“Ngày hội” về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mang tính cộng đồng vừa được Công an Quảng Nam tổ chức với sự tham gia của đông đảo cán bộ chiến sĩ và người dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Với các trải nghiệm về kỹ năng thoát nạn, xử lý đám cháy và nhiều kiến thức quan trọng, sự kiện đã lan tỏa, tạo sức hút đối với người dân.
Trải nghiệm
Khi chiếc xe thang chuyên dụng nâng lên với độ cao tương đương một tòa nhà 5 tầng, chị Lê Thị Huyền Trang (phường An Xuân, Tam Kỳ) hồi hộp khi con trai mình được các chiến sĩ lính cứu hỏa cho tham gia trải nghiệm cứu nạn bằng xe thang.
Trong khi đó, cậu con trai Thái Lê Duy Khoa (7 tuổi, con trai của chị Trang) vẫn bình tĩnh. Kết thúc trải nghiệm, Khoa lại nhờ mẹ dẫn mình sang các khu vực khác, nơi có cán bộ chiến sĩ của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đang túc trực và sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ.
“Biết được thông tin từ người thân, tranh thủ thứ Bảy, tôi đã dẫn cháu đến Trung tâm Văn hóa tỉnh để xem lính cứu hỏa hướng dẫn kiến thức chữa cháy, cứu nạn và cho cháu trải nghiệm.
Những hoạt động này lần đầu tiên con tôi được tham gia, bản thân tôi thấy không chỉ bổ ích cho cháu mà còn bổ ích cho chính mình, có thể áp dụng vào thực tiễn khi có sự cố cháy” - chị Trang chia sẻ.
Có đến 9 khu vực trải nghiệm với rất nhiều hoạt động hướng dẫn kỹ năng chữa cháy, kỹ năng thoát nạn trong đám cháy được bố trí tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh trong 2 ngày 7 và 8/10 để bất kỳ người dân nào cũng có thể tham gia.
Đến với chương trình, cán bộ chuyên môn của lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH bố trí cán bộ tuyên truyền để cung cấp kiến thức về PCCC, đồng thời tổ chức cho người dân trải nghiệm thực hành chữa cháy, CNCH.
Ông Phạm Phú Châu (người dân phường An Mỹ, Tam Kỳ) hào hứng khi sử dụng bình chữa cháy cầm tay để khống chế ngọn lửa từ bình khí gas. Sau lưng ông là một hàng dài người chờ đến lượt mình tự tay trải nghiệm.
Là đội viên của một đội PCCC ở cơ sở, ông Châu đã từng nhiều lần được hướng dẫn về kiến thức phòng cháy, nhưng được trực tiếp trải nghiệm vẫn mang lại cảm giác thích thú đối với ông.
“Đến đây, tôi không chỉ biết rất nhiều kiến thức bổ ích về các trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, các nguyên tắc phòng cháy nổ trong gia đình mình mà còn được hướng dẫn nhiều kỹ năng rất thiết thực.
Hiện nay tình hình cháy nổ rất phức tạp, chính địa bàn TP.Tam Kỳ cũng đã xảy ra hỏa hoạn chết người, nên việc tham dự các sự kiện này là rất cần thiết để bà con có thể hiểu, nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng phó với sự cố cháy, nổ” - ông Châu cho hay.
Lan tỏa ý thức
Theo Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh, đơn vị cử cán bộ giới thiệu, hướng dẫn một số mô hình an toàn PCCC và các trang thiết bị chữa cháy, CNCH thông dụng, cần thiết trong hộ gia đình.
Trong đó, tập trung vào mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và mô hình điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư, hướng dẫn cách lắp đặt các mô hình, đồng thời khuyến nghị trang bị dụng cụ chữa cháy, cứu nạn cần thiết trong hộ gia đình, sử dụng app báo cháy 114 trên điện thoại thông minh...
“Chúng tôi hướng dẫn cho người dân tham gia được trực tiếp trải nghiệm, thực hành chữa cháy và CNCH trong một số mô hình. Người dân sẽ được trải nghiệm thoát nạn trong môi trường nhiều khói, trong không gian hạn chế, thoát nạn bằng nệm hơi, bằng thiết bị thả chậm.
Ngoài ra còn trải nghiệm cứu người mắc kẹt trên nhà cao tầng bằng xe thang, thực hành sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy rò rỉ khí gas, thực hành rải vòi chữa cháy, phun nước chữa cháy, thực hành di chuyển người tay không, sơ cấp cứu ban đầu người bị nạn và các biện pháp di chuyển người bị nạn...
Người dân đến tham quan, trải nghiệm cũng sẽ được nghe hướng dẫn về sử dụng điện an toàn tại hộ gia đình do cán bộ Công ty Điện lực Quảng Nam thực hiện” - Thượng tá Trần Công Tiết cho biết.
Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng hạn chế lâu nay đối với công tác phòng chống cháy, nổ là ý thức, kỹ năng về công tác phòng, chống cháy nổ của người dân vẫn còn thiếu và yếu. Hàng loạt vụ cháy mà nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ bắt nguồn từ việc vô ý trong sử dụng lửa, quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà, thắp hương thờ cúng, sạc pin điện thoại, xe máy điện…
Theo Đại tá Hồ Song Ân, khi xảy ra cháy phải huy động được tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời điểm vàng” 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân”.
Để làm được điều đó cần đẩy mạnh công tác hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng, thường xuyên kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng về PCCC cho nhân dân.
Lực lượng chức năng sẽ thường xuyên tổ chức những buổi diễn tập, cùng nhân dân sáng tạo nên những mô hình PCCC tiêu biểu, nêu bật vai trò của người dân trong công tác PCCC, xử lý cháy theo phương châm “4 tại chỗ”, từ đó tạo nên một thế trận từ nhân dân, của nhân dân, trở thành “tấm khiên” kiên cố đối mặt với hỏa hoạn khi xảy ra.
“Chương trình được tổ chức để người dân có điều kiện tham gia các hoạt động trải nghiệm chữa cháy, thoát nạn… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về công tác PCCC và CNCH; giúp người dân nắm vững biện pháp an toàn PCCC và kỹ năng sinh tồn cơ bản khi có sự cố cháy, nổ, sự cố tai nạn xảy ra” - Đại tá Hồ Song Ân nói.