(QNO) - Đều đặn từ 4 giờ 45 phút mỗi sáng đầu ngày, anh Trương Văn Hoàng (xã Bình Triều, Thăng Bình) có mặt tại UBND xã để bật máy, tiếp và phát sóng Đài Truyền thanh huyện, Đài PT-TH tỉnh rồi đài trung ương... Một nghề lặng thầm của người cán bộ truyền thanh ở cơ sở.
14 năm qua, anh Hoàng luôn gắn bó với máy tiếp phát sóng ngày mưa cũng như lúc nắng. Cứ gần 5 giờ sáng và 17 giờ chiều anh không quên nhiệm vụ bật máy phát để tiếp phát sóng phục vụ người dân địa phương.
Anh Hoàng làm việc ở xã đã 14 năm, trải qua rất nhiều nơi công tác như cán bộ Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã, rồi cán bộ văn hóa và gắn bó với Đài truyền thanh xã từ đó đến bây giờ. Khi mới thành lập đài cơ sở, anh vừa làm kiểm tra vừa phụ trách mảng truyền thanh, bước đầu gặp nhiều khó khăn. Khi đó, trang thiết bị còn khá khiêm tốn và chưa có kinh ngiệm trong nghề nhưng nhờ được học ngành điện nên anh tự mày mò, sáng tạo nâng cấp dần máy móc để đảm bảo việc tiếp phát sóng phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của bà con nhân dân.
Xã Bình Triều có diện tích rộng, dân số đông với 4 thôn và khoảng 13 nghìn người. Trước đây, đài chỉ phát thanh loanh quanh khu vực trung tâm xã thì hiện nay đã phủ sóng toàn bộ với việc "chạy" sóng song song giữa FM và IP với 34 cụm loa được kết nối không dây đặt tại 21 tổ tự quản.
Ngoài việc là một kỹ thuật, anh dần kiêm luôn “phóng viên” tập viết tin, bài để cộng tác với Đài huyện, với Cổng thông tin của huyện Thăng Bình.
Anh Hoàng chia sẻ. “Lúc đầu mình viết tin cộng tác, mấy anh biên tập viên Đài huyện sửa nhiều lắm nhưng nhờ đó mình rút ra được kinh nghiệm. Rồi mình xem truyền hình, nghe đài và tự học theo. Viết được tin thì bắt đầu tự tin viết bài, cứ thế tự nhiên thích cái nghề này. Ngoài ra, mình còn tham gia các lớp tập huấn viết tin, bài, cách cắt ghép âm, thu âm, rồi luyện giọng nữa để khi mình nói trên loa thì bà con dễ nghe, dễ tiếp nhận” - anh Hoàng nói.
Hằng ngày, Đài truyền thanh xã Bình Triều vẫn duy trì đều đặn lịch tiếp âm và phát sóng các chương trình thời sự từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh việc tuyên truyền các ngày lễ, các sự kiện của xã nhà thì anh còn sản xuất chương trình phát thanh địa phương (thời lượng 2 lần/tháng). Trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 những năm trước, ngoài tuyên truyền trên hệ thống đài xã, anh còn tự biên tập nội dung, thu âm rồi dùng xe máy chở loa đi tuyên truyền lưu động dọc các tuyến đường của thôn để người dân biết và phòng tránh dịch.
Ông Nguyễn Tấn Hòa - thôn Phước Ấm (Bình Triều) cho biết, sáng nào ông cũng dậy sớm nghe đài. Ông nói, trước đây chỉ nghe được đài huyện thôi, còn nay mọi hoạt động của xã, của thôn đều phát trên sóng phát thanh, bà con mình nghe, nắm bắt được thông tin, phấn khởi lắm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Bình Triều nhận xét: Dù phụ cấp còn khá thấp, nhưng với trách nhiệm là cán bộ truyền thanh cơ sở, anh Hoàng luôn làm tốt công việc của mình suốt 14 năm qua. Anh là một đảng viên tốt, nhiệt huyết và yêu nghề. "Nhiều năm đồng chí Hoàng được tỉnh, huyện khen thưởng. Những thông tin quan trọng của địa phương đã đến được với người dân nhanh chóng, hiệu quả".
Cùng anh Hoàng thì ở Thăng Bình còn có nhiều cán bộ đài truyền thanh cơ sở làm việc nhiệt huyết, yêu nghề như anh Lê Bá Huy (Bình Quế), anh Lâm Ngọc Chiến (Bình Đào) hay anh Phạm Nghĩa (Bình Định Nam)...
Dù với phụ cấp ít ỏi nhưng họ vẫn luôn cần mẫn với công việc phát thanh. Tình yêu, trách nhiệm của họ với nghề đã giúp đưa thông tin đến gần hơn với nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.