Chuyên nghiệp hóa sản phẩm OCOP

XUÂN HIỀN 29/11/2019 13:35

Các chủ thể sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP năm 2019 đang gấp rút hoàn thiện các khâu từ bao bì, nhãn mác đến chất lượng sản phẩm để kịp đợt xết hạng đầu tiên của năm 2019. Tuy nhiên, có khá nhiều vấn đề họ đang gặp phải, kể cả với những sản phẩm đã được xếp hạng và đang bước vào khâu xúc tiến thương mại…

 

Gặp khó ở nhiều khâu

Cơ sở sản xuất kinh doanh rượu đẳng sâm Đức Huy và rượu ba kích Chính Châu (Tây Giang) vì điều kiện xa xôi nên gặp khó trong thủ tục làm hồ sơ công bố sản phẩm, vì không thể ra đến tận Cục An toàn vệ sinh thực phẩm để làm thủ tục. Đây là những sản phẩm nằm trong nhóm đồ uống có cồn và khi muốn sản phẩm lưu hành ra thị trường, họ buộc phải qua khâu cung ứng dịch vụ kiểm định, chứng nhận. Tương tự, các chủ thể sản xuất sản phẩm của nhóm ngành thực phẩm cũng gặp khó về khâu kiểm nghiệm, công bố và tự công bố chất lượng sản phẩm đảm bảo quy định pháp luật, đăng ký chứng nhận và bảo hộ, phát triển thương hiệu… 

Ông Hồ Văn Thi - chủ hộ sản xuất kinh doanh sản phẩm chanh không hạt Phước Mỹ (xã Phước Năng, Phước Sơn) chia sẻ, ngoài khó khăn về khâu hoàn thiện sản phẩm, thì khả năng tiếp cận thị trường của sản phẩm đến đâu cũng là điều khiến ông hoang mang. “Khi sản phẩm đạt 3 - 4 sao thì cách tiếp cận thị trường sẽ như thế nào? Chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp. Hoặc đặt trường hợp khi tôi muốn mở cửa hàng kinh doanh tại TP.Đà Nẵng, trong đó ngoài sản phẩm của mình thì có thêm các sản phẩm OCOP khác, vậy tôi cần gặp ai để kết nối hỗ trợ phát triển cửa hàng?” - ông Hồ Văn Thi chia sẻ vướng mắc.

Sản phẩm “Yến tinh chế sấy khô” của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng (Thăng Bình) được đánh giá khá tốt về cả chất lượng lẫn bao bì, nhãn mác... Ảnh: X.H
Sản phẩm “Yến tinh chế sấy khô” của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng (Thăng Bình) được đánh giá khá tốt về cả chất lượng lẫn bao bì, nhãn mác... Ảnh: X.H

Trong khi đó, ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết, nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa nắm được các quy định của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn mác, bao bì… theo Nghị định 15/2008/NĐ-CP và Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ. “Đáng lưu ý là các chủ thể sản xuất đối với nhóm ngành thực phẩm, hầu hết không nắm được sản phẩm của họ cần phân tích bao nhiêu chỉ tiêu an toàn thực phẩm mới đảm bảo quy định, giới hạn cho phép đối với các chỉ tiêu này là bao nhiêu...” - ông Lợi nói.

Chưa kể, các thủ tục về công bố sản phẩm, nhất là công bố sản phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn quá khó khăn, phức tạp. “Nếu tự làm thì e chúng tôi quá lóng ngóng, trong khi nếu thuê đơn vị tư vấn phải tốn cả trăm triệu đồng. Hồ sơ quy định để đánh giá sản phẩm có đến 17 nội dung và còn cần rất nhiều hồ sơ minh chứng khác, nhưng chủ thể ở vùng núi, nông thôn như chúng tôi không thể kiêm nhiệm hết” - một chủ thể của nhóm thực phẩm chế biến chia sẻ.  

Cần sự chuyên nghiệp trong kinh doanh

Ở góc độ thị trường và tiềm năng về xúc tiến thương mại, ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại và quản lý cửa khẩu (Sở Công thương) cho rằng, Quảng Nam có lợi thế về đặc sản núi rừng đến biển đảo, từ những sản phẩm thảo dược, dược liệu cho đến nguồn hải sản phong phú. “Qua theo dõi, tôi nhận thấy từ khi có Chương trình OCOP, các sản phẩm này bắt đầu có chất lượng tốt và đầu tư hơn về nhiều mặt. Tuy nhiên, phải trung thực mà nói, mẫu mã các sản phẩm của Quảng Nam còn hạn chế, sức cạnh tranh không có” - ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, tập quán tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của sản phẩm. Đây là thách thức buộc chủ thể OCOP phải gầy dựng niềm tin của người tiêu dùng. “Cùng với đó, tôi đề nghị đầu mối của chương trình OCOP trong quá trình bình chọn xếp hạng cần khuyến cáo chủ thể đầu tư về mẫu mã, giá trị sản phẩm. Tầm nhìn của cơ sở chỉ ở sản xuất, cần sự hỗ trợ của nhà nước về định hướng, kỹ năng mềm, kỹ năng bán hàng…” - ông Phúc chia sẻ thêm.

Đặc trưng của Chương trình OCOP không chỉ nâng tầm chất lượng sản phẩm đặc hữu của địa phương mà còn là cơ hội để mở rộng thị trường cho sản phẩm. Do vậy, khi chủ thể tự xoay xở thì coi như thất bại. Ông Mai Đình Lợi nói, chính vì vậy OCOP đặt vấn đề kết nối, liên kết với doanh nghiệp, địa phương và các chủ thể cùng chuỗi cho các giai đoạn sau của chương trình lên hàng ưu tiên. Tuy nhiên, ý thức kinh doanh của các chủ thể, nhà sản xuất cũng phải được nâng lên mới đủ tầm để họ bước vào thị trường chuyên nghiệp.

Đại diện Công ty Hoa Mai - đơn vị được Sở Công thương chọn xây dựng và bán các sản phẩm OCOP tại TP. Tam Kỳ cho biết, cửa hàng chị có rất nhiều các sản phẩm OCOP được ký gởi. Tuy nhiên, điều đáng tiếc xảy ra khi các chủ thể hiện nay chưa thể hiện tính chuyên nghiệp của mình khi ký hợp đồng ký gởi sản phẩm với đối tác, doanh nghiệp.

“Chúng tôi có hơn một năm hoạt động ở lĩnh vực này tại thị trường Tam Kỳ với hơn 20 sản phẩm OCOP được kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ hợp tác được với 3 đơn vị một cách chặt chẽ” - đại diện Công ty Hoa Mai chia sẻ. Người này còn cho biết, có một số cơ sở không hợp tác với đơn vị phân phối. Một số đơn vị làng nghề không chuyên nghiệp. Việc bán nhỏ lẻ từ phía người sản xuất phá vỡ sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất. 

“Có chủ thể OCOP, thậm chí khi người mua chỉ đặt hàng 1 sản phẩm, vẫn cất công ra xe gởi hàng, trong khi đã có cửa hàng đại diện phân phối. Chúng tôi đã cho chạy website giới thiệu sản phẩm, nhưng khi có thông tin thì người tiêu dùng lại muốn đặt hàng trực tiếp từ phía người sản xuất, vì nghĩ giá rẻ hơn. Nhưng thực tế, giá tại công ty chúng tôi sẽ tốt hơn. Hiện tại công ty đã ký hợp đồng với 50 nhà sản xuất là chủ thể OCOP. Cho nên chúng tôi là hệ thống phân phối thì mong muốn một khi đã là đối tác, các chủ thể phải có sự chặt chẽ chứ đừng nửa vời” - đại diện Công ty Hoa Mai nói thêm. 

Do vậy, không chỉ hoàn thiện, nâng tầm ở chất lượng sản phẩm mà ngay trong phương thức kinh doanh, các chủ thể OCOP cũng cần phải tạo được niềm tin với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ. Bắt đầu từ sự chuyên nghiệp thì mới mong sản phẩm phát triển mạnh ở các thị trường rộng lớn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyên nghiệp hóa sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO