Văn hóa

Hành trình đến thành phố sách

KHIẾU THỊ HOÀI 21/04/2024 09:50

Con đường sách ở phố cổ Hội An trở thành những vòm sáng lấp lánh hạnh phúc. Nó khiến những người đau đáu phát triển văn hóa đọc cảm thấy vững tin vào giấc mơ về một thành phố sách bên sông Hoài.

172373011_10215665546911171_7474274551599414082_n(1).jpg
Trẻ em đọc sách cùng Không gian đọc Hội An. Ảnh: K.H

Đọc cho trẻ em

Với rất nhiều câu chuyện của Hội An thời vang bóng - một nơi gặp gỡ của văn nhân, cái nôi của văn hóa đọc miền Trung. Và chúng tôi cùng nuôi giấc mơ khôi phục những tủ sách gia đình, phát triển trở lại văn hóa đọc ở phố cổ.

Gặp những tâm hồn đồng điệu, tôi và các thành viên của nhóm Không gian đọc Hội An có thêm động lực trong việc tổ chức những buổi đọc sách cùng trẻ em. Định kỳ mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần ở các không gian mở, từ tiền sảnh bảo tàng, khuôn viên điểm dừng chân, một góc sân ở khoảng giếng trời trong ngôi nhà cổ… chúng tôi đọc sách cho trẻ em nghe.

Chúng tôi muốn truyền tới cộng đồng thông điệp, rằng việc đọc sách có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Nhờ việc đọc sách ở không gian mở, tôi nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến của những người bạn vong niên Hội An từng có một thời đam mê đọc sách.
Bền bỉ và không ngừng sáng tạo, mỗi buổi đọc sách đều mới mẻ, thú vị bởi sự kết hợp giữa việc đọc bằng tất cả ngôn ngữ biểu cảm, cùng sự tương tác với những hoạt động trải nghiệm sau khi đọc.
Số lượng trẻ em thích thú tham gia các buổi đọc sách ngày một nhiều. Điều này khiến tôi tin chính thế hệ này sẽ xây dựng được thói quen tự đọc sách. Và chẳng bao lâu, chính các em sẽ là người đưa những hiệu sách Hội An thời vang bóng quay trở lại, hiện hữu nơi thành phố di sản thế giới.

thu-vien-hoi-an-tim-hieu-di-tich-qua-trang-sach.jpg
Tìm hiểu di tích qua trang sách.

Truyền cảm hứng đọc

Từ 3 năm trở lại đây, những phối hợp trong đào tạo việc đọc, tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc ở Hội An ngày càng sôi nổi hơn. Một phần do những cá nhân đam mê phát triển việc đọc sách được tham gia khóa đào tạo Đại sứ đọc của Reading Vietnam, bên cạnh những chủ động từ phía các thư viện nhà trường.

Tôi nhớ nhất lần đọc sách tương tác với hơn 600 em học sinh của một trường tiểu học của Hội An. Bởi thông thường, mỗi buổi đọc sách tương tác của đại sứ đọc với trẻ em chỉ giới hạn trong khoảng 20 em. Nhưng kỳ lạ thay, buổi kể chuyện âm nhạc đó, hơn 600 em học sinh dường như cuốn theo lời dẫn chuyện của tôi và cách kể chuyện âm nhạc của “chú Sâm” (tên thân mật của Trần Tấn Sâm – tác giả bộ chuyện kể âm nhạc đầu tiên của Việt Nam).

Cùng với những thành viên của Không gian đọc Hội An, chúng tôi có thêm những người kể chuyện sách là phụ huynh hay các thầy cô giáo. Họ đã khiến việc đọc trở nên phong phú, sinh động và có sức truyền cảm hứng mạnh hơn, để đọc sách cùng nhau.

Từ hơn 10 năm trước, tôi từng mơ ước, Hội An sẽ là thành phố đầu tiên của cả nước được nhắc nhớ đến với hình ảnh là một thành phố đọc sách. Bây giờ, việc xây dựng thành phố đọc sách như mơ ước vẫn đang là một hành trình. Nhưng con đường này, càng ngày càng nhiều điều thú vị, nhiều tín hiệu vui để vững tin.

Không gian đọc Hội An đã bước qua năm thứ 11 vận hành từ khi thành lập đến nay. Bền bỉ, say mê cùng việc lan tỏa tinh thần đọc sách, đã định danh một Khiếu Thị Hoài gắn với Không gian đọc Hội An. Từ thói quen đọc sách cho con, đến dự định ban đầu mở một không gian đọc miễn phí cho trẻ em, qua 11 năm, Không gian đọc Hội An cùng Khiếu Thị Hoài trở thành dấu ấn đặc sắc của phố cổ vào mỗi cuối tuần. Khiếu Thị Hoài cũng trở thành Đại sứ đọc Việt Nam, khởi từ hoạt động của Không gian đọc Hội An. Từ một người phụ nữ xứ Bắc theo chồng về định cư phố Hội, bây giờ chị cảm thấy Hội An là quê hương thứ hai mình. Chị nói, công việc yêu thích của mình là đọc sách cho trẻ em vào mỗi cuối tuần ở những không gian xinh đẹp, thơ mộng và truyền cảm hứng ấy tới mọi người một cách tự nhiên nhất có thể. (L.Q)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành trình đến thành phố sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO