Những bản làng dưới chân núi Ngọc Linh đang vào vụ cấy. Với người Xê Đăng, hạt lúa gieo xuống không chỉ gửi gắm mong đợi về một năm no đủ mà còn vun vén những giá trị cố kết cộng đồng.
1. Mưa dông nặng hạt từ xế chiều, dai dẳng đến tận chập choạng tối, kéo sương mây sà xuống dày đặc. Ở nóc Măng Priu (thôn 3, xã Trà Linh, Nam Trà My), ánh đèn đêm leo lét hắt qua khe cửa. Bà con đã trở về sau một ngày đội mưa, phơi nắng cấy lúa.
Trong gian bếp, anh Hồ Văn Dấu nhóm lửa, đun ấm nước, còn vợ loay hoay nấu nướng. Đó là bữa cơm mà anh chị dành để cảm ơn bà con, họ hàng đã góp ngày công giúp gia đình xong vụ mùa.
“Ở Trà Linh, bà con vẫn giữ truyền thống đổi công khi tới mùa vụ. Nhà tôi thì không đủ công để đổi nên trả 200 nghìn đồng/ngày và lo ăn uống. Trả tiền không phải là xong trách nhiệm. Mình không thể quên ơn bà con đã giúp gia đình có cái ăn trong một năm.
Chẳng ai tính toán, đo đếm đã giúp bao nhiêu công, đổi bao nhiêu công, nhưng bản thân tự giác biết trả ơn người đã giúp bằng nhiều cách, như giúp nhau dựng nhà, trực chốt sâm hoặc thu hoạch lúa…” - Dấu nói.
Dùng xong bữa tối cảm ơn cùng gia đình Dấu, bà con trong làng quây quần chuyện trò bên bếp lửa. Chị Hồ Thị Hiếu ở nóc bên cạnh, phải lặn lội đường xa trơn trượt nên đến chậm hơn giờ hẹn. Vợ Dấu niềm nở chào đón, rồi bưng mâm cơm ấm nóng ra thiết đãi, như biết chắc chị Hiếu sẽ đến.
“Đã nhận lời mời, thì sớm hay muộn cũng phải thu xếp. Không phải đến để được trả công bằng mâm cơm, ấm trà mà tôi muốn chung vui với nhà Dấu đã cấy xong vụ mùa năm nay. Đó là lệ của người Xê Đăng” - chị Hiếu nói.
Đợi mọi người đông đủ, Dấu khui ghè rượu cần chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Hương rượu mới thoang thoảng. Già Hồ Văn Canh - ba của Dấu tâm sự, mời rượu cần sau mùa cấy là nét văn hóa của người Xê Đăng. Mỗi người giúp công cho gia đình phải dùng trọn vẹn ít nhất một chén.
Chủ nhà phải kề cận ghè rượu, chêm nước, mời khách dùng trước rồi mới đến lượt các thành viên trong gia đình. Ai nấy đều đã thấm mệt sau mấy ngày dài cấy lúa. Nhưng bên bếp lửa và ghè rượu cần, bao câu chuyện chừng như không dứt.
“Cấy xong có mưa dông, chắc lúa lên nhanh”. “Hy vọng năm ni được mùa để đủ cái ăn quanh năm”. “Xong mùa rồi, chắc mai lại lên vườn sâm”. “Tôi còn phải đổi công ở làng bên”…
Mùa cấy của người Xê Đăng không nhiều nghi thức như cúng lúa mới, lúa kho. Cứ tháng 4, mưa dông kéo về, bà con rủ nhau lên ruộng, cày xới, đắp đất, be bờ, dẫn nước về các chân ruộng.
“Trước khi cấy thửa đầu tiên, chủ nhà chặt ngọn đót cắm xuống giữa ruộng, như biểu tượng của cây nêu trong văn hóa Xê Đăng. Nghi thức này không chỉ xin thần lúa, thần nước, thần núi… cho phép xuống mạ vụ mới, cầu mong một năm bội thu, mà còn xua đuổi những điều không may, chim chuột phá hoại ra khỏi những thửa ruộng” - già Canh kể.
2. Để chân núi Ngọc Linh tít tắp một màu mạ non như hôm nay, thế hệ của già Canh đã rong ruổi khắp triền núi, tìm kiếm những vùng đất màu mỡ cạnh suối thác để khai hoang.
Trước đây, bà con vẫn còn giữ tập quán trồng lúa rẫy, tức phá đốt nương rồi gieo hạt. Khi cây sâm có giá, hệ sinh thái rừng trở nên cấp bách, người Xê Đăng bắt đầu thay đổi tư duy để cân bằng lợi ích, vừa có của ăn, của để. Họ giảm dần việc phát đốt nương để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng và chỉ trồng lúa nước.
Cây lúa không còn nằm đồi “trông chờ” nắng mưa, vì luôn có những dòng nước mát lành, lặng lẽ từ đại ngàn chảy hết chân ruộng này đến chân ruộng khác, để nuôi lớn bao thế hệ người vùng cao.
Chiều xuống, sương núi là là buông, dân làng Măng Piu thu dọn nông cụ để trở về nóc. Trên con đường mòn uốn lượn giữa đại ngàn, anh Hồ Văn Dung và vợ vẫn không giấu được hân hoan khi nghĩ về thửa ruộng mình vừa cấy xong.
Anh Dung năm nay ngoài hai mươi tuổi, mới ra riêng. Ngày anh lấy vợ, cha mẹ đã chia một khoảnh ruộng nhỏ gần con suối đầu làng để an cư lạc nghiệp.
“Mình biết ơn cha mẹ lắm. Trước kia, ông bà phải lặn lội lên tận núi cao để làm rẫy, còn giờ vợ chồng mình được làm ruộng nước ngay gần nhà, đỡ vất vả mà lúa lại tốt hơn. Quan trọng là không phải phát rừng như trước nữa” - anh Dung nói, đôi mắt ánh lên niềm hân hoan.
Câu chuyện nhỏ ấy không chỉ là niềm vui của một gia đình trẻ, mà còn phản chiếu một chuyển động lớn trong tư duy của đồng bào Xê Đăng. Nếu như ngày trước, người trẻ khi ra riêng thường phải lên núi sâu phát nương, làm rẫy - một lối canh tác từng làm tổn hại đến rừng già - thì giờ đây, họ ưu tiên khai phá những khoảng đất thấp gần làng, dẫn nước từ suối, đắp bờ, làm ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Đó không chỉ là sự thuận tiện trong sinh hoạt mà còn là cách để giữ rừng, giữ mái nhà chung của cả cộng đồng.
Từ khi cây sâm trở thành nguồn sinh kế quan trọng, bà con nơi đây càng hiểu rõ hơn giá trị của rừng. Sâm Ngọc Linh chỉ sống khỏe trong rừng tự nhiên, dưới tán rừng nguyên sinh. Muốn giữ sâm, phải giữ rừng. Muốn giữ rừng, phải thay đổi cách làm ăn. Và thế là, từ mỗi nếp nhà sàn đến các cuộc họp làng, chuyện bỏ dần lối canh tác cũ để chuyển sang làm ruộng nước dần trở thành ý thức chung.
Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh chia sẻ: “Chúng tôi không áp đặt, mà kiên trì vận động bà con từ nhiều năm nay. Không phát thêm rẫy mới, thay vào đó là tận dụng các rẫy cũ gần nguồn nước để cải tạo thành ruộng bậc thang. Nơi nào có đất ven suối, cán bộ xã hướng dẫn khai hoang thêm để mở rộng diện tích trồng lúa nước”.
Không chỉ tuyên truyền, chính quyền địa phương còn đồng hành bằng những hỗ trợ thiết thực. Các hộ gia đình khó khăn được cấp giống, cán bộ khuyến nông tới tận nơi hướng dẫn cách be bờ, dẫn nước, làm đất... Địa phương cũng đầu tư hệ thống thủy lợi bao quanh lưng đồi để đưa nước đến hầu hết các chân ruộng của bà con.
Những buổi hướng dẫn nhỏ nơi đầu ruộng, những cuộc trao đổi bên bờ suối giữa cán bộ và người dân đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất. Khi chứng kiến lúa nước cho năng suất cao hơn hẳn lúa rẫy, bà con dần tin tưởng, mạnh dạn làm thêm ruộng bậc thang. Ruộng nối ruộng, vụ nối vụ, những vạt mạ non ven suối hôm nay chính là kết quả của một quá trình chuyển đổi bền bỉ, thầm lặng.
Ở nóc Măng Priu, kinh tế của bà con chủ yếu đến từ sâm Ngọc Linh, còn trồng lúa chỉ đủ cái ăn. Dẫu bao cuộc đổi đời đang hiện hữu trên ngôi làng vùng cao này, song không ai bỏ ruộng.
Già Canh nói, người Xê Đăng quan niệm, nhà nào càng nhiều thóc thì càng khá giả. Nóc nào có nhiều kho thóc thì ở đó cuộc sống sẽ yên ấm, vì Thần lúa sẽ luôn chở che. Tôn trọng hạt lúa nên chưa năm nào, làng Măng Priu gặp cảnh thiếu đói. Ngay cả những hộ khó khăn, neo đơn, không thể đi lại vẫn được bà con giúp sức để không bỏ ruộng và có cái ăn quanh năm.
“Trong một năm, bà con thôn 3 sẽ dành thời gian ở các chốt sâm theo lịch trực đã được phân công cho các gia đình để bảo vệ vườn, chăm sóc sâm, bẫy chuột phá hoại. Nhưng đến mùa cấy, bà con sẵn sàng đổi lịch trực để cùng nhau hoàn tất vụ mùa” - ông Dang nói.
*
* *
Gà vừa gáy, bản làng lại thưa vắng. Hôm nay đến lượt nhà chị Hồ Thị Hiếu cấy lúa. Cả nhà chị Hiếu gọi nhau dậy từ lúc trời còn tờ mờ để soạn sẵn bữa trưa cho bà con đến đổi công. Trong sương mây lãng đãng, bà con vác gùi, nối gót nhau trên lối mòn ven những chân ruộng đang xanh mướt mạ non.