Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Tiếp tục đột phá cải cách hành chính, tận dụng cơ hội phát triển"

HỮU PHÚC (thực hiện) 07/02/2022 08:19

Năm 2022, Quảng Nam đặt nhiều kỳ vọng trên con đường thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra. Nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện cởi mở chung quanh các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

* Sau 2 năm (2020 – 2021) xảy ra đại dịch, có thời điểm nhiều kế hoạch gần như đổ vỡ và một số lĩnh vực, chỉ tiêu không đạt kết quả như mong muốn; năm 2022 Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia, vậy sẽ ứng phó như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. Ảnh: H.P

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Năm 2022, dịch bệnh Covid-19 cơ bản sẽ được khống chế; đối với Quảng Nam, tỷ lệ tiêm vắc xin 2 mũi đến nay đã rất cao (trên 95%) và tỉnh cũng có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh gắn với phục hồi, phát triển kinh tế. Vì vậy tôi tin tưởng năm 2022 tỉnh sẽ thành công hơn năm 2021.

Điều quan trọng là trong khó khăn, tập thể lãnh đạo tỉnh luôn có sự thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành trên nguyên tắc tập trung dân chủ, nhận định sát đúng tình hình và quyết đoán nhanh, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Quan điểm xuyên suốt là phải chấp hành các quy định của Trung ương nhưng phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của tỉnh. Chính sự điều hành linh hoạt và nhất quán đó, nên những thành quả đạt được trong năm 2021 rất lớn trong khi những khó khăn vẫn còn chồng chất; đây là minh chứng cho bản lĩnh và cốt cách của cán bộ, nhân dân Quảng Nam.

Năm 2022, Quảng Nam được chọn đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia, điều đó chứng tỏ Chính phủ rất tin tưởng giao phó cho tỉnh tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực.

Quan điểm phát triển du lịch của tỉnh sẽ mở rộng hơn, thay vì chỉ dựa vào du lịch di sản như hiện nay; không gian du lịch sẽ trải dài theo hệ thống sông, biển, ra đồng quê, lên miền núi.

Du lịch “hậu Covid” năm 2022 sẽ hướng đến không gian thoáng đãng, nguy cơ lây nhiễm thấp thông qua đa dạng loại hình vui chơi giải trí phi tập trung. Tỉnh sẽ mở rộng thêm du lịch sinh thái thiên nhiên, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch làng quê gắn với sản phẩm nông nghiệp OCOP, du lịch về nguồn, thân thiện với môi trường theo Bộ tiêu chí du lịch xanh mà UBND tỉnh đã ban hành.

Tiềm năng du lịch phía nam (Tiên Phước, Tam Kỳ, Núi Thành, hồ Phú Ninh) và vùng phía tây (rừng nguyên sinh và vùng sâm Ngọc Linh) còn rất lớn, lâu nay chúng ta đặt ra mục tiêu phát triển du lịch ở khu vực này nhưng chưa có điều kiện, thì nay đã xuất hiện cơ hội do hạ tầng đầu tư hoàn thiện, nổi bật là đường Võ Chí Công nối từ Hội An đến sân bay Chu Lai.

Cạnh đó, cảng Chu Lai sẽ được đầu tư để đón tàu biển chở 1.000 - 2.000 khách vào tham quan du lịch dài ngày; khu bến Kỳ Hà sẽ khai thác tuyến tàu khách đi đảo Tam Hải, Lý Sơn. Vì vậy, tôi tin rằng, du lịch sẽ đa sắc màu hơn trong thời gian tới và du khách sẽ ở lại Quảng Nam dài ngày hơn.

Các dự án bất động sản, đô thị dự báo phát triển rất mạnh thời gian đến. TRONG ẢNH: Một dự án đô thị tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An. Ảnh: ĐẮC THÀNH
Các dự án bất động sản, đô thị dự báo phát triển rất mạnh thời gian đến. TRONG ẢNH: Một dự án đô thị tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An. Ảnh: ĐẮC THÀNH

* Ngoài ô tô Trường Hải thì dư địa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế ở các ngành nông nghiệp, bất động sản, sản xuất công nghiệp… còn rất lớn, xin ông cho biết cụ thể về động lực tăng trưởng này?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Với ngành công nghiệp, chủ lực vẫn là ô tô, công nghiệp cơ khí, may mặc, sản xuất thực phẩm đồ uống… Tập đoàn Thaco đang vươn lên tầm quốc tế, sản xuất hướng đến xuất khẩu bên cạnh tiêu dùng nội địa.

Thaco đang tái cấu trúc hoạt động sản xuất, kinh doanh, thay đổi chiến lược, chú trọng đến ngành công nghiệp phụ trợ, ngành cơ khí đa dụng, đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, tạo lập hệ sinh thái phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên ngành cơ khí, điện, điện tử và các ngành công nghiệp phụ trợ khác để tham gia chuỗi sản xuất của Thaco, cùng thực hiện các đơn hàng của đối tác lớn mà Thaco đã ký kết, hoặc làm gia công cho các sản phẩm doanh nghiệp khác có nhu cầu. Đây là ngành kinh doanh dự báo sẽ tăng trưởng rất nhanh, đóng góp ngân sách rất lớn.

Về phát triển logistic, Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Nam mở luồng mới 5 vạn tấn ở Cửa Lở. Tập đoàn Thaco đã đăng ký đề xuất đầu tư toàn bộ luồng và hệ thống bến cảng Chu Lai kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang (cũng Thaco đầu tư) để Chu Lai trở thành hệ thống logistic có sức cạnh tranh cao.

Năm 2022, dự báo kinh tế sẽ lạc quan, ngoài việc phục hồi của du lịch, đồ uống thì dư địa nguồn thu tăng thêm của tỉnh còn rất lớn. Nhiều ngành công nghiệp mới hứa hẹn đóng góp ngân sách như xăng dầu, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, phụ trợ ngành dệt may…, nhất là nguồn thu tiền sử dụng đất sẽ tăng nhanh với 2.000 tỷ đồng vào năm 2022 và dự kiến mỗi năm tăng thêm ít nhất 500 tỷ đồng so với năm trước vì điều kiện phát triển đô thị của tỉnh bây giờ rất thuận lợi so với trước đây.

Đối với nông nghiệp, Tập đoàn Thaco sẽ triển khai nhà máy chế biến trái cây tại Khu công nghiệp - nông lâm nghiệp quy mô 451ha và sẽ phát triển bổ sung vùng trồng nguyên liệu tại Quảng Nam bên cạnh vùng nguyên liệu sẵn có tại Lào, Campuchia; đồng thời tổ chức chăn nuôi bò thịt cho các nhóm hộ và hợp tác xã.

Tập đoàn Masan sẽ hợp tác phát triển trồng và chế biến các loại rau, củ, quả và chăn nuôi an toàn sinh học quy mô lớn; tập đoàn Nutifood đang triển khai quy hoạch và đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi.

Lĩnh vực thủy sản đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 cảng cá Tam Quang do Công ty Nhân Thuận Phát đầu tư và đang triển khai giai đoạn 2 quy mô lớn hơn, để hình thành trung tâm nghề cá cấp khu vực gắn với chế biến sâu xuất khẩu ngành thủy sản…

* Cải cách thủ tục hành chính được xác định là nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, được chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm. Điểm mới của công tác này trong năm 2022 là gì?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh năm 2022 là tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính và chuyển đổi số. Trong đó, đặc biệt quan tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ, phát huy cao hơn chức năng cơ quan chuyên môn của các sở ngành. Tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các sở, ngành và địa phương, phấn đấu đưa tỷ lệ 55% hiện nay lên 70% vào cuối năm 2022.

Thường trực UBND tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ có tầm chiến lược, đột phá, hạn chế tối đa giải quyết sự vụ; đồng thời triển khai thanh tra, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan mình.

Tổ công tác của Thường trực UBND tỉnh cũng sẽ đi vào hoạt động để thường xuyên đôn đốc triển khai các chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đồng thời nắm bắt nhanh các vướng mắc trong quá trình thực hiện để báo cáo lãnh đạo tỉnh theo lĩnh vực phân công kịp thời xử lý.

Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền là đẩy nhanh chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực, xem đây là nhiệm vụ sống còn để không bị lạc hậu với xu thế tất yếu của thời đại, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu số về đất đai để quản lý hiện trạng và rút ngắn thời gian cho giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; số hóa các thông tin về quy hoạch và thu hút đầu tư để đảm bảo tính minh bạch và tiện dụng.

Có rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi cho rằng nhân tố con người, nhất là người đứng đầu của các ngành, địa phương là quan trọng nhất, cần phải thay đổi về chất để tạo được sự chuyển biến tích cực hơn.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Tiếp tục đột phá cải cách hành chính, tận dụng cơ hội phát triển"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO