Người Quảng Nam

Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An

ĐẶNG KẾ ĐÔNG 18/08/2024 09:09

Danh nhân Đặng Huy Trứ (16/5/1825 - 7/8/1874) được suy tôn là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Hơn thế, tư tưởng của ông trên các lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự... đã đặt cơ sở cho chủ trương canh tân tại nước ta hồi nửa cuối thế kỷ 19.

Chân dung Đặng Huy Trứ được thờ phụng tại Hội An
Chân dung Đặng Huy Trứ được thờ phụng tại Hội An.

Tròn 150 năm ngày mất của ông, tiếng thơm, những di sản văn hóa ông để lại ở mảnh đất Hội An vẫn còn mãi.

Dấu son thời dạy học

Năm 1848, sau khi đỗ giải nguyên khoa thi Hương và chờ triều đình bổ nhiệm ra làm quan, Đặng Huy Trứ đi vào Vĩnh Điện (Điện Bàn) hành nghề dạy học một thời gian ngắn.

Năm 1849, ông đến dạy học ở Trường Thanh Hương Hội An theo lời mời của ông Lý Mậu Thụy, một Bang trưởng người Minh Hương mở ngay trong nhà của mình. Tại đây, Đặng Huy Trứ đã viết “Lời cáo thị Trường tư thục Thanh Lương ở Quảng Nam”.

Ông khiêm tốn và một mực tâm huyết khuyến học trên tinh thần giáo dục cấp tiến: “...Chỉ lo ngày đêm dốc sức “Sư đệ tương trưởng” thầy và trò cùng nhau lớn lên, thế là tự có đất vui trong chốn danh giáo, đâu có đối xử với nhau như khách qua đường, giữ kín những điều mình biết, ghìm chặt những điều mình hay...”.

Chỉ riêng tư tưởng “Sư đệ tương trưởng” của ông trong lời cáo thị đã cho thấy tư duy tiến bộ với nền giáo dục phong kiến cùng quan niệm thầy là người quyền uy tuyệt đối và trò chỉ thụ động tiếp thu.

Ông gần gũi hơn với những học trò của mình để thầy và trò cùng học, trưởng thành, tiến bộ. Ông cũng giáo dục nhân cách cho học trò và lên án cái học hư danh, học chỉ để được “áo chùng đai lớn, bước rộng ngồi cao”...

Đặng Huy Trứ được suy tôn là ông tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Ông đã khai lập hiệu ảnh “Cảm Hiếu Đường” năm 1869, hiệu ảnh đầu tiên của người Việt Nam tại Hà Nội. Tại Viện Hán Nôm còn lưu trữ 15 tác phẩm của Đặng Huy Trứ, đặc biệt là “Đặng Hoàng Trung thi sao” và “Đặng Hoàng Trung văn sao” với vài ngàn trang viết khắc họa rõ chân dung và hành trạng của ông, trong đó rất nhiều trước tác trong thời gian ông dạy học, làm quan ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung, kể cả những tác phẩm đau đáu với đất và người nơi đây, dù ông đang đi công cán ngàn dặm.

Công trình giáo khoa cũng là dấu son trong thời dạy học của Đặng Huy Trứ tại Hội An là “Sách học vấn tân”, tác phẩm đầu tiên của ông trong văn nghiệp, nay còn được lưu trữ ở Thư viện Hán Nôm với nhiều nội dung cải cách lối giáo khoa từ chương cũ kỹ bằng phương pháp giáo dục canh tân.

Sự hấp dẫn của thầy Đặng Huy Trứ thể hiện rõ qua việc nhiều năm sau khi ông đã làm quan ở Thanh Hóa, Hà Nội... nhiều học trò Quảng Nam vẫn theo bước chân ông cả chục năm trời để thụ giáo.

Một người con của thứ dân

Năm 1855, triều đình mở khoa thi Hội năm Ất Mùi, Đặng Huy Trứ thi đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan dưới triều Tự Đức.
Sau nhiều năm ông lần lượt giữ các chức quan ở Thanh Hóa, Nam Định rồi về kinh đô.

Đầu năm 1864, Quảng Nam bị hạn nặng, dân tình đói kém, những sĩ phu xứ Quảng đã dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào giữ chức Bố chính Quảng Nam để chống hạn và cứu đói cho dân.

Triều đình phê chuẩn, thăng cho Đặng Huy Trứ tước Hồng lô tự khanh và cử ông vào giữ chức Bố chính Quảng Nam. Vào nhậm chức ở Quảng Nam, Đặng Huy Trứ dâng sớ về kinh đô, xin thay đổi những tri phủ, tri huyện bất tài và làm việc trì trệ; tổ chức thực hiện những biện pháp cứu đói, giải quyết hậu quả của nạn hạn hán và lụt bão, khơi thông sông ngòi để làm thủy lợi và tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy.

Ông đề xuất với triều đình lập các kho “nghĩa thương” ở các địa phương để tích trữ lương thực cứu đói cho dân nghèo; cho phép thu thuế bằng hiện vật đối với các hộ làm nghề thủ công; cho các hộ làm nghề dệt cửi lĩnh trước tiền mua nguyên vật liệu về dệt và bán hàng cho nhà nước; kiến nghị thành lập “nghĩa trang” ở các địa phương để chôn cất những người chết vào những nơi được quy hoạch. Phần lớn những kiến nghị của Đặng Huy Trứ đã được triều đình chấp thuận và cho thực hiện.

Nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ tại Hội An
Nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ tại Hội An.

Trái với quan niệm của những quan lại cùng thời: quan là cha mẹ của dân “dân chi phụ mẫu”, thì Đặng Huy Trứ lại cho rằng làm quan là làm con của dân mọn, là “thứ dân chi tử”. Quan Bố chính gắn bó với người dân Quảng Nam, làm việc dựa vào lòng dân, sống trong lòng dân.

“Nho thần gánh vác việc khác thường”

Đó là lời người xưa đúc kết về Đặng Huy Trứ. Tài thao lược của ông thể hiện trên mọi lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, kinh tế, quân sự...
Dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Huy Trứ còn có 2 chuyến công vụ sang Trung Hoa (năm 1865 và 1867), trong đó, chuyến đi đầu tiên của ông xuất phát từ Hội An.

Tháng 6/1865, Đặng Huy Trứ đang giữ chức Bố chính Quảng Nam thì được triều đình gọi về Huế để đi công cán Quảng Đông. Chuyến công du này ông được một danh sĩ Quảng Nam - đại thần Phạm Phú Thứ tâu lên vua Tự Đức và vận động triều đình tiến cử Đặng Huy Trứ đi Quảng Đông để thực hiện mục đích “thám phỏng Dương tình” (dò xét tình hình các nước phương Tây).

Đặng Huy Trứ được Phạm Phú Thứ tiến cử đi Quảng Đông vì ông là người có đầu óc canh tân, ủng hộ đường lối “chủ chiến” với tinh thần tự lực, tự cường. Ngoài ra, Đặng Huy Trứ còn là người thông thạo tiếng Quảng Đông do ông có thời gian dạy học ở trường tư thục Thanh Hương do Lý Mậu Thụy - Bang trưởng Minh Hương Hội An khai lập.

Ngày 22/6/1865, phái đoàn của Đặng Huy Trứ lên chiếc thuyền của thương nhân người Hoa rời cửa Đại Chiêm (cửa biển ở Hội An), bắt đầu hành trình đi Quảng Đông. Cùng sang Quảng Đông, ngoài các thành viên trong đoàn của Đặng Huy Trứ còn có Lý Mậu Thụy và gia nhân của ông là Lý Xuân Mậu. Lần này, Lý Mậu Thụy trở về quê để dưỡng già và là người đã giúp đỡ Đặng Huy Trứ rất nhiều trong những ngày ông lưu lại Quảng Đông.

Tất cả hành trình rất chi tiết này đều được ghi lại bằng thơ trong tập “Đặng Hoàng Trung thi sao”. Hiện nay, tại Văn Thánh Miếu Minh Hương vẫn còn bức hoành phi “Quan ư hải giả nan vi thủy” cùng tấm bia lập năm 1871 đều do ông chấp bút. Đặng Huy Trứ còn để lại một bài văn bia ở chùa Ông năm thứ 17 đời Tự Đức, nội dung bài văn bia ca ngợi Quan Thánh Đế Quân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Danh nhân Đặng Huy Trứ với Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO