cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (rước cộ Bà Chợ Được và hát múa bả trạo), 38 di tích cấp tỉnh và một số di tích văn hóa, lịch sử khác đang được ngành văn hóa hoàn thiện hồ sơ đề nghị các ngành chức năng công nhận.

Từ ngã tư Hà Lam đi về hướng đông theo tỉnh lộ (ĐT) 613 chừng 5km sẽ đến Di tích cấp quốc gia cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Triều).

Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được được UBND huyện Thăng Bình xây dựng trên khuôn viên diện tích 8.988m2, có tường rào cổng ngõ bao quanh khá kiên cố, ghi dấu tinh thần của nhân dân Hà Lam - Chợ Được trong cuộc đấu tranh ngày 4/9/1954.

Giá trị lịch sử của di tích cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là một nét son trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng toàn miền Nam nước ta bấy giờ.

Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được thể hiện rõ tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung; sẵn sàng ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng đất nước, vì lý tưởng cách mạng.

pv.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đi thực tế tìm hiểu về bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt "Phật viện Đồng Dương". Ảnh: Q.VIỆT

Nghĩa trủng làng Tiên Châu (xã Bình Sa) là di tích lịch sử cấp tỉnh gồm nhà thờ Tiền hiền, mộ Tiền hiền và sở nghĩa trủng tự - các thiết chế thờ tự linh thiêng che chở cho đời sống tinh thần của người dân.

Nghĩa trủng tự làng Tiên Châu được lưu giữ hơn 100 năm qua là công trình thể hiện đời sống tâm linh, tư tưởng vì đạo nghĩa của dân làng Tiên Châu; đồng thời là khát vọng, niềm tin về cuộc sống bình yên, no ấm, hạnh phúc. Thiết chế thờ cúng ở Nghĩa trủng tự làng Tiên Châu góp phần gìn giữ tập tục văn hóa tốt đẹp của người dân địa phương cho đến nay.

Phát huy giá trị

Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình cho biết, địa phương chú trọng trùng tu, tôn tạo các di tích bằng nguồn kinh phí của tỉnh và nguồn đối ứng của huyện.

pv2.jpg
Lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích gồm rước cộ Bà Chợ Được. Ảnh: Q.VIỆT

Năm 2021 trùng tu Di tích lịch sử cấp tỉnh đình Trà Sơn (xã Bình Trung) với tổng kinh phí là 600 triệu đồng. Năm 2022 trùng tu di tích Nhà thờ tộc Nguyễn Văn làng Tuân Mỹ, xã Bình Tú với kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng; trùng tu di tích lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Quý Công (xã Bình Tú) với kinh phí 1,4 tỷ đồng.

Năm 2023 từ nguồn kinh phí của huyện đã trùng tu Di tích quốc gia cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được với kinh phí 100 triệu đồng; trùng tu di tích mộ chí sĩ Tiểu La - Nguyễn Thành (xã Bình Quý) gần 100 triệu đồng.

Năm 2024 huyện đang lập các thủ tục để tiến hành xây dựng bia ghi dấu sự kiện di tích địa điểm thành lập Chi bộ Tây Giang (xã Bình Sa).

Di tích ở Thăng Bình cũng được trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa, tiêu biểu như di tích lăng bà Phô Thị (xã Bình Tú). Qua trùng tu tôn tạo, khắc phục sự xuống cấp của các di tích, phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử.

Thời gian qua, huyện Thăng Bình liên tục tổ chức lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di tích gồm rước cộ Bà Chợ Được (xã Bình Triều) và cầu ngư hát múa bả trạo (các xã ven biển) kèm theo nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Qua đó thu hút đông đảo du khách tham quan, quảng bá hình ảnh đất và người Thăng Bình, thúc đẩy phát triển du lịch. Đối với Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc), dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3490 ngày 21/12/2022, tổng mức đầu tư hơn 5,1 tỷ đồng (ngân sách tỉnh) với quy mô thăm dò, khai quật khảo cổ cho phạm vi 7,3ha; dọn dẹp mặt bằng, phát lộ di tích tại khu vực Tháp Sáng và phụ cận.

Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2024 - 2025. Dự án được đưa vào danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, tuy nhiên đang chờ vốn để triển khai.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: “Huyện đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành quan tâm bổ sung mục tiêu dự án đo đạc, giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ đất đai cho Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Mong UBND tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử cấp tỉnh trên địa bàn Thăng Bình đã xuống cấp”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình phát huy các giá trị di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO