Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc, biết bao người con Thăng Bình đã ngã xuống vì độc lập, thống nhất đất nước. Huyện Thăng Bình phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Về “địa chỉ đỏ”
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thăng Bình vừa qua, Huyện đoàn Thăng Bình đã tổ chức cuộc “về nguồn” tại Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình (xã Bình Phú).
Anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ - Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình cho biết, Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đóng tại thôn Linh Cang từ năm 1964 đến năm 1975, là nơi làm việc của các cơ quan, đơn vị huyện, tỉnh, Quân khu 5.
Tháng 12/1962, ở Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VI. Tại đây, Huyện ủy Thăng Bình đã đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng để kịp thời lãnh đạo các tổ chức đảng, quân và dân toàn huyện giành những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ.
“Đây là hành trình ý nghĩa để cán bộ, đoàn viên hiểu sâu sắc hơn quá trình hình thành khu căn cứ và những năm tháng gian lao nhưng cán bộ Huyện ủy Thăng Bình đã vượt qua để lãnh đạo phong trào đấu tranh chống giặc, góp phần vào thắng lợi chung, thống nhất đất nước” - anh Vũ nói.
Những ngày qua, nhiều đoàn công tác của huyện Thăng Bình đã đến viếng hương tại Đài tưởng niệm cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Triều), thành kính tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ, những người con yêu quý của quê hương Thăng Bình đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Bí thư Đảng ủy xã Bình Triều cho biết, từ ngày 4 - 7/9/1954 đã diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Đây là sự kiện thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất, yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân huyện Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ lan tỏa truyền thống cách mạng của quê hương Thăng Bình.
Trên địa bàn huyện Thăng Bình còn rất nhiều địa chỉ đỏ như: mộ cụ Tiểu La - Nguyễn Thành, nhà thờ tộc Ngô - Kế Xuyên, đình làng Hiền Lương, địa đạo Bình Túy - xã Bình Giang, Di tích lịch sử Căn cứ lõm Bàu Bính…
Thường xuyên hành trình về địa chỉ đỏ là dịp để các cán bộ, đảng viên, nhân dân huyện Thăng Bình ghi nhớ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; phát huy, lan tỏa đạo lý tốt đẹp đó để nỗ lực học tập, rèn luyện, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ghi ơn người có công
Huyện Thăng Bình có hơn 10.000 liệt sĩ, hơn 1.600 thương binh, bệnh binh, hơn 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hầu hết các xã, các thôn của huyện đều bị bom đạn tàn phá nặng nề. Lịch sử khắc ghi tinh thần chiến đấu quật cường, sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện Thăng Bình.
Ở huyện Thăng Bình còn nhiều gia đình có liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết rõ họ tên. Đến nay, huyện Thăng Bình đã xây dựng 19 nghĩa trang liệt sĩ khang trang ở các xã. Huyện đã xây dựng đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện.
Ông Nguyễn Văn Lượm - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công.
Toàn huyện có gần 25.000 người có công, trong đó hiện nay có khoảng 5.000 người có công và thân nhân của người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng kinh phí trợ cấp hằng năm gần 100 tỷ đồng.
Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Thăng Bình luôn quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách chăm sóc sức khỏe; các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Các xã, thị trấn đã trao hơn 1.000 sổ tiết kiệm tặng các gia đình người có công với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Vào dịp lễ, tết, ngoài các phần quà của Chủ tịch nước và quà trợ cấp thăm hỏi của tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ cho biết: “Tuổi trẻ Thăng Bình luôn nhận thức được công lao to lớn của cha ông cho nền độc lập. Vì vậy, thế hệ trẻ toàn huyện không chỉ có trách nhiệm phải gìn giữ, phát huy, tiếp nối truyền thống vinh quang đó mà còn phải cống hiến sức trẻ, trí tuệ trong xây dựng quê hương ngày càng phát triển” - anh Vũ nói.