Văn hóa

Cái kết đẹp cho một câu chuyện văn hóa

HUỲNH HÙNG 11/08/2024 14:51

(VHQN) - Cuối năm 2023, hai pháp khí con ốc và đóa sen “trở về” trên tay tượng Phật Bồ tát Tara - “bảo vật quốc gia” hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (TP.Đà Nẵng). Điều này, chúng tôi ví von như một “cái kết đẹp” của niềm trăn trở suốt nhiều năm.

e64d2ba3cdc9689731d8.jpg
Hai pháp khí con ốc và đóa sen được Quảng Nam giao lại cho Bảo tàng Chăm Đà Nẵng - một cái kết đẹp cho câu chuyện văn hóa. Ảnh: X.H

Câu chuyện “hoàn nguyên” bảo vật đã được báo chí viết khá kỹ. Chỉ xin kể lại đây quá trình những người làm văn hóa Quảng Nam và Đà Nẵng đã thực hiện để có được cái kết đẹp như đã nói.

Từ năm 1978 (thời gian phát hiện pho tượng) đến năm 2019, hai pháp khí này được các đời chủ tịch xã Bình Định Bắc (Thăng Bình) thay nhau cất giữ.

Tuy nhiên, trong suốt gần 25 năm, từ 1978 đến năm 2002, điều này gần như là một bí mật. Cho đến sau khi Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, địa giới hành chính của xã cũng bắt đầu có những thay đổi, câu chuyện về hai cổ vật trên mới được hé lộ cho các nhà nghiên cứu.

Tôi còn nhớ, cán bộ lãnh đạo và chuyên môn của Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã vài lần trực tiếp vào làm việc với địa phương để xin được thu hồi hai pháp khí nói trên nhưng bất thành.

Bởi một mặt, do những quy định mang tính pháp lý về quản lý di sản, di vật văn hóa bấy giờ còn thiếu hoặc nếu có cũng chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ. Mãi đến năm 2001, nghĩa là 23 năm sau khi tượng Bồ tát Tara được phát hiện, Luật Di sản văn hóa mới được ban hành.

Thực ra, trên thế giới, nhiều bức tượng cổ vô cùng nổi tiếng, bị mất mát, gãy vỡ những chi tiết rất quan trọng nhưng vẫn không làm giảm giá trị, ngược lại, càng gây sự tò mò thú vị.

Bảo tàng Louvre ở Pháp thể hiện rất rõ điều này, chẳng hạn như tượng thần chiến thắng Samothrace bị mất hẳn cái đầu, hoặc tượng bán khỏa thân thần Vệ nữ Milo (Venus de Milo) bị mất cả hai cánh tay, vẫn được du khách nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng hàng ngày, hàng giờ.

Thế nhưng, sự mất mát những chi tiết ở các bức tượng nước ngoài nói trên là sự mất mát vĩnh viễn, vô phương phục hồi. Còn đối với tượng Bồ tát Tara, hai pháp khí vẫn còn đấy, thì chuyện làm thế nào để nó được hoàn nguyên với bức tượng gốc được đặt ra như một nhiệm vụ quan trọng và khẩn trương của chính quyền cùng ngành văn hóa Đà Nẵng bấy giờ.

t.jpg
Bảo tàng Điêu khắc Chăm tặng phiên bản tượng Bồ tát Tara bằng đồng tỷ lệ 1:1 cho Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: X.H

Năm 2019, sau khi biết Bảo tàng Quảng Nam đã thu hồi được 2 pháp khí người dân cất giữ sau 41 năm, chúng tôi tham mưu UBND TP. Đà Nẵng ký công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành, các cấp liên quan đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ việc hoàn nguyên bảo vật.

Chúng tôi cũng trực tiếp gặp gỡ, làm việc cùng Cục Di sản văn hóa của Bộ VH-TT&DL và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam để bàn cách phối hợp tháo gỡ các vướng mắc.

Mặt khác, Bảo tàng Điêu khắc Chăm trực tiếp vào mời đại diện lãnh đạo và nhân dân xã Bình Định Bắc - nơi đang bảo quản hai chi tiết của bảo vật quốc gia, cùng tham quan Bảo tàng, để từ đó thuyết phục họ đẩy nhanh tiến độ công việc.

Công việc đang được xúc tiến tương đối thuận lợi thì bất ngờ đại dịch COVID -19 ập đến, cùng sự thay đổi nhân sự lãnh đạo của Đà Nẵng, khiến quá trình xúc tiến việc hoàn nguyên cổ vật bị chững lại. Mãi đến nửa cuối năm 2023, báo chí mới xới xáo lại chuyện này, và các cơ quan văn hóa Đà Nẵng, Quảng Nam lại vào cuộc.

Cuối năm 2023, hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng tiến hành bàn giao hiện vật. Như vậy là sau 45 năm (1978-2023) lưu lạc, hai pháp khí cực kỳ quan trọng được về với tượng gốc bảo vật quốc gia Bồ tát Tara. Hành trình “trở về” này diễn ra khá dài và tương đối trắc trở, gập ghềnh; tuy nhiên, nó đã có một cái kết đẹp.

Kể câu chuyện để thấy, người làm văn hóa xứ Quảng, người nhận lãnh phần giữ gìn di sản văn hóa cho mai sau, đôi khi cần tính cách Quảng rất mạnh...

NSND Huỳnh Hùng gây ấn tượng tại nhiều diễn đàn ở TP.Đà Nẵng, bởi ông thường khảng khái trình bày các kiến nghị, phản biện đến cùng để bảo vệ các di sản văn hóa lịch sử của đô thị này.

Ở ông in đậm khí chất của một trí thức xứ Quảng, theo đuổi đến cùng sự thật lịch sử. Tính cách quyết liệt nhưng lại trong một gương mặt hiền lành.

Đã từng hơn 20 năm làm báo trước khi làm quản lý văn hóa của TP.Đà Nẵng, tính cách Quảng cộng công việc làm báo luôn đòi hỏi phải phản biện, đã tạo nên một Huỳnh Hùng đặt ý thức về sự công bằng với lịch sử lên đầu tiên. Có lẽ đó là khởi nguyên để luôn có những bước chân Huỳnh Hùng trong các câu chuyện văn hóa, di sản đặc biệt của Đà Nẵng.

Mới đây, khi Hải Vân quan được công nhận là Di tích cấp quốc gia của cả Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, người ta lại nhớ ngay đến công việc bền bỉ và thầm lặng của NSND Huỳnh Hùng với di sản độc đáo này.

X.H

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cái kết đẹp cho một câu chuyện văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO