(QNO) - Xong vòng 1/8, người xem thấy Tây Ban Nha tấn công hiệu quả (ghi 9 bàn, lọt lưới 1 bàn), nhưng chính sự chắc chắn trong khâu phòng ngự của Tây Ban Nha mới là điều gây ấn tượng mạnh nhất cho đến nay. Đức bất bại và ghi nhiều bàn thắng nhất (10 bàn) kể từ đầu vòng chung kết. Đức thể hiện phong độ rất đáng ghi nhận, không kém bao nhiêu so với Tây Ban Nha. Nhưng qua trận gặp Thụy Sĩ (1-1) và Đan Mạch (2-0), người xem vẫn thấy tuyển Đức vận hành không mấy trơn tru.
Yếu tố may mắn lên tiếng
Cuộc đối đầu giữa hai đội Tây Ban Nha – Đức (5/7), được xem là trận “chung kết sớm”. Và đội nào rời cuộc chơi cũng là điều đáng tiếc.
Vào trận, tuyển Tây Ban Nha tràn lên tấn công và có cú sút cầu môn ở giây 55. Hai đội chơi với tốc độ cao, nên va chạm liên tục, chỉ qua 5 phút, đã có 2 cầu thủ Tây Ban Nha nằm sân và tiền vệ Pedri phải rời sân. Tuyển Đức chơi với thế trận chặt chẽ và cũng buộc thủ môn đối phương làm việc, chứ không bị động để đối phương áp đặt lối chơi.
Hiệp 2 cũng tương tự hiệp 1, Đức đá rắn và giữ tốt cự ly đội hình, nhưng tuyển Tây Ban Nha sút cầu môn nhiều hơn với lối chơi đa dạng hơn. Phút 52, Dani Olmo nhận đường chuyền nhanh của Lamine Yamal, dứt điểm mở tỷ số cho Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha rút trung phong nhằm giữ tỉ số. Đức rút trung vệ, tăng cường tấn công. Và niềm vui vỡ òa với người Đức khi Florian Wirtz dứt điểm trúng cột dọc bay vào lưới Tây Ban Nha ở phút 89, đưa 2 đội vào hiệp phụ. 30 phút của 2 hiệp phụ, đội Đức làm cho người xem có cảm giác ghi bàn bất cứ lúc nào, nhưng may mắn không đứng về tuyển Đức. Phút 119, Tây Ban Nha lại vượt lên bằng quả đánh đầu của tiền vệ Mikel Merino. Tỉ số 2-1 thuộc về Tây Ban Nha và tuyển Đức giã từ cuộc chơi trong nước mắt.
Pháp lọt vào vòng tứ kết đã tạo nên những điều bất ngờ: Đương kim Á quân World Cup, đầy các ngôi sao lại xếp sau Áo ở vòng bảng, thắng may mắn trước Bỉ (1-0) ở vòng 1/8. Qua 4 trận, Pháp chỉ mới ghi 3 bàn, gồm 1 bàn từ pha đá phạt đền và 2 bàn… nhờ đối phương “ghi giúp”, chưa có bàn thắng nào từ bóng sống. Gặp Bồ Đào Nha, người xem vẫn đặt niềm tin ở Pháp, vì lớp trẻ Bồ Đào Nha chưa kịp trưởng thành. Hàng thủ của tuyển Pháp cũng chỉ mới để lọt lưới 1 bàn.
Hai ngôi sao được kỳ vọng nhất ở trận đấu này là Cristiano Ronaldo và Kylian Mbappe không tạo được dấu ấn nào đáng kể. Qua 120 phút, hai đội không bên nào ghi được bàn thắng, đành phải vào cuộc chơi may rủi.
“Người hùng” Diogo Costa (Bồ Đào Nha) cản phá những 3 quả phạt từ chấm 11m ở trận 1/8 với Bỉ, thì nay chấp nhận nhìn 5 quả bóng từ chân các cầu thủ Pháp (Dembele, Fofana, Kounde, Barcola, Theo Hernandez) lần lượt bay vào lưới. Thủ thành của tuyển Pháp Mike Maignan cũng không hay chi, nhưng cột dọc “đỡ” được quả sút từ chân Joao Felix. Bồ Đào Nha ngậm ngùi rời nước Đức. Vận may đưa Pháp vào tranh bán kết với Tây Ban Nha.
Cả hai cùng lội ngược dòng
Tuyển Thụy Sĩ đến Đức mùa hè này, không mấy ai nghĩ được vào đến vòng tứ kết. Tập thể không có nhiều ngôi sao của HLV Murat Yakin đã thi đấu cực kỳ ấn tượng trước Hungary (3-1) và Đức (1-1) ở vòng bảng, nhất là đánh bại đương kim vô địch Ý (2-0) tại vòng 1/8. Nếu tuyển Anh chơi như 4 trận vừa qua, người xem tin Thụy Sĩ sẽ làm nên kỳ tích, nhưng chuyện nhãn tiền Pháp ì ạch vẫn vào vòng bán kết, nên không ai nói chắc được điều gì.
Vào trận, hai đội lên xuống thoải mái, không hề thăm dò, nhưng tuyển Thụy Sĩ có phần linh hoạt, nhịp nhàng trong lối chơi so với tuyển Anh. Từ phút 20, tuyển Anh kiểm soát bóng nhỉnh hơn, tốt hơn nhiều so với 4 trận đấu trước, song vẫn bế tắt, chưa tạo ra những pha uy hiếp trước khung thành đối phương. Hiệp 2, tuyển Thụy Sĩ cũng không có chút tâm lý e ngại nào trước đội mạnh hơn mình (từ năm 1988 đến nay, tuyển Anh giữ thành tích bất bại trước Thụy Sĩ với 10 thắng, 3 hòa). Phút 75, từ đường căng ngang của đồng đội Ndoye, tiền đạo Embolo ngã người vẫy mũi chân ở cự ly gần, mở tỷ số cho Thụy Sĩ.
HLV tuyển Anh Gareth Southgate thay liền 3 cầu thủ. Phút 80, tiền vệ cánh trái Bukayo Saka tỏa sáng bằng pha cứa lòng ở khoảng cách khá xa, gỡ hòa cho tuyển Anh. Tỷ số hòa 1-1, hai đội bước vào hiệp phụ. Phút 117, xà ngang đã níu chân tuyển Anh lại với loạt sút luân lưu may rủi. Và cũng giống như tuyển Pháp, vận may mỉm cười với tuyển Anh.
Tiễn “ngựa ô” Áo về nước, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “hiện tượng” duy nhất vào đến tứ kết Euro 2024. Nhưng gặp Hà Lan ở tứ kết, người hâm mộ không mấy tin đoàn quân của HLV Vincenzo Montella “viết tiếp lịch sử”, dù Hà Lan bị Áo đánh bại (2-3) ở vòng bảng.
Hà Lan tấn công từ phút đầu, nhưng may mắn đến với Thổ Nhĩ Kỳ ở phút 35. Từ pha phối hợp phạt góc, tiền đạo Arda Guler tạt vào và hậu vệ Akaydin đánh đầu ở cự ly gần làm tung lưới Hà Lan. Tỷ số 1-0 cho Thổ Nhĩ Kỳ được giữ hết hiệp 1. Vào hiệp 2, Hà Lan triển khai tấn công mạnh mẽ, bởi để thua thì phải giã từ cuộc chơi.
Ép sân liên tục, nhưng mãi tới phút 70, Hà Lan mới có bàn gỡ, nhờ cú đánh đầu của hậu vệ De Vrij đưa bóng vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ sau đường tạt bóng của tiền đạo Depay. Phấn khích trước bàn gỡ hòa và đẳng cấp vượt trội, phút 76, hậu vệ Dumfries căng ngang và tiền đạo Gakpo dũng mãnh ập vào làm cho hậu vệ Thổ Nhĩ Kỳ Mert Muldur lúng túng tự đốt lưới nhà, giúp Hà Lan vượt lên 2-1. Tỷ số này được giữ đến cuối trận, dù các cầu thủ Thỗ Nhĩ Kỳ rất nỗ lực nhưng không thể thay đổi tình thế trên sân. Hà Lan vào bán kết gặp tuyển Anh với hy vọng đi xa hơn.
Những “cột mốc đáng nhớ” vòng Tứ kết Euro 2024:
- Cầu thủ đầu tiên đón tin vui: Chuẩn bị bước vào vòng tứ kết, tiền vệ tấn công Bồ Đào Nha Joao Palhinha (28 tuổi, đang chơi bóng tại CLB Fulham – Anh), được CLB Bayern Munich săn đón. Bayern Munich đã đạt được thỏa thuận với Fulham đưa J. Palhinha về thi đấu tại Bundesliga sau Euro 2024 kết thúc với giá hơn 47 triệu bảng. Được biết, J. Palhinha gia nhập Fulham từ Sporting Lisbon vào năm 2022 với mức phí khoảng 17 triệu bảng.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Fulham đạt đến mức giá kỷ lục trong việc chuyển nhượng cầu thủ. Bayern Munich sẽ trả trước số tiền 43,2 triệu bảng, cộng thêm 4,2 triệu bảng phụ phí được chi trả theo thời gian đã thỏa thuận.
- Cầu thủ đầu tiên bị UEFA treo giò 2 trận: Trận cuối cùng vòng 1/8 giữa Áo và Thổ Nhĩ Kỳ (sáng 2/7), hậu vệ Thổ Nhĩ Kỳ Merih Demiral có động tác ăn mừng bàn thắng theo biểu tượng của nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan Grey Wolves.
Ngày 3/7, UEFA tiến hành điều tra động tác ăn mừng của M. Demiral được xem là “hành vi không phù hợp” trong một trận đấu bóng đá. Và M. Demiral bị UEFA cấm thi đấu 2 trận, đồng nghĩa với việc anh không có mặt trong đội hình Thổ Nhĩ Kỳ trong trận tứ kết.
- Đội đầu tiên được thưởng tiền nhiều nhất: Theo công bố của UEFA, đội Tây Ban Nha thắng 4 trận liên tục, lọt vào vòng tứ kết, được thưởng nhiều nhất: 16,25 triệu euro. Với số tiền thưởng này, mỗi cầu thủ được thưởng ít nhất 255.000 euro. Nếu vào sâu hơn, họ được thưởng nhiều hơn.
- Cầu thủ đầu tiên phải rời sân: Phút 8, sau khi bị chấn thương vì va chạm với Toni Kroos (Đức), tiền vệ Pedri (Tây Ban Nha) phải rời sân, không thể tiếp tục thi đấu.
- Cầu thủ đầu tiên ghi bàn ở vòng tứ kết: Tiền đạo Dani Olmo dứt điểm mở tỷ số cho Tây Ban Nha ở phút 52.
- Cầu thủ đầu tiên bị UEFA treo giò, nhưng vẫn được đá: UEFA đã chính thức đưa ra án phạt dành cho tiền vệ người Anh Bellingham: Nộp phạt 30.000 euro (khoảng 842 triệu đồng) và bị treo giò 1 trận, vì đã “vi phạm các quy tắc cơ bản về ứng xử đúng đắn”.
Trong trận tứ kết Anh – Slovakia, phút 90+5, Bellingham mang về bàn gỡ hòa đẹp mắt, mở đầu cho màn lội ngược dòng của tuyển Anh. Sau bàn thắng, Bellingham có cử chỉ ăn mừng phản cảm. Án treo giò sẽ được thi hành ở một trận bất kỳ thuộc hệ thống của UEFA trong 12 tháng tới, nên Bellingham vẫn trụ lại với Euro 2024, nếu tuyển Anh tiếp tục vào sâu.
- Trận đầu tiên có… mưa thẻ vàng: Trận tứ kết giữa Đức và Tây Ban Nha đã bị trọng tài rút những 14 thẻ vàng (Đức: 8, Tây Ban Nha: 6).
- Cầu thủ đầu tiên nhận thẻ đỏ: Hậu vệ Carvajal (Tây Ban Nha) bị phạt thẻ đỏ (2 thẻ vàng), khi buộc phải kéo ngã Musiala (Đức) ở phút 120+5 để bảo toàn chiến thắng.
- Cầu thủ đầu tiên được vinh danh “Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu”: Đóng góp một bàn thắng và một kiến tạo thành bàn, giúp Tây Ban Nha vượt qua chủ nhà Đức, tiền đạo Dani Olmo được bình chọn danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu”.
- Cầu thủ đầu tiên đốt lưới nhà: Hậu vệ Mert Muldur (Thổ Nhĩ Kỳ) lúng túng trước sức ép của tuyển Hà Lan, đã đốt lưới nhà ở phút 76, kéo đồng đội về nước.
- Cầu thủ sáng giá nhất trong cuộc đua “Vua phá lưới”: Tiền đạo Hà Lan Gakpo cùng có 3 bàn thắng như các cầu thủ: Jamal Musiala (Đức), Ivan Schranz (Slovakia) và Georges Mikautadze (Georgia), nhưng anh cùng tuyển Hà Lan được vào vòng bán kết, còn các cầu thủ có cùng số bàn thắng với anh đã rời cuộc chơi.
- Thủ thành đầu tiên 5 lần vào lưới nhặt bóng: Thủ thành Diogo Costa (Bồ Đào Nha) vào lưới nhặt bóng đúng 5 lần qua 5 quả đá phạt luân lưu 11m với tuyển Pháp (6/7).
- Lần đầu tiên VAR không can thiệp: Trận tứ kết, tuyển Đức gỡ hòa 1-1 ở phút 89, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Phút 107, Musiala (Đức) tung cú sút rất căng, bóng đập vào tay của hậu vệ Marc Cucurella (Tây Ban Nha) trong vòng cấm, nhưng trọng tài người Anh Anthony Taylor đã không cho tuyển Đức được hưởng phạt đền. VAR cũng không can thiệp, làm bức xúc nhiều người dẫn đến cổ động viên 2 đội xô xát sau trận đấu.