Hàng Quảng Nam lên ngôi

KHÁNH LINH 07/12/2022 07:51

Ngày càng có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn Quảng Nam được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ chất lượng, mẫu mã tốt, giá cả phù hợp… Qua đó, không chỉ nâng cao vị thế hàng nội địa mà còn góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ bố trí riêng gian hàng Việt và gian hàng OCOP Quảng Nam. Ảnh: T.S
Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ bố trí riêng gian hàng Việt và gian hàng OCOP Quảng Nam. Ảnh: T.S

Sức hút OCOP

Bà Trần Thị Thuận - chủ cơ sở Nước mắm Hà Quảng (phường Điện Dương, Điện Bàn) cẩn thận rót nước mắm vào từng can lớn để kịp gửi cho khách tại Đà Nẵng. Cuối năm thường là thời điểm bận rộn của mặt hàng này. “Gần tết nên người ta mua số lượng lớn để dành ăn hoặc cho biếu” - bà Thuận giải thích.

Vài năm trở lại đây, nước mắm Hà Quảng, Điện Dương trở thành sản phẩm ưa chuộng của thị trường, nhất là những người Quảng xa quê muốn thưởng thức hương vị thơm ngon, đậm đà nguyên chất.

Năm 2019 nước mắm và mắm ruốc cơ sở bà Thuận được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cũng từ đó lượng tiêu thụ trở nên đột biến, bình quân mỗi ngày bà Thuận xuất ra thị trường gần 100 lít nước mắm và 50 ký mắm ruốc, khách hàng hầu như ở khắp nơi, từ các khách sạn, nhà hàng tại Hội An, Đà Nẵng đến TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội… cũng đặt mua.

Sản phẩm cơ sở Nước mắm Hà Quảng (phường Điện Dương, Điện Bàn) được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.LỘC
Sản phẩm cơ sở Nước mắm Hà Quảng (phường Điện Dương, Điện Bàn) được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.LỘC

Tính đến cuối năm 2022, Quảng Nam có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP (222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao), hầu hết thuộc các ngành hàng thực phẩm (199 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (27 sản phẩm), đồ uống (18 sản phẩm), thảo dược (18 sản phẩm)…

Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng trăm sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần tạo sự phong phú, đa dạng hàng hóa Quảng Nam, hàng Việt trên thị trường. Một số sản phẩm như sâm Ngọc Linh, hàng mỹ nghệ, lụa tơ tằm, tinh bột ngũ cốc, thức uống… ngày càng được người tiêu dùng quan tâm đón nhận.

Vài năm trở lại đây hàng Việt chiếm tỷ lệ khá lớn trong các chợ truyền thống và siêu thị trên địa bàn tỉnh. Tại hệ thống các siêu thị Winmart, Pikamart, Co.opMart… hàng Việt chiếm hơn 85%, chủ yếu là hàng thực phẩm và tiêu dùng, may mặc. Tỷ lệ này không ngừng tăng cao, nhất là trong và sau dịch COVID-19, khi các chuỗi cung ứng hàng hóa từ nước ngoài bị đứt gãy.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, tỷ lệ hàng Việt tại Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thậm chí chiếm hơn 90%, riêng các mặt hàng thực phẩm như thịt cá thì lấy hoàn toàn tại Quảng Nam.

Tháng 9 hàng năm, siêu thị tổ chức chương trình khuyến mãi “Tháng tự hào hàng Việt” nhằm tôn vinh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Không chỉ đồng hành với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP địa phương, trong 3 năm nay Co.opMart Tam Kỳ cũng đã bố trí riêng gian hàng bày bán sản phẩm của gần 50 chủ thể OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam, giúp người dân, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý.

Nâng chất lượng hàng Việt

Theo ông Phan Minh Dũng - Bí thư Thị ủy Điện Bàn, thời gian qua Điện Bàn không chỉ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá cả phù hợp, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đặc biệt, bên cạnh đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hàng hóa nội địa, sản phẩm nông thôn, sản phẩm OCOP trên địa bàn, thị xã cũng khuyến khích các cơ sở sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố đầu vào là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Riêng các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên hàng Việt Nam khi mua sắm tiêu dùng.

Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản Quảng Nam ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.LỘC
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản Quảng Nam ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.LỘC

Có thể khẳng định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trí tuệ bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, trong phân phối hàng hóa, trong xây dựng văn hóa tiêu dùng. Từ đó, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức cũng như hành động của các cấp, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức và người dân trong thực hiện cuộc vận động.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, năm 2022 thực hiện Chỉ thị 03 của Ban Bí thư và Chương trình 08 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiệu quả mang lại rất thiết thực. Sau 2 năm đại dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy, cũng mở ra cơ hội để hàng Việt xác lập vị trí trên thị trường.

“Ngoài đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân ưu tiên mua hàng hóa Việt Nam, Quảng Nam cũng vận động doanh nghiệp vươn lên làm chủ công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm chiếm lĩnh thị trường.

Đồng thời tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển nguồn hàng địa phương, nhất là sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các trang web miễn phí; hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận các công cụ thương mại điện tử (đưa hàng lên sàn thương mại miễn phí), tham gia các hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu.

Qua đó nhằm tạo sự đa dạng kênh mua, bán hàng hóa sản xuất trong nước hoặc có xuất xứ Quảng Nam, giúp người dân chuyển dần nhận thức đối với hàng tiêu dùng Việt Nam. Gắn với đó, chúng tôi tăng cường biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phòng vệ thương mại, phối hợp quản lý thị trường xử lý nghiêm hàng giả, hàng lậu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững lòng tin người tiêu dùng về hàng Việt” - ông Dự nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hàng Quảng Nam lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO