Người Quảng Nam

Cá tính Bảy Hoàng

LÊ MINH QUỐC 07/08/2024 09:30

(VHQN) - Một trong những tính cách “cá biệt” của người Quảng Nam, tôi nghĩ, một khi đã thích, đã ưng ý vấn đề gì đó, thường là họ bày tỏ lòng nhiệt thành hết sức phóng khoáng, không e dè trước sau...

bay-hoang-voi-tuong-trinh-cong-son-o-hue(1).jpg
Bảy Hoàng với tượng Trịnh Công Sơn ở Huế.

“Không đụng hàng”

Lòng mình thế nào, thể hiện thế ấy, không phải uốn éo cân nhắc nọ kia. Như thế mới có thể cất lên tiếng cười khoái trá. Vậy, tính cách này một khi lao vào thương trường, làm ăn, kinh doanh có gì khác?
Khác thế nào, quả thật khó có thể phân tích một cách rạch ròi.

Tuy nhiên, tôi nhận ra, theo kiểu hết sức chủ quan, hầu như không khác gì mấy. Nghĩa là, họ vẫn làm theo bản năng, theo cảm hứng của mình, chứ không bắt chước a dua theo thời thượng. Lẽ thế, việc làm đó mới tạo ra nét độc đáo không “đụng hàng”.

Và những chuyện “không đụng hàng” như vậy, tôi chứng kiến từ một người Quảng “cá biệt”.

Vào một buổi tối thanh mát tại Sài Gòn, không gì thú vị hơn ngồi uống bia lại được xem tường thuật cuộc thi bơi lội quốc tế cùng những người bạn. Câu chuyện râm ran, tiếng nói cười vui vẻ.

Bỗng có tiếng nói dõng dạc và dứt khoát: “Mình sẽ tặng cho vận động viên Ánh Viên một căn hộ ở chung cư Gia Hòa”. Ai nấy vỗ tay tán thành nhưng rồi nghĩ “người đó” chỉ nói đùa, ta còn lạ gì “rượu vào lời ra”, sau khi tỉnh rượu là quên béng.

Và lời tuyên bố dõng dạc đã được thực hiện. Trước lúc diễn ra giải vô địch thế giới và SEA Games 2017, Ánh Viên được “người đó” tặng căn hộ thuộc tầng 8, tháp B2, block Picasso, dự án The Art - nằm trong khu dân cư cao cấp Gia Hòa, TP.Hồ Chí Minh. Tại đây còn có hồ bơi rộng 1.800m2 được đặt theo tên cô ngay bên dưới sân.

Không những thế, ”người đó” còn thực hiện một việc cũng hết sức ngoạn mục: Cho đến thời điểm này, Gia Hòa là khu chung cư cao cấp duy nhất trong đó có tên đường văn nghệ sĩ.

Sự kiện này diễn ra năm 2014 với lễ trao kỷ niệm chương và chính thức đặt tên đường từ tên của 8 văn nghệ sĩ: nhà thơ Huy Cận, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Xuân Quỳnh, NSND Út Trà Ôn, NSƯT Thanh Nga, các nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền và Trịnh Công Sơn. Việc đặt tên văn nghệ sĩ cũng là một cách hướng cư dân nơi đó tìm đến cái đẹp từ tác phẩm của họ dâng hiến cho cuộc đời.

Hướng về chốn quê nhà

Dự án đặt tên đường văn nghệ sĩ thành hiện thực, ít nhất “người đó” phải trải qua 4 năm với tâm niệm: đừng tưởng kinh doanh bất động sản lại không liên quan gì đến văn hóa.

le-minh-quoc-ao-do-va-7-hoang-ao-den-di-tham-xuong-ve-ho-huu-thu-toc-bac-..jpg
Lê Minh Quốc (áo đỏ) và Bảy Hoàng (áo đen) đi thăm xưởng vẽ Hồ Hữu Thủ (tóc bạc).

Các căn hộ không chỉ là nơi che mưa nắng mà quần thể ở đó cần đạt đến giá trị thẩm mỹ nhất định về quy hoạch, kiến trúc, không gian sống…

Không phải ngẫu nhiên “người đó” luôn ưu tiên cho văn nghệ sĩ trí thức dưới 45 tuổi lưu trú. Bởi đây là độ tuổi lý tưởng để cống hiến, đóng góp rất nhiều cho xã hội nên cần được tạo điều kiện tốt nhất.

Đến bây giờ tôi vẫn còn khâm phục và ngạc nhiên khi “người đó” đã đầu tư hàng tỷ đồng dựng tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và “trung niên thi sĩ” Bùi Giáng. Cả hai bức tượng này đều do điêu khắc gia Trương Đình Quế (1939-2016) thực hiện tại thác Giang Điền (Đồng Nai) và được đúc đồng tại Bình Dương.

Chiều ngày 28/2/2024, UBND TP.Huế chính thức làm lễ dựng tượng tại Công viên mang tên nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Đây chính là món quà “người đó” dành tặng cho nhân dân Huế cùng người yêu nhạc cả nước.

Riêng về tượng nhà thơ Bùi Giáng, mọi việc vẫn còn đang tiến hành, có thể nơi chọn dựng tượng là Hội An, Quảng Nam - nơi mà tác giả “Mưa nguồn” đã cất lên tiếng lòng da diết: “Hỏi tên: Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê: Rằng mộng ban đầu đã xa”.

Những việc làm này đủ để chúng ta thấy trong con người doanh nhân nhưng vẫn giữ tính cách văn nghệ sĩ và rất đỗi hài hòa trong cá tính riêng của mình.

Cái cá tính ấy, còn độc đáo ở chỗ khi tập trung toàn bộ sức lực, vốn liếng tài sản cho công cuộc làm ăn, ai cũng biết điều quan trọng trước nhất vẫn là đặt tên cho công ty. Từ bước khởi nghiệp ban đầu vào năm 1999, “người đó” lấy cảm hứng từ đâu? Xin thưa, từ thơ của một nhà thơ nổi tiếng Quảng Nam: Tường Linh.

Bến mộng Gia Hòa xanh ngát dâu/ Áo tơ vàng cũ biết tìm đâu/ Con đường dương liễu reo ngày trước/ Dương liễu chiều nay vọng nhạc sầu”.

Gia Hòa là tên một con sông, tên làng ở Quảng Nam. Dù lập nghiệp thành công tại Sài Gòn nhưng có lẽ, lòng vẫn hướng về chốn cũ quê nhà.

Điều này và những điều đã kể trên, tôi gọi đó chính là “Cá tính Bảy Hoàng”. “Người đó” tên thật là Lê Hùng Mạnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Gia Hòa hiện nay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cá tính Bảy Hoàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO