Đặc sản Đại Lộc hướng tới OCOP

HOÀNG LIÊN 19/11/2019 13:33

Năm 2019, Đại Lộc nỗ lực đưa 3 sản phẩm gồm: gạo an toàn Ái Nghĩa, nhang trầm cao cấp không tăm Đại Lộc và sản phẩm nấm sò tím Đại Lộc đạt chuẩn chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm góp phần quảng bá, nâng tầm thương hiệu đặc sản quê nhà.

Sản phẩm gạo an toàn Ái Nghĩa của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa phấn đấu đạt chuẩn OCOP năm 2019. Ảnh: H.L
Sản phẩm gạo an toàn Ái Nghĩa của HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa phấn đấu đạt chuẩn OCOP năm 2019. Ảnh: H.L

Nỗ lực hoàn thiện

Theo Tiểu ban phát triển sản phẩm - Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) huyện Đại Lộc, năm 2019 Đại Lộc phấn đấu đưa 3 sản phẩm gồm: gạo an toàn Ái Nghĩa của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa; nấm sò tím Đại Lộc (HTX Nông nghiệp Tân Phú Quý - Đại Hiệp); hương trầm cao cấp không tăm (Tổ hợp tác Hương trầm Kỳ Nam - Đại Đồng) đạt chuẩn OCOP của tỉnh. Hiện, Phòng NN&PTNT huyện và Tiểu ban phát triển sản phẩm đã xây dựng phương án, nỗ lực hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện các thủ tục liên quan; tổ chức tập huấn cho các chủ thể đăng ký sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo điều kiện cho các chủ thể đi tham quan dã ngoại, học tập kinh nghiệm đối với các mô hình hiệu quả; hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn mác, bao bì đối với sản phẩm. Đồng thời có tờ trình đề nghị Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình MTQG huyện, tỉnh kiểm tra, thống nhất các mức hỗ trợ cho các chủ thể, thống nhất mức hỗ trợ đối với các thủ thể sau đầu tư khi các chủ thể đạt chuẩn, hoàn thiện các nội dung, định mức được phê duyệt.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Phó BCĐ Chương trình MTQG huyện Đại Lộc giai đoạn 2016 - 2020 cho biết, BCĐ huyện đang nỗ lực chỉ đạo, ưu tiên xây dựng hoàn thiện 3 sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2019. Hiện, sản phẩm nhang trầm cao cấp không tăm Đại Lộc và gạo an toàn Ái Nghĩa đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, có sự đầu tư rõ nét, còn sản phẩm nấm sò tím Đại Lộc đang được HTX Tân Phú Quý hoàn thiện khâu bao bì, đóng gói, dán nhãn, tem. Công tác chỉ đạo được chú trọng, các địa phương và các tiểu ban cũng đã có sự phối hợp tích cực với các chủ thể, song vẫn còn nhiều trở ngại. Đơn cử, các chủ thể tiếp cận hồ sơ rất khó khăn, thủ tục còn rườm rà, nhất là các chủ thể còn yếu về thủ tục tài chính, các khâu quyết toán. Vì vậy, các địa phương, tiểu ban phải nỗ lực giúp đỡ chủ thể. Theo ông Mẫn, năm 2020, Đại Lộc tiếp tục triển khai thêm một số sản phẩm như: tinh dầu sả Đại Hồng; dầu mè đen, dầu lạc của Đại Thắng; trái cây sạch ở Đại Minh; vùng trồng dừa xiêm của Đại Hiệp... Đây vốn là các tổ hợp tác, hợp tác xã có nhiều lao động tham gia sản xuất, đã xây dựng được chuỗi sản phẩm.

Thương hiệu đặc sản quê

Năm 2018, huyện Đại Lộc có một sản phẩm bánh tráng Đại Lộc được công nhận là sản phẩm OCOP, được gắn 4 sao. HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa đang tiếp tục đầu tư chất lượng, cải tiến mẫu mã bao bì, hoàn thiện mã vạch, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa sản phẩm gạo an toàn Ái Nghĩa đạt chuẩn OCOP năm 2019. Theo ông Nguyễn Tấn Nam - Trưởng ban Kiểm soát HTX, hiện các thủ tục liên quan đã xong, HTX đang chờ kiểm định sản phẩm, chờ BCĐ huyện họp, xét chọn, chấm điểm, nếu đạt 3 sao trở lên, sẽ tiếp tục tham dự cuộc bình chọn sản phẩm OCOP ở tỉnh. Gạo an toàn Ái Nghĩa đã được xây dựng chuỗi giá trị gồm vùng sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, sấy, chế biến, cửa hàng, đóng gói, trưng bày và tiêu thụ, mở rộng thị trường trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng. Gạo an toàn của HTX không có hóa chất bảo quản, có tem nhãn, giá niêm yết, thời hạn sử dụng từ khi đóng gói là 30 - 40 ngày…

HTX Nông nghiệp Tân Phú Quý (Đại Hiệp) đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm nấm sò tím Đại Lộc. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc HTX cho biết, 2 năm qua, HTX đã đầu tư nhà xưởng, cơ sở sản xuất quy mô rộng 4.000m2, trong đó khu vực làm nấm rộng 600m2, đầu tư trang thiết bị... với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Xưởng nấm của anh Tuấn sản xuất theo quy mô khép kín, có hệ thống tăng nhiệt độ lên 24 độ C ở thời điểm rét lạnh và hệ thống phun sương, làm mát vào thời điểm nắng hạn. Giá thành sản phẩm nấm sò tím là 45.000 đồng/kg, chủ yếu cung ứng sỉ cho các nhà hàng, siêu thị trên cơ sở liên kết với một HTX ở Đà Nẵng. Ngoài khu sản xuất của HTX rộng 600m2, HTX Tân Phú Quý còn liên kết với 5 hộ dân ở Đại Lộc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mỗi ngày, HTX và các vệ tinh thu hơn 100kg nấm đưa ra thị trường, thu về 4,5 triệu đồng. Anh Tuấn cho biết, HTX đang mở rộng cơ sở sản xuất và nhà xưởng, hệ thống sơ chế, đóng gói nấm, xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ thương hiệu “Nấm sò Đại Lộc” cũng như hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Sản phẩm nhang trầm cao cấp không tăm Đại Lộc của Tổ hợp tác làm hương Kỳ Nam (Đại Đồng, Đại Lộc) đã hoàn thiện các thủ tục và điều kiện để tham gia chương trình OCOP 2019. Theo ông Nguyễn Đình Kỳ Nam - Tổ trưởng Tổ hợp tác, đây là sản phẩm được sản xuất hoàn toàn bằng nguyên liệu giác trầm, bột bời lời, an toàn, thân thiện với môi trường, không chất phụ gia. Sản phẩm có giá bán thấp nhất là trên 1 triệu đồng và cao nhất 25 triệu đồng. Hiện, thị trường tiêu thụ nhiều của sản phẩm chủ yếu ở miền Bắc do có giá thành cao, kén người dùng. “Cơ sở tôi hiện có vài chục sản phẩm từ giác, trầm, có sức tiêu thụ rộng rãi. Tương lai gần, tôi muốn đưa sản phẩm nhang trầm cao cấp không tăm vốn thân thiện, an toàn với người sử dụng đến rộng rãi thị trường, vào được các kênh siêu thị hay xuất khẩu đi nước ngoài. Hiện tôi đang nỗ lực kết nối với một vài đối tác nước ngoài để tìm đường xuất khẩu, mở rộng thị trường” - ông Nam chia sẻ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đặc sản Đại Lộc hướng tới OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO