Văn hóa

Từ “mặt trời trong bóng tối”

Nguyễn Minh Đức 02/05/2025 12:00

(VHQN) - “Có những giai điệu không chỉ là câu chuyện thanh âm, tiết tấu mà là mạch nguồn cảm xúc từ trái tim – như một nén tâm nhang gửi đến tiền nhân” - nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đã nói như vậy về “Mặt trời trong bóng tối” – ca khúc chủ đề phim Địa đạo - một bản tráng ca đặc biệt dành tặng Tổ quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước.

hinh-anh-trong-phim.-anh-do-doan-lam-phim-cung-cap.jpg
Một cảnh trong phim “Địa đạo”. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp.

Khi nhạc sĩ trẻ kể chuyện lịch sử bằng âm nhạc

Nhân duyên nào để Hứa Kim Tuyền - một nhạc sĩ 9X vốn nổi tiếng với những bản hit tình ca, người gốc Hoa, sinh ra và lớn lên giữa lòng đô thị TP.Hồ Chí Minh - lại được chọn để viết ca khúc chủ đề cho một bộ phim cách mạng?

Với những ai đã quen với âm nhạc mang màu sắc pop đương đại hoặc từng nghêu ngao những giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết của “Nếu một mai tôi bay lên trời”, “Một ngày tôi quên hết”, “Hai mươi hai”... thì việc Tuyền viết nhạc phim “Địa đạo” nghe qua tưởng như một lần đổi gió quá táo bạo. Chính Tuyền cũng từng... khó hiểu như thế.

“Khi ekip mời, tôi hỏi lại: Tại sao không chọn một bản phối lại từ nhạc cách mạng có sẵn - đã đủ hào hùng, đủ thân thuộc?” - Tuyền kể. Câu trả lời nhận được lại khiến Tuyền bất ngờ: “Vì chúng tôi cần một người trẻ, để kể chuyện lịch sử bằng góc nhìn của thế hệ trẻ” - Tuyền kể.

Thế là “Mặt trời trong bóng tối” ra đời sau 13 ngày lao động miệt mài. Vừa dịu dàng như một lời ru, vừa bi tráng như tiếng lòng thổn thức vọng về từ lòng địa đạo Củ Chi. Sáng tác nhạc phim “Địa đạo”, Tuyền không có ý định “phải làm một cuộc cách mạng trong âm nhạc” nào cả. Mọi yếu tố âm nhạc trong “Mặt trời trong bóng tối” đến một cách tự nhiên, từ mạch ngầm cảm xúc của một người nghệ sĩ và trực giác của một công dân Việt Nam được sinh ra trong hòa bình.

chan-dung-hkt.jpg
Hứa Kim Tuyền. ảnh: NVCC

Sự hòa quyện trong âm nhạc

Bài hát mở đầu bằng giọng hát sâu lắng, trầm mặc của NSƯT Cao Minh - như một người lính kỳ cựu nén lại nỗi đau. Giữa đoạn là sự tiếp nối của Lamoon (Nguyễn Lê Diễm Hằng) - một nghệ sĩ trẻ, người Tam Kỳ, cất giọng của sắc màu dân ca Nam bộ. Cuối cùng là phần hợp xướng, hòa lên như tiếng lòng của cả một thế hệ thanh niên không tên, không tuổi, nhưng đã viết nên những trang sử bất diệt giữa lòng đất.

“Không có gì gọi là dụng ý nghệ thuật hay chiến lược ở đây cả. Tôi chỉ làm sao để người nghe thấy... thuận tai, dễ chạm tới và đọng lại trong lòng người nghe” - Tuyền nói.

Cái duyên của Tuyền - người trẻ làm nhạc hiện đại - là ở chỗ đó. Không cố ép mình để tạo nên những bản hùng ca nghiêm trang, không nhồi nhét biểu tượng, nhưng bằng một cách nào đó, lại có thể khiến người nghe rơi nước mắt vì xúc động.

“Tôi sinh năm 1995, thực ra, vẫn có những khoảng cách giữa thế hệ của tôi và lịch sử hào hùng của dân tộc. Tôi không trực tiếp sống những ngày tháng đó, nhưng có thể hiểu và cảm nhận nó theo cách của mình - bằng cách tự tìm hiểu, bằng lòng biết ơn và sự trân trọng. Âm nhạc của tôi, không tìm cách để tái hiện lịch sử, mà như một chiếc cầu nối giữa thế hệ hôm nay với quá khứ của cha ông… ” - Tuyền thành thật.

Có lẽ cũng nhờ sự “không thuộc về” trọn vẹn ấy, Tuyền có cái nhìn độc lập, tươi mới. Anh không ràng buộc mình trong những motif cũ. Không lặp lại những cách kể quen thuộc. Nhưng vẫn đủ sâu, đủ thật, đủ lay động.

Một khán giả tên Ruby Lâm bình luận trên YouTube: “Giây phút chúng ta ra khỏi rạp, trên nền nhạc vang lên. Ngẩng đầu nhìn bầu trời bình yên sau 50 năm thống nhất. Đây mới là cái kết thực sự. Chúng ta đang sống và tiếp nối phần đẹp nhất mà họ còn dang dở”.

“khúc nhạc còn vang tay súng còn mang…”

Khi hỏi Tuyền rằng trong quá trình nghiên cứu sáng tác, có câu chuyện lịch sử nào khiến anh day dứt hay ám ảnh mãi, anh lắc đầu: “Tôi đọc về lịch sử từ lâu rồi, nên tâm lý cũng khá vững. Nhưng cảm động thì rất nhiều”.

Một trong những cuộc trò chuyện đáng nhớ nhất là với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - người kể cho Tuyền nghe về những du kích Củ Chi năm xưa. Họ phần lớn là thanh niên tình nguyện, không kinh nghiệm chiến đấu. Vũ khí mạnh nhất họ có là sức trẻ và lòng yêu nước.

“Tôi nghĩ về họ, nghĩ đến việc có người hy sinh khi chỉ mới mười tám đôi mươi. Vậy là tôi viết bài hát như một nén tâm nhang cảm tạ”. Tên bài hát - “Mặt trời trong bóng tối” - đến với Tuyền cũng rất tự nhiên. Nó đến như ánh sáng lặng lẽ lóe lên trong suy tư của anh. Và anh chỉ đơn giản đón lấy.

“Mặt trời trong bóng tối” không chỉ là một bản nhạc phim. Nó là một khúc tưởng niệm. Là cách một người trẻ cúi đầu trước lịch sử và từ đó, viết tiếp - theo cách của mình.

Cũng như Quảng Nam - vùng đất từng đi trước về sau, từng chịu nhiều mất mát - nhưng vẫn luôn biết đứng dậy với giai điệu riêng của mình. Và biết đâu, một ngày không xa, duyên sáng tác một bản nhạc dành riêng cho Quảng Nam sẽ đến với những nhạc sĩ trẻ như Tuyền. Tự nhiên và sâu thẳm - như mặt trời giữa bóng tối.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ “mặt trời trong bóng tối”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO