Tôi lẩm nhẩm bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh - “chim bay dọc biển đem tin cá”, khi biết những ngày giêng hai này, cửa biển đã mở ở ven bờ xứ Quảng. Ngư dân hối hả chuẩn bị xuất hành. Những chuyến biển mang theo ước vọng bình an, tôm cá đầy khoang, rẽ sóng xa khơi...
Cửa biển đã mở
Mùng 6 Tết, lăng thờ Vạn Xuân Hải (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) chật nêm người. Ngư dân địa phương hội tụ tổ chức lễ cầu ngư và nghinh thần Nam Hải.
Sau lễ cúng tại lăng, ngư dân cùng đội bả trạo đưa lễ vật lên tàu, xuất bến ra cửa biển An Hòa để cúng nghinh thần Nam Hải. Hàng trăm năm qua, các nghi lễ vẫn giữ lấy sự trang nghiêm.
Người tham gia lễ luôn thành kính. Như thể, tín ngưỡng này chính là nơi bắt đầu để ước vọng họ thành hiện thực - cầu một năm trúng nhiều cá tôm, trời yên biển lặng. Trên tất cả, là cầu bình an cho mọi chuyến biển.
Ông Nguyễn Chiến – người quản lý lăng Vạn Xuân Hải cho biết, lễ hội cầu ngư đầu năm là lễ hội truyền thống của ngư dân địa phương. Lễ hội kết thúc, người làng biển mới được phép ra khơi. Đó là quy ước ngầm với người làm nghề biển. Và hơn cả, nó là biểu hiện của tiếng vọng cội nguồn.
“Lễ hội là cách gìn giữ văn hóa truyền thống của cư dân miền biển, nhất là luôn có hát bả trạo để lưu truyền cho lớp trẻ. Đây còn là dịp để chúng tôi gặp gỡ, hàn huyên nhằm thắt chặt tình đoàn kết, chung lưng đấu cật trong sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc” – ông Chiến nói.
Người Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử đất nước cho đến nay luôn nhận mình là con người của biển, sinh ra từ biển, lớn lên trên biển, gắn bó máu thịt với biển.
Biển là không gian sinh tồn, không gian phát triển, không gian linh thiêng, sống cùng biển, chết không rời biển. Biển mênh mông, biển sâu thẳm; biển là bão tố, phong ba, nhưng biển cũng thật hiền hòa, thân thuộc.
Biển là biểu tượng của sự hùng cường, của sự chung sức chung lòng, của sức sống, sức chịu đựng, sức vươn lên và những cái tốt đẹp, tinh hoa, tinh túy nhất của dân tộc.
Tâm thức biển Việt Nam kết quyện lại chính là tình yêu và sự gắn bó số mệnh với biển của người dân Việt Nam.
GS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội
Với cư dân xứ biển, phong tục mở cửa biển rất quan trọng, tạo niềm tin thắng lợi cho một năm đánh bắt. Trên bãi biển cát trắng phau, lễ cúng được chuẩn bị từ người làng. Sau những khấn nguyện đất trời, Mẹ Biển, họ nổ máy tàu khởi hành xuất bến lấy lộc cầu may. Quay về sau chặng dọc bờ biển làng mình, những con thuyền gối bãi, chờ ngày tốt sẽ chính thức ra khơi.
Ngư dân Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) cho biết, sau lễ cầu ngư, mở cửa biển thì những chủ tàu như ông sẽ chọn ngày tốt để xuất hành.
“Bây giờ ngư dân không còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nữa, vừa hết tết là tập trung cho chuyến đầu tiên vụ cá nam. Thuận buồm xuôi gió thì sau chừng 2 tháng trở về là mỗi bạn biển có được 60 triệu đồng” – ông Trần Bẹn nói.
Dẫu giá đất ven biển bây giờ phải tính bằng vàng, bằng tiền tỷ, nhưng ngư dân xứ Quảng, may thay, họ vẫn chọn bám biển, thay vì... bám đất.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”
Dưới những rặng dừa xanh rợp, xóm câu thôn Sâm Linh Đông (Tam Quang) yên bình giữa tiết xuân. Ở đây còn khoảng chừng hơn 20 hộ làm nghề, phần lớn là các ghe nhỏ công suất dưới 90 mã lực nên chỉ đánh bắt trong ngày rồi vào bờ hoặc dài hơn là chừng ngày rưỡi.
Nghề câu khác biệt với các nghề khác ở vùng biển nên vụ đánh bắt thường rơi vào tháng 2 đến tháng 10 âm lịch. Vì vậy, ra giêng những người ở xóm câu sửa lại lưới, ngư cụ và tranh thủ làm các nghề thời vụ.
Lịch sử xóm câu đã có hàng trăm năm, những tiền hiền theo tiến trình mở cõi về đây cư ngụ khi thấy địa thế đất lành. Thuở mới lập làng chỉ vài nóc nhà ở doi cát nhô ra sông Trường Giang. Nghèo khó bủa vây.
Nhưng nay đã khác, những dãy nhà san sát, đường bê tông đến từng ngõ xóm. Người dân xóm câu khẳng định vị thế nghề, được cư dân vùng biển các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải… mệnh danh là “vua nghề câu” và nhờ vào nghề đặc trưng này, họ có cuộc sống khấm khá hẳn.
Nhưng điều trăn trở nhất vẫn là chuyện truyền nghề vì nghề câu bấp bênh hơn các nghề khơi khác và cũng không được nhà nước hỗ trợ. Anh Hồ Văn Lương (Sâm Linh Đông, Tam Quang) là số ít thanh niên còn theo nghề câu.
Theo cha ra biển từ lúc nhỏ nên chàng thanh niên này mê nghề, quyết nối nghiệp cha thay vì chọn làm công nhân hay lập nghiệp xa xứ như các bạn đồng trang lứa. Chuyến biển của ba cha con anh Lương kéo dài từ 7 đến 10 ngày và khai thác ở vùng biển cách bờ chừng 30 - 50 hải lý.
Khi cá tôm đầy khoang, họ cho tàu cập cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Sản vật từ biển được bán cho thương lái ở đây vì họ thu mua giá cao hơn các nơi khác.
Nhiều năm trở lại đây, thời tiết diễn biến cực đoan, ngư dân ở xóm câu cũng thích ứng theo để đánh bắt. Vào mùa xuân, họ chỉ rong ghe vùng lộng, đánh bắt trong ngày. Vụ chính của nghề câu là từ tháng 5 đến tháng 8, khi đó những chuyến biển sẽ dài hơn và sản lượng đánh bắt lúc nào cũng đầy ắp.
“Vào mùa biển động, chúng tôi đi câu cá hố, cá bò. Hai loại hải sản này được giá cao lắm nên chăm chỉ làm là tích lũy đủ để lo cho cuộc sống trong những ngày rỗi. Nghề nào cũng có vất vả riêng nhưng chỉ cần yêu nghề và siêng năng thì nghề câu vẫn là nghề tạo nên sung túc cho ngư dân” – Lương khẳng định.
Gắn bó với biển
Ngư dân của các xã Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải, Tam Tiến… hầu như ai cũng tất bật cho chuyến mở biển đầu năm. Với họ, chuyến biển đầu tiên có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là sự khởi đầu may mắn cho một năm nên ai cũng kỹ lưỡng với hy vọng bội thu.
Nhiều chủ tàu ngoài việc tu bổ lớn đã cơ giới hóa trong khâu quăng và thu lưới để tăng năng lực đánh bắt hải sản. Từ sau mùng 10 tháng Giêng, ngư dân bắt đầu kiểm tra, tu sửa các con tàu, thúng câu, ngư cụ.
Ngư dân Nguyễn Văn Điệp nói: “Chuyến biển đầu năm thường có chi phí cá nhân cao hơn vì phải sửa sang lại thúng, mua sắm thêm các vật dụng với chi phí khoảng 6 triệu đồng”.
Gần đến ngày xuất hành, ngư dân khẩn trương sửa chữa giàn phơi mực, kiểm tra hệ thống điện, bóng đèn, vận chuyển lương thực, thực phẩm lên tàu tại cảng cá An Hòa.
Thuyền trưởng tàu QNa-91892TS Phan Văn Bảo cho biết, tàu của ông sẽ xuất bến trong tháng Giêng cùng 30 lao động nên phải tranh thủ kiểm tra hệ thống vận hành, điện, bóng chiếu sáng… Ông muốn chắc chắn không có bất cứ sai sót nào.
Ngoài ra, để những lao động trên tàu sinh hoạt thoải mái, chủ tàu cũng tu bổ bếp nấu ăn, mua tủ lạnh mới, sửa chữa khoang nghỉ, cabin… với tổng chi phí khoảng 300 triệu đồng.
“Chuyến biển đầu năm thường sẽ kéo dài hơn 2 tháng nên mọi thứ phải chu đáo để đánh bắt hiệu quả nhất. Năm nay tuy giá dầu diesel cao hơn các năm trước nhưng chúng tôi quyết tâm thắng lợi để khởi đầu cho một năm suôn sẻ” – ông Bảo nói.
Có khoảng 47 tàu cá ở xã Tam Quang vươn khơi đầu năm. Họ phấn đấu đạt sản lượng khai thác bình quân 30 tấn mực/tàu, lợi nhuận chừng khoảng 700 triệu đồng.
Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời bám biển. Họ có “căn nhà” trùng khơi và tổ ấm nơi bãi bờ. Họ - những người ăn sóng nói gió, những ngư phủ hiểu biển và yêu biển bằng máu thịt mình...