Theo bước chân người Quảng

Làng Cẩm Sa qua dấu thời gian

PHẠM NGỌC SINH 27/01/2025 15:56

(Xuân Ất Tỵ) - Nằm giữa hai dòng sông Vĩnh Điện và Lộ Cảnh - Cổ Cò, có một ngôi làng được các bậc khai khẩn đặt tên rất đẹp: Cẩm Sa - nghĩa là Cát Gấm.

321512731_665868138581966_1175452942504856708_n.jpg
Nhà thờ tộc Phạm làng Cẩm Sa. Ảnh: T.S

Tên làng ban đầu là Kim Sa, nghĩa là cát vàng. Theo sử liệu và gia phả, lớp lưu dân “Bắc địa tùng vương” từ Thanh Hóa, Hải Dương,… vào khai khẩn và lập làng từ thế kỷ 15 - 16, mà nhiều nhất là các họ Hồ, Lê, Phạm. Thủy tổ Tiền hiền tộc Phạm quê gốc Chí Linh, Hải Dương an nghỉ tại một gò đất cát ven sông Cổ Cò, dân gian gọi gò mả Phạm.

Dấu xưa làng cổ

Nhà thờ tộc Phạm Cẩm Sa lưu giữ câu đối về nguồn gốc rằng “Làng Đa Tốn, núi Chí Linh, từ quê Bắc ông cha từng sáng nghiệp/ Đất Cẩm Sa, sông Lộ Cảnh, vào Nam con cháu dựng cơ đồ”.

Năm 1695, Thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán trong hành trình từ Cửa Hàn dọc theo sông Cổ Cò vào Hội An theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu để giảng đạo ghi lại phong cảnh hữu tình và đời sống ven sông san sát, trù phú: “Mõ đánh giữa dòng, các thuyền khi đi hàng dọc, khi xếp hàng ngang, khi đi thẳng một hàng, khi chia thành hai dãy; ba quân miệng hò khoan, chân giậm ván, thảy đều đúng nhịp, rập ràng. Gió thổi hiu hiu, nước xanh lạnh lẽo, rừng tre thâm thẩm, bãi cát sáng ngời,…”.

Trong lịch sử, làng Cẩm Sa là huyết mạch giao thông Bắc - Nam, nơi lưu dấu chân, vó ngựa,… của hầu hết bậc tiên dân xứ Quảng.

Cũng chính vị trí quan trọng ấy, tại đây đã diễn ra trận đánh ác liệt giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn ngày 24/4/1777 mà “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang đã mô tả: “Quân Tây Sơn hoặc bị giết hoặc bị voi giày, chết không xiết kể, bèn vỡ trận... Quân Trịnh bắt được quân lính, quân nhu khí giới rất nhiều, đuổi theo đến Thanh Hà rồi chiếm dinh Quảng Nam”.

Cẩm Sa xưa cũng là nơi tấp nập xe ngựa của quan khách, người buôn kẻ bán. Về sau, khe nước quanh co phía tây làng được vua Minh Mạng đào, khơi thông thành dòng sông nối Thu Bồn - Vu Gia ra Cẩm Lệ - Cửa Hàn.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn viết: “Sông Vĩnh Điện ở phía bắc huyện, thượng lưu tiếp hai nguồn Ô Da và Thu Bồn, chảy về phía bắc đến xã Hòa Khuê Đông, hợp với sông Cẩm Lệ chảy ra cửa biển Đà Nẵng. Xét sông này nguyên trước là đường thủy đạo, khuất khúc quanh quẹo lâu năm bồi lấp, năm Minh Mạng thứ 3 (1822) vua sai Cai bộ Lê Đại Cương nhân theo đường cũ đào vét từ xã Câu Nhí đến xã Cẩm Sa dài hơn 850 trượng”.

Như vậy, từ trước đã có sông Lộ Cảnh - Cổ Cò ở phía đông đến đầu thế kỷ 19 có sông đào Vĩnh Điện phía tây, làng Cẩm Sa trở thành làng giữa hai dòng sông cổ sầm uất.

Làng có nhiều tướng

Làng cổ nhỏ Cẩm Sa như hình mẫu thu nhỏ đầy đủ, sinh động của truyền thống xứ Quảng. Lịch sử làng qua bao biến thiên, từ trù phú đến chiến tranh ác liệt và hồi sinh phát triển. Nơi đây chứng kiến trận đánh máu đổ thành sông thời chúa Trịnh - Tây Sơn. Đó cũng là làng của đại khoa Ngô Lý - Ngũ phụng tề phi rạng danh đất học Quảng Nam. Đó là làng bị cày ủi trắng, bom đạn băm nát từng góc vườn, tang thương trong 2 cuộc kháng chiến, nơi có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất.

Điều đặc biệt, làng Cẩm Sa có 5 vị tướng, mà người dân ở đây luôn tự hào nhắc đến. Đó là Thiếu tướng Phạm Bân, Anh hùng LLVT, nguyên Tỉnh đội trưởng Quảng Nam - Đà Nẵng; Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng tình báo Phạm Mai; Thiếu tướng Trần Đối, Anh hùng LLVT, nguyên Phó Tư lệnh Mặt trận 479 và Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, nguyên Chính ủy Quân khu 5.

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cùng Trung tướng Nguyễn Văn Thảng đã dày công sưu tầm tư liệu, góp công xây dựng bia tưởng niệm “Địa điểm trận đánh 7 dũng sĩ Điện Nam”, được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh (năm 2020).

Ông Phạm Đức Nam (con trai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Đức Nam), Chủ tịch Hội đồng Tộc Phạm Quảng Nam - Đà Nẵng, người viết sử làng tự hào: “Tôi có may mắn tìm về cội nguồn nhiều làng quê từ Bắc vào Nam, hiếm có làng quê nào như Cẩm Sa. Đúng như ông cha ta thường nói: Quê nghèo nuôi những anh hùng. Nơi đây từng là làng quê đẹp, thanh bình (trước năm 1960), nơi sinh ra nhiều người con ưu tú, làm rạng danh quê hương. Bây giờ, tại Nhà truyền thống Cẩm Sa đã và đang sưu tầm tư liệu, hình ảnh để lưu giữ và giáo dục truyền thống cho con cháu mai sau”.

Làng ta ở tận lòng ta (Nguyễn Duy). Với bề dày truyền thống và không gian tương lai, Cẩm Sa sẽ là chuỗi đô thị ven sông phát triển bừng sáng, mềm như dải lụa gấm giữa đôi bờ Vĩnh Điện - Cổ Cò phía Bắc Quảng Nam, như ước nguyện người xưa: Cẩm Sa lập xã lưu kim cổ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng Cẩm Sa qua dấu thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO