Năm nào bà Geyskens Christiane Marie C (81 tuổi, quốc tịch Bỉ) cũng đến Hội An. Đã tròn 10 năm, bà như người thân luôn sẵn sàng giúp đỡ và xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam. Lần này đến Hội An, bà cho biết, vẫn ước muốn dành những tháng ngày còn lại để đứng bên cạnh họ...
• Xin chào, rất vui khi được gặp bà. Cảm xúc của bà như thế nào khi đến Hội An lần này?
Bà Geyskens Christiane Marie C: Ồ, thành phố của các bạn thật tuyệt! Rất yên bình.
Lần này đến Hội An, tôi có chút lo lắng. Thông qua báo chí, tôi biết được Việt Nam đang có sự thay đổi rất lớn về tổ chức bộ máy nhà nước. Hoạt động quyên góp cho nạn nhân chất độc da cam của tôi diễn ra hằng năm. Năm nay, tôi đã gửi thư mời cho nhiều đại biểu và dự kiến ngày 22/6/2025 sẽ tổ chức hoạt động quyên góp. Trong thư mời nêu rất rõ, nhân kỷ niệm 35 năm Việt Nam quan hệ hợp tác với các nước châu Âu, trong sự kiện này có nhiều phái đoàn, có cả phái đoàn Việt Nam.
Tôi muốn hoạt động quyên góp vẫn tiếp tục, với bên nhận được sự hỗ trợ là Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An, nhưng nếu có sự thay đổi về tên gọi thì nguồn tiền sắp tới vận động được ai sẽ là người nhận? Tôi sẽ phải trả lời câu hỏi này với người quyên góp. Lâu nay, mỗi năm trước khi nhận tiền, bà Hóa (bà Võ Thị Hóa - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An - PV) đều lên bảng thống kê chi tiết về những hộ được nhận tiền. Sắp tới có thể sẽ rất khó cho chúng tôi trong hoạt động này.
Trong một lần cùng bà Geyskens Christiane Marie C đến thăm nạn nhân da cam ở thôn Hội Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), chúng tôi chứng kiến sự xúc động của bà trước nỗi đau mà các nạn nhân đang gánh chịu. Bà tiến lại gần một cậu bé đang nằm vật vờ trên giường, chìa bàn tay ra với ánh mắt trìu mến, như muốn đỡ lấy cậu bé và san sẻ nỗi đau... Bà quay sang nói với tôi: “Bây giờ thì có lẽ bạn đã hiểu vì sao tôi tổ chức hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.
• Bà không nên quá lo lắng, tôi nghĩ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An sẽ có cách giải quyết việc này. Hoạt động quyên góp của bà lâu nay có thuận lợi không, nó diễn ra như thế nào?
Bà Geyskens Christiane Marie C: Để tổ chức một đợt quyên góp thì tự bản thân tôi phải làm việc rất nhiều, từ kêu gọi, gửi thư mời, rồi tổ chức các hoạt động để huy động nguồn tiền.
Tôi có một tổ chức hoạt động vì cộng đồng gồm những bạn bè và người thân quen, họ rất nhiệt tình. Hoạt động của chúng tôi có sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ. Chúng tôi cùng tham gia tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có giải goft thường niên để quyên góp. Năm 2024, chúng tôi và Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức giải goft vào ngày 23/6/2024, vận động được 8.000 euro ủng hộ nạn nhân da cam Hội An.
Những người đóng góp rất tin tưởng chúng tôi, tôi cũng rất tin tưởng bà Hóa. Mỗi năm tôi phải qua Hội An đi thực tế một lần để động viên, chia sẻ với các nạn nhân, và xem thử nguồn hỗ trợ có hiệu quả hay không.
• Cơ duyên nào để bà tổ chức các hoat động vì nạn nhân chất độc da cam?
Bà Geyskens Christiane Marie C: Cách đây 12 năm tại Bỉ không ai biết đến nạn nhân chất độc da cam. Lúc đó tôi và ông Phạm Sanh Châu (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ) có tham gia chung nhiều hoạt động. Tôi đã quyên góp được một khoản tiền 2.700 euro và nói chuyện với ông Châu thì được gợi ý nên hỗ trợ Việt Nam. Ngày 7/3/2015, lúc đó tôi đang ở ngoài Bắc, ông Châu kêu tôi vô Hội An gặp bà Hóa. Chúng tôi cùng ăn tối tại Hội An và chia sẻ về việc này, hoạt động hỗ trợ bắt đầu từ đó.
• Lúc đó bà đã hình dung về nỗi đau da cam?
Bà Geyskens Christiane Marie C: Có thể, ít nhất là tôi đã hình dung được mục đích hỗ trợ của mình. Hôm sau, bà Hóa đưa chúng tôi đi thăm những nạn nhân chất độc da cam ở Trà Quế, thật sốc! Nhiều nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba còn phải chịu nhiều di chứng. Có người cơ thể bị dị dạng dị tật, phải cần đến sự chăm sóc của người thân nhưng gia đình họ đang có hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Sau này, tôi nhiều lần qua Hội An, được tiếp xúc với nhiều nạn nhân hơn, mới thấu hiểu nỗi đau của họ. Rất nhiều nạn nhân thế hệ thứ hai cần sự hỗ trợ nhiều hơn, bởi họ hầu hết tuổi đời còn trẻ, có người mang rất nhiều căn bệnh nhưng hằng ngày phải xoay xở mưu sinh.
Chúng tôi mong muốn nguồn hỗ trợ của mình dành cho những đối tượng này - thế hệ thứ hai, thứ ba bị phơi nhiễm chất độc hóa học da cam. Với họ, hành trình vượt qua nỗi đau da cam không dễ dàng chút nào.
• Và hành trình của bà với nạn nhân da cam Hội An đã được 10 năm, cũng khá dài, bà vẫn muốn tiếp tục chứ?
Bà Geyskens Christiane Marie C: Tôi rất mong hoạt động thiện nguyện này sẽ được tiếp tục, tôi vẫn muốn đứng bên cạnh họ. Và tôi vẫn muốn làm điều này vì danh dự của tổ chức mà tôi tham gia lâu nay; và đó cũng là mong muốn của Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ, họ tham gia rất sâu vào hoạt động này.
Thời gian tới (dự kiến cuối tháng 4/2025), vua của Vương quốc Bỉ sẽ đi thăm các tổ chức hoạt động vì cộng đồng. Đây là dịp rất tốt để tôi có thể chia sẻ về hoạt động của mình, chia sẻ về việc nguồn hỗ trợ sẽ được sử dụng như thế nào.
Năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bỉ, Hạ viện Bỉ đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, đây là chính sách mang tầm quốc gia. Chúng tôi muốn nỗ lực đóng góp để nhiều nạn nhân chất độc da cam nhận được sự hỗ trợ lâu dài.
• Thông qua hoạt động hỗ trợ này, những cộng sự của bà đã nhận thức như thế nào về công lý cho các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin?
Bà Geyskens Christiane Marie C: Việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ gần như chỉ một mình tôi lo liệu, và nỗ lực cộng tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ. Tôi tự sắp xếp các hoạt động, bạn bè và cộng sự của tôi tham gia quyên góp thôi. Đó đơn giản là hoạt động vì cộng đồng, chúng tôi không muốn chính trị hóa hoạt động này.
• Cảm ơn bà rất nhiều!
Chi nhánh Hội Nạn nhân chất độc da cam quốc tế Hội An - Việt Nam tại Bỉ thành lập 10 năm nay. Bà Geyskens Christiane Marie C là người đại diện và là tình nguyện viên nhiệt tình tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Tính đến nay, chi nhánh này đã vận động được hơn 71,9 nghìn euro (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng). Nguồn kinh phí này được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An triển khai các mô hình trỗ hợ cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn Hội An và xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên). Riêng năm 2024, Chi nhánh Hội Nạn nhân chất độc da cam quốc tế Hội An - Việt Nam tại Bỉ đã vận động được 10.249 euro (tương đương hơn 271,8 triệu đồng).
Từ nguồn vận động này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Hội An đã khảo sát và lập dự án hỗ trợ 6 gia đình nạn nhân chất độc da cam làm kinh tế giỏi (các mô hình nuôi gà, mở quán nước, quán ăn nhỏ, trồng cây quật cảnh), với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ và khảo sát, đề xuất hỗ trợ sửa chữa 3 ngôi nhà, mỗi nhà 50 triệu đồng.