Phú Ninh chuyển đổi số để phát triển

HOÀNG ĐẠO - QUỐC VƯƠNG 27/09/2021 06:12

Huyện Phú Ninh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể để thực hiện mục tiêu “đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, phấn đấu đưa Phú Ninh trở thành địa phương thuộc nhóm đầu của tỉnh Quảng Nam về chuyển đổi số”.

Phú Ninh khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Đ.V
Phú Ninh khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Đ.V

Nhiệm vụ chính trị hàng đầu

Ngay sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết số 04-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy Phú Ninh nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch hướng đến mục đích ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Chúng tôi mong muốn phát huy tối đa các nguồn lực để hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Đồng thời tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của huyện” - ông Lê Văn Ninh, Phó Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói.

Huyện Phú Ninh đạt mục tiêu đến năm 2025 có 90% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động thông minh; có 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời theo phương châm “một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội”…

Dài hơi hơn, Phú Ninh quyết tâm đến năm 2030 tất cả dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp; có 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Ngoài ra, có 70% hoạt động hội, họp, kiểm tra, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…

“Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là giải pháp quan trọng mà Huyện ủy Phú Ninh xác định.

Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở chịu trách nhiệm trực tiếp và tiên phong, đi đầu để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị, địa phương. Hằng năm, địa phương lấy kết quả triển khai chuyển đổi số là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu” - ông Lê Văn Ninh nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, ông Ninh cho biết, Phú Ninh sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi số của chính quyền.

Địa phương phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên địa bàn, trong đó tập trung phát triển hạ tầng viễn thông, sóng di động, cáp quang.

Hoàn thành xây dựng hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; đầu tư mua sắm, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan đảng, chính quyền các cấp...

Chính quyền điện tử làm nền móng

Theo ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, hằng năm, trong các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, chính quyền rất chú trọng việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu giúp Phú Ninh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Ảnh: Đ.V
Chuyển đổi số là hướng đi tất yếu giúp Phú Ninh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Ảnh: Đ.V

Các cơ quan, đơn vị phải đẩy mạnh triển khai số hóa mọi quy trình nghiệp vụ. Phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo của huyện, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ.

“Chúng tôi triển khai các phần mềm dùng chung như tiếp công dân và quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; một cửa điện tử; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ” - ông Chính cho biết.

Cùng với quyết tâm thực hiện của chính quyền các cấp, huyện Phú Ninh khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh..., từ đó hình thành cộng đồng doanh nghiệp số. Ngoài ra, thúc đẩy triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến, di động phục vụ người dân.

“Phù hợp với xu thế phát triển, chúng tôi từng bước xây dựng hệ thống giao thông, giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục. Đến năm 2025, huyện phấn đấu có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ hơn 70% hộ gia đình, hơn 50% người dân ở tất cả địa phương cấp xã có tài khoản thanh toán điện tử và đến năm 2030 tỷ lệ thanh toán điện tử đạt hơn 80%” - ông Chính cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phú Ninh chuyển đổi số để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO