Cuộc sống thường ngày

Ký ức của cát

TRẦN ĐĂNG 12/02/2024 09:00

Trong ký sự “Cát cháy” viết về Bình Dương, một xã phía đông của huyện Thăng Bình (Quảng Nam), nhà văn Nguyên Ngọc dẫn lại lời một nhà văn nói rằng, cát không có ký ức. Nhưng tôi biết, trong sâu thẳm mỗi hạt cát từng thấm đẫm nỗi đời trên ký ức ấy, nó luôn lưu giữ những gì cần giữ.

tnb-61919.jpg
Người dân Bình Dương hôm nay chung tay xây dựng cuộc sống mới. Ảnh: T.S

Cuối năm 2023, đoàn nhà văn Việt Nam gồm những tác giả quen thuộc với bạn đọc cả nước như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Cao Duy Thảo… có chương trình đi thực tế tại Quảng Nam. Và họ chọn Bình Dương của huyện Thăng Bình làm điểm dừng chân.

Với Quảng Nam, đặt chân lên bất cứ thước đất nào cũng có thể nghe ở đó tiếng vọng từ quá khứ - một quá khứ bi thương nhưng cũng rất đỗi kiêu hùng. Nhưng vì sao các nhà văn lại chọn Bình Dương để dừng chân?

Có lẽ họ đã tìm thấy trong mỗi hạt cát nơi ấy, không chỉ có dấu chân của những người anh hùng đã làm nên bao kỳ tích mà còn có bóng dáng của những đồng nghiệp đàn anh từng có mặt ở đó vào những tháng năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đó là Trần Tiến - Chu Cẩm Phong, là Nguyên Ngọc, là Cao Duy Thảo…

Nếu là đảng viên thì ở lại!

“Tôi đến vào ban đêm, tờ mờ sáng hôm sau là gặp ngay trận càn. Hết càn thì rút nên cũng chẳng hình dung được quang cảnh của Bình Dương lúc ấy là như thế nào. Nhưng câu nói của chị Bốn hỏi tôi lúc địch chuẩn bị càn vô xóm thì tôi không quên” - nhà văn Cao Duy Thảo mở đầu câu chuyện về “ký ức của cát” ở Bình Dương bằng một mẩu hồi ức cỏn con nhưng đã ám ảnh ông suốt 56 năm qua.

Vừa tốt nghiệp Trường Điện ảnh, ngành Biên kịch năm 1966, Cao Duy Thảo đã xin đi chiến trường. Ông chọn Quảng Nam, nơi được xem là một trong những chiến trường ác liệt nhất lúc ấy để dừng chân. Vừa chân ướt chân ráo đến Ban Văn nghệ khu 5, Cao Duy Thảo xin về vùng sâu ngay. Bình Dương đã đón ông bằng một trận càn “kinh thiên động địa”.

Nhưng điều ông nhớ nhất về trận càn hôm đó không phải là những tiếng nổ đinh tai nhức óc của pháo bầy, pháo chụp từ biển bắn vào hay từ Chu Lai nã ra; không phải là những tiếng “xì xồ” của đám lính Mỹ hay lính Nam Triều Tiên tay lăm lăm súng, sẵn sàng nã tiểu liên vào bất cứ thứ gì cựa quậy trước mặt, mà là câu nói của một chị cơ sở. Đó là câu nói của chị Bốn.

“Tôi được phân công ở trong nhà chị Bốn - tôi cũng không rõ chị ấy tên là gì, chỉ nghe mọi người gọi chị bằng thứ, thứ Bốn, thế thôi. Chị Bốn là cơ sở tin cậy ở thôn 2, xã Bình Dương này nên mấy anh lãnh đạo xã giao tôi - một thanh niên mới toanh từ miền Bắc vừa vô chiến trường, để chị Bốn bày vẽ đường đi lối lại.

Vừa lót dạ mấy củ khoai sáng, tôi đã nghe tiếng nổ của súng tiểu liên từ đầu thôn kèm theo những tiếng “xì xồ”. Chị Bốn vừa nhìn ra ngõ, vừa nói bâng quơ: “Tụi nó lại càn nữa rồi”. “Tụi nó” ở đây có thể là tụi lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên hoặc lính Sài Gòn. Nhưng hôm nay, trận càn này có vẻ sẽ “ác liệt”. Nhìn khuôn mặt chị Bốn, âu lo như dồn lên đôi mắt.

Quay về phía tôi, bất chợt chị hỏi: “Mi có đảng viên chưa đó?”. Tôi hơi chột dạ: Ở trên chiến khu mới xuống đồng bằng lần đầu, lại không quen cách “tư duy” của người Quảng, địch đi càn thì liên quan gì đến đảng viên hay là không đảng viên mà lại hỏi vậy?

Nhưng chị Bốn hỏi, tôi phải trả lời ngay, như kiểu buột miệng: “Dạ chưa”. “Ừ, chưa thì mi né lên xóm trên, còn nếu là đảng viên thì ở lại nhà tau, chui xuống chỗ ni”. Vừa nói, chị vừa chỉ tay vào vị trí của căn hầm bí mật, đào ngay trong nhà.

Dĩ nhiên là tôi phải “lánh lên xóm trên”, vì “chưa đảng viên”. Bấy nhiêu đó mà cứ ám ảnh mãi lấy tôi, vì tôi không hiểu, sao đảng viên thì được ở lại nhà chị, còn chưa đảng viên thì “lên xóm trên”? Mãi sau này, khi đã dạn dày trận mạc của chiến trường, tôi mới vỡ lẽ!”.

Hồi ức xa thẳm lại hiện về có lớp có lang như thế với nhà văn Cao Duy Thảo. Rồi ông kết luận, cũng là tự trả lời cho câu hỏi đã ám ảnh ông lúc bấy giờ: “Nếu chưa đảng viên mà chui xuống hầm bí mật ngay trong nhà, khi địch càn vào, chúng vừa dọa chủ nhà bằng những câu “tao biết Việt cộng trốn chỗ mô rồi”, lại vừa dùng cây sắt chọc khắp nhà, giày đinh nện ầm ầm trên mặt đất, thế nào anh “chưa đảng viên” ấy cũng… vọt lên, hoặc có những động thái bất thường dưới hầm là chúng biết ngay.

Còn nếu anh là đảng viên, chỉ khi nào chúng “khui đúng hầm” thì mới chịu trận! Đảng phải bám vào dân như thế, dân luôn tin ở Đảng là như vậy. Chính niềm tin ấy, chúng ta mới vượt qua được giai đoạn thắt ngặt nhất của chiến tranh”.

Gà cũng tham gia kháng chiến

Cụ Phan Ca, nay đã 90 tuổi, kể: “Thời chiến tranh, nhất là sau Mậu Thân mãi đến năm 1975, đứng ở Bình Dương ni có thể nhìn thấy người đi lại trên quốc lộ 1. Hắn dùng đủ các loại xe để cày ủi trắng đất mà. Nhưng cũng thật kỳ lạ, các loại cây dại, chỉ sau một mùa mưa là mọc dày đặc. Có rứa mình mới đào hầm bí mật, địch hắn mới không phát hiện được chớ!”.

Nói đoạn, như chợt nhớ ra điều gì, ông cụ xua tay, rồi như đính chính: “Nói rứa chớ bọn địch hắn kinh lắm, hắn ma lắm. Nhìn trên mặt đất, liếc qua một cái, hắn biết là cơ sở ta có người vừa đi qua chỗ hầm bí mật nớ.

Vì dấu chân còn hằn trên cát, hoặc lớp sương trên cát bị “mất dấu”. Cứ thế hắn khui lên. Nhiều vụ, cán bộ ta chết oan vì mất cảnh giác. Nhưng rồi chúng tôi có cách, địch trăm tay nghìn mắt cũng thua”.

Cụ Ca có một bài thơ dài hàng trăm câu, kể lại vụ thảm sát Trảng Trầm năm 1969 của lính Nam Triều Tiên. Rất chi li, cụ thể, như một biên niên sử về vụ giết người man rợ này, khiến ai nghe cũng xúc động vô cùng. Cụ có trí nhớ tuyệt vời nên những chi tiết đánh lừa bọn địch để chúng không phát hiện ra các miệng hầm bí mật, nghe rất thú vị.

“Mùa mưa thì không vấn đề gì vì nước mưa sẽ xóa nhanh dấu vết của miệng hầm nếu như cán bộ ta vừa chui xuống đó, nhưng mùa nắng, nhất là mùa có sương nhiều thì rất dễ bị lộ.

Thế rồi, bà con mình nghĩ ra cách ni: Hễ mỗi lần dẫn cán bộ ra nỗng cát để chui xuống hầm bí mật mỗi khi địch đi càn thì mang theo một nắm lúa. Hồi đó nắm lúa, nắm gạo còn quý hơn vàng nhưng buộc phải sử dụng vào việc nớ.

Khi đưa cán bộ xuống hầm rồi, lấy lá cây phủ lên rồi nhưng dấu vết thì rất khó xóa nên rắc lên miệng hầm mấy hột lúa rồi tủ lá lại. Chỉ cần mình quay lưng là lũ gà xúm lại đào bới lớp lá ấy lên để tìm… lúa. Vô tình chúng “lấp” giùm dấu vết. Nói “gà cũng tham gia kháng chiến là nói ý đó”.

Viết về nhân dân Bình Dương, nhà văn Nguyên Ngọc đã ngợi ca sự thông minh của họ không tiếc lời, nhưng cái vụ “gà tham gia kháng chiến” này, có lẽ ông chưa nghe bao giờ!

Cụ Ca bảo rằng hoàn cảnh nó buộc con người ta phải vượt lên những điều mà bình thường không ai nghĩ tới. Người Bình Dương đã làm nên bao kỳ tích từ những điều giản dị như thế.

Những hộp thư trong cát

Ông Phan Kế Hùng, 70 tuổi, người thôn 1, Bình Dương, nói về những “hộp thư bí mật” thời chiến tranh ở Bình Dương, nghe đến là khó tin. “Có những năm, địch đưa toàn bộ dân Bình Dương vào khu dồn. Dân vào khu dồn chứ du kích thì phải bám trụ. Nhưng lấy chi ăn để mà đánh nhau với giặc đây? Những “hộp thư trong cát” bắt đầu hình thành từ đó.

“Dân vào các khu dồn nhưng bữa mô địch không đi càn thì trở về làng, trồng cây rau, vun lại luống khoai. Nhưng đó chỉ là cái cớ để gặp du kích, cũng là gặp con em của mình. Hai bên quy ước ở một địa điểm nào đó, lần sau mà về làng, mang theo ít gạo, giấu kỹ chứ lính bảo an lục soát dữ lắm, bỏ vào túi ny lon rồi chôn dưới cát.

Du kích biết địa chỉ quy ước ấy rồi, đêm đến, cứ thế mà ra moi cát lên lấy gạo về nấu. Du kích có yêu cầu gì thì cũng viết mấy chữ, chôn đúng chỗ đó. Những hộp thư tuyệt mật cứ thế tồn tại trong lòng cát đến hết cuộc chiến tranh”.

Bình Dương bây giờ được phủ kín bởi màu xanh của cây trái. Dấu vết của một thời trận mạc gần như bị xóa nhòa, nhưng cát ở đây luôn lưu giữ trong ký ức của nó những điều không thể quên như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ký ức của cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO