(VHQN) - Cùng lao qua cửa mở mịt mù lửa đạn với xung kích, cuốn theo cuộc hành binh thần tốc, lặn lội đi tìm các nhân chứng một thời khốc liệt - những phim tài liệu về ngày giải phóng xứ Quảng tháng 3/1975 đã tái hiện và lưu giữ những ký ức lịch sử quý giá.
Đất Quảng những năm tháng không quên
Thước phim kể về “đêm trước” của đại thắng mùa xuân ở Quảng Nam - Đà Nẵng có lẽ là tác phẩm “Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước” do các nhà quay phim của Điện ảnh Khu 5 ghi lại.
Những hình ảnh sống động: xe tăng lao lên cửa mở, các chiến sĩ quân Giải phóng di chuyển qua những con đường dốc ngoằn ngoèo đầy dây thép gai. Kho đạn trong cứ điểm Nông Sơn nổ tung với cột khói hình nấm khổng lồ cuộn lên giữa đỉnh đồi. Từng đoàn hàng binh quần áo lấm lem, tay giơ cao đi dọc chiến hào nhưng gương mặt tươi tỉnh vì thoát chết...
Ông Nguyễn Trưng, nguyên phóng viên Điện ảnh Khu V tâm sự: “Người lính ra trận luôn có súng đạn để chiến đấu và tự vệ. Còn phóng viên chiến trường chúng tôi “vũ khí” chỉ là chiếc máy quay phim, luôn đối mặt với cái chết. Nếu không có lòng dũng cảm không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong chiến dịch giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng tháng 3/1975, một lực lượng báo chí hùng hậu đã bám theo các cánh quân, xuyên qua các trận đánh từ Tiên Phước - Phước Lâm - Suối Đá, giải phóng thị xã Tam Kỳ rồi thần tốc tiến ra phía bắc cùng hợp quân tiến vào TP.Đà Nẵng.
Những thước phim quay trong “cơn lốc” của mùa xuân đại thắng như cảnh súng ống, trang phục, phương tiện chiến tranh quân địch vứt bỏ ngổn ngang khi tháo chạy; cảnh người dân dùng xe máy, xe lam, cả xe quân sự địch bỏ lại để chở bộ đội vào thành, cảnh thanh niên vây quanh các anh giải phóng, cảnh tự vệ giữ gìn trật tự công cộng… sau này đã được Điện ảnh Quân đội tập hợp lại trong bộ phim nhiều tập “Đất Quảng những năm tháng không quên”.
Lưu dấu ấn lịch sử
Nhiều bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng khá quy mô do Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam sản xuất thời gian qua, ghi dấu ấn với bạn xem đài. “Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa xuân năm 1975”; “Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm, mốc son lịch sử” là 2 bộ phim tài liệu do QRT sản xuất kể lại giai đoạn 1974-1975.
“Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa xuân năm 1975” kể về chiến dịch Thượng Đức hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng. Diễn ra từ giữa cuối tháng 8 kéo dài đến tháng 11/1974, trận Thượng Đức là cuộc đọ sức nảy lửa nhất, ác liệt nhất giữa quân ta và quân ngụy từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Qua hồi ức của các nhân chứng như Trung tướng, Anh hùng LLVT Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304; đại tá Hồ Hữu Lạn - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324; đại tá, nhà văn Nguyễn Bảo - nguyên phóng viên chiến trường Thượng Đức; y sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương - Bệnh viện Y10 Quảng Đà... cuộc chiến khốc liệt ở Thượng Đức được soi chiếu dưới nhiều góc nhìn của người trong cuộc.
Đó là nỗi ân hận khôn nguôi của những người chỉ huy khi chủ quan khinh địch, tưởng rằng với lực lượng hùng hậu pháo cối hạng nặng, tên lửa có điều khiển... căn cứ Thượng Đức sẽ thành tro bụi; đó là sự thảng thốt của những thầy thuốc quân y khi thấy quân ta thương vong quá nhiều.
Bộ phim tài liệu “Từ chiến thắng Thượng Đức đến đại thắng mùa xuân 1975” cho thấy cái giá ta phải trả là rất đắt; tuy nhiên với thắng lợi này, cánh cửa thép phía tây nam căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng đã được mở toang.
Bộ phim “Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm, mốc son lịch sử” cũng được QRT triển khai nhân kỷ niệm tròn 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Đi từ góc nhìn của những người trực tiếp tham gia trận đánh, từ lính chủ lực, bộ đội địa phương đến các sĩ quan chỉ huy cấp tiểu đoàn bộ binh, công binh, chỉ huy cấp trung đoàn, cán bộ huyện Tiên Phước…, bộ phim tái hiện khá sắc nét, đa chiều về sự kiện giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm.
Đó là câu chuyện của ông Đỗ Ngọc Xướng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 15 công binh khi chỉ huy đơn vị bí mật đào công sự, kéo 4 khẩu pháo lớn lên đỉnh núi Vú Em ở Tiên Cẩm. Lối đánh “kéo pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng” là một trong những nguyên nhân khiến chiến dịch giải phóng Tiên Phước thắng lợi nhanh gọn, thương vong rất ít.
Phim cũng dành thời lượng cho trận đánh chiếm điểm cao 211, một cao điểm quyết định số phận của quận lỵ Tiên Phước. Câu chuyện cắm cờ trên đỉnh 211 trong khi quân địch còn chống trả, được trung đội trưởng Nguyễn Chí Phong tái hiện rành rọt. Gắn liền với cuộc tiến công giải phóng Tiên Phước - Phước Lâm là loạt trận đánh phản kích tại khu vực Suối Đá xã Tam Dân và xã Tiên Phong huyện Tiên Phước.
Đây là điều ít được quan tâm trong nhiều câu chuyện trước đây. Hồi ức của các nhân chứng cho thấy tại cửa ngõ phía tây của tỉnh lỵ Quảng Tín ngày ấy đã diễn ra nhiều trận đánh quyết liệt giữa Sư đoàn 2 của ta và chủ lực địch.
Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 7 Từ Ngọc Thạch, một nhân chứng của phim khẳng định khi quân chủ lực địch bị đánh thiệt hại nặng tại các điểm cao, đồng ruộng xã Tam Dân, xã Tiên Phong thì việc tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ không quá khó, vì “lớp vỏ bảo vệ” đã bị bóc. Đó cũng là thực tế đã diễn ra trong ngày 24/3/1975 trên mảnh đất Tam Kỳ.
Đề cập về những ngày cuối tháng 3/1975 ở xứ Quảng, gần đây VTV8 có bộ phim “Ngày hòa bình”, thực hiện theo phong cách phim Varan của Pháp - tức phim không có lời bình.
Thông qua câu chuyện kể của các nhân chứng - từ dân thường, sinh viên đến người lính của chế độ cũ… bộ phim tái hiện cảnh tượng hỗn loạn, ngột ngạt của thành phố bên bờ sông Hàn trước “cơn cuồng phong của lịch sử”, để rồi tất cả vỡ òa trong niềm vui hòa bình.
Cảm xúc của bộ phim lên đỉnh điểm khi nhân chứng là người lính chế độ cũ kể lại một cuộc “hát cho nhau nghe” khá tình cờ giữa những người lính từng ở hai bên chiến tuyến. Không kỳ thị, không thù hận, họ hát về tình yêu, về quê hương, kể những mẩu chuyện đời thường… Mang thông điệp về những khát khao và giá trị quý giá của cuộc sống bình yên, về sự hòa giải… bộ phim “Ngày hòa bình” góp thêm một sắc điệu nhân bản trong gia tài phim tài liệu về ngày quê hương Quảng Nam được hoàn toàn giải phóng.